Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh: Tiên phong số hóa hình ảnh y khoa

Từ cuối năm 2023 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh ứng dụng Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS). Đây là bước đột phá của bệnh viện trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh.

Cuối tháng 5 vừa qua, Khoa Nhi tiêu hóa (BVSN tỉnh) tiếp nhận một bệnh nhi 7 tuổi bị đau họng, buồn nôn do nuốt phải một đồng xu kim loại. Để kiểm tra vị trí của đồng xu, bác sĩ đã thăm khám và chỉ định chụp X-quang vùng cổ, ngực. Kết quả chụp X-quang nhanh chóng được Khoa Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng (BVSN tỉnh) truyền tải lên hệ thống PACS. Tại Khoa Nhi tiêu hóa, các bác sĩ chỉ cần sử dụng máy tính để đăng nhập vào hệ thống PACS và tra cứu mã số bệnh nhi là thấy được kết quả chụp X-quang, thay vì phải chờ từ 30 - 45 phút để Khoa Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng in và trả kết quả chụp X-quang như trước đây.

“Hệ thống PACS cho phép bác sĩ truy cập dữ liệu bệnh nhân để tiến hành đọc kết quả X-quang, chụp cộng hưởng từ... ngay khi kỹ thuật viên vừa thực hiện xong việc chiếu chụp cho người bệnh. Thời gian chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân vì vậy mà được rút ngắn. Ngoài ra, Hệ thống PACS cung cấp nhiều công cụ xử lý và phân tích hình ảnh hiện đại. Trong đó, bác sĩ có thể phóng to, thu nhỏ hình ảnh y khoa, giúp việc chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn. Thậm chí, bác sĩ còn có thể xem hình ảnh và chẩn đoán từ xa vào bất kỳ lúc nào trên các máy tính có liên kết PACS. Từ đó, nâng cao hiệu quả khám, điều trị bệnh”, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Phụ trách Khoa Nhi tiêu hóa chia sẻ.

Bác sĩ của Khoa Cấp cứu đa khoa (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tra cứu hình ảnh chụp X-quang của một bệnh nhi bị tứ chứng fallot trên Hệ thống PACS.

Bác sĩ của Khoa Cấp cứu đa khoa (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tra cứu hình ảnh chụp X-quang của một bệnh nhi bị tứ chứng fallot trên Hệ thống PACS.

Cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh như: X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm... của bệnh nhân, nên thông qua Hệ thống PACS, các bác sĩ còn có thể tra cứu hồ sơ cũ của bệnh nhân khi người bệnh quay lại tái khám và điều trị. Việc tra cứu các dữ liệu này mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp phục vụ công tác cấp cứu, hội chẩn.

“Có trường hợp bệnh nhi vào viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, thở khó, nhưng người nhà chỉ biết bệnh nhi bị tim bẩm sinh chứ không nhớ cụ thể tim bị dị tật thế nào. Trong thời gian chưa thực hiện chỉ định cận lâm sàng là siêu âm tim, bác sĩ nhanh chóng tra cứu vào Hệ thống PACS xem lại kết quả siêu âm, chụp X-quang tim, phổi của bệnh nhi ở lần nhập viện trước đó. Kết quả cho thấy, bệnh nhi bị tứ chứng fallot dạng không lá van động mạch phổi - căn bệnh mà bệnh nhân có thể xảy ra các cơn tím tái, suy hô hấp đột ngột gây tử vong. Vì vậy, trong thời gian chờ thực hiện chỉ định cận lâm sàng, chúng tôi sớm thực hiện biện pháp hỗ trợ hô hấp tuần hoàn phù hợp cho bé ”, bác sĩ Trương Thị Cẩm Hương - Khoa Cấp cứu đa khoa (BVSN tỉnh) cho biết.

Tiên phong ứng dụng Hệ thống PACS trong công tác khám, chữa bệnh, BVSN tỉnh chú trọng nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống đến từng khoa, phòng, để việc lưu trữ, truyền tải hình ảnh y khoa đảm bảo chính xác. Các hình ảnh y khoa của người bệnh đều được số hóa nhờ Hệ thống PACS, nên BVSN tỉnh đã giảm bớt được không gian lưu trữ, quản lý dữ liệu và nhân lực, thời gian tra cứu dữ liệu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc BVSN tỉnh, việc ứng dụng Hệ thống PACS là một xu thế tất yếu, được bệnh viện triển khai đồng thời với bệnh án điện tử. Từ cuối năm 2023 đến nay, việc triển khai hiệu quả, đồng bộ Hệ thống PACS và bệnh án điện tử đã giúp bệnh viện cải cách quy trình khám chữa bệnh, hướng đến phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/suc-khoe/202406/benh-vien-san-nhi-tinh-tien-phong-so-hoa-hinh-anh-y-khoa-ea2121a/