Bệnh viện tuyến huyện như 'đang bơi mà không có phao cứu sinh'

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, bệnh viện tuyến huyện hiện đang quản lý số lượng bệnh nhân lớn, cũng là nơi hệ thống y tế xuống cấp nhiều nhất cả con người và vật chất.

Chiều 29/5, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu đoàn Bình Định đã có tranh luận về vấn đề đầu tư cho y tế cơ sở.

Ông Hiếu cho biết việc đầu tư cho y tế cơ sở là cần thiết, nhưng nếu làm theo cách cũ thì sẽ quá dàn trải, không hiệu quả và lại vẫn như cũ, không thay đổi được. Từ đó, ông đề xuất cần đầu tư nguồn lực tập trung vào một khâu trong y tế cơ sở, đấy là y tế tuyến huyện.

Lý giải cho việc tại sao lại là tuyến huyện mà không phải tuyến tỉnh, tuyến thành phố, ông Hiếu cho biết là bởi tuyến huyện hiện nay đang quản lý một số lượng bệnh nhân lớn, cũng là nơi hệ thống y tế xuống cấp nhiều nhất về cả con người và vật chất.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tranh luận chiều 29/5.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tranh luận chiều 29/5.

Ông Hiếu dẫn câu chuyện thực tế khi tiếp xúc với giám đốc các bệnh viện tuyến huyện, ông cảm giác “như người ta đang bơi mà không có phao cứu sinh, cũng không biết định vị thế nào”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, bệnh nhân có điều kiện sẽ đi tuyến trên, thậm chí lên tuyến Trung ương, những người ở lại là không có điều kiện, người nghèo và bệnh nặng. Trong khi đó, gánh nặng tự chủ đè trên vai, không biết đi thế nào.

Vì những trăn trở này, 2 năm qua, ông Hiếu cho biết đã tập trung vào tỉnh Lào Cai - một tỉnh GDP ở mức trung bình thấp.

“Chúng tôi đưa các bác sĩ nội trú xuống cấp huyện chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa và sau 2 năm thì hiệu quả đã thể hiện bằng rất nhiều con số”, ông Hiếu nói và cho biết.

Cụ thể là tỉ lệ chuyển tuyến xuống còn 3,7%, kỹ thuật tuyến huyện được tăng lên 12% và rất nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi, có nghĩa không phải lên tuyến trên.

Để có được thành công ấy, ông Hiếu cho rằng, ngoài nỗ lực của chính đội ngũ y bác sĩ còn có sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. “Có lẽ không có tỉnh nào trên cả nước như Lào Cai mà cả 9 bệnh viện huyện đều được xây mới, có máy CT scan thế hệ mới và ký kết với rất nhiều bệnh viện tuyến Trung ương để hỗ trợ”, ông Hiếu nói.

Từ thực tế này, ông đề nghị Chính phủ có chính sách tập trung cho y tế tuyến huyện để các tỉnh mạnh dạn đầu tư và Bộ Y tế cũng sẽ mạnh dạn đề nghị các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ phụ trách 1 hoặc 2 bệnh viện tuyến tỉnh tập trung vào tuyến huyện theo khả năng của mình để nâng cao y tế cơ sở.

Trước đó, trong sáng nay ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến lo ngại về tình trạng già hóa dân số mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo bà Thu, tuổi thọ trung bình của người Việt liên tục tăng, đến năm 2022 đạt 73,6 tuổi. Tuổi thọ bình quân cao, thế nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt tính từ khi sinh ra mới chỉ đạt 65 năm.

"Như vậy, người dân Việt Nam có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật, nhất là sau đại dịch Covid-19, những biến đổi về cơ cấu bệnh tật đã diễn ra", bà Thu chia sẻ.

Nữ đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu của ngành y tế thì không phải chỉ là trị bệnh cứu người mà còn nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Với các mục tiêu trên, bà Thu cho rằng, cần cải thiện hệ thống y tế, đầu tư vào hạ tầng y tế cơ sở, đào tạo nhân lực y tế và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở mọi lứa tuổi.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, thời gian qua, nhiều chủ trương được ban hành để dành nguồn lực nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Tuy vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế và đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp lực cản nhất định.

Bà Thu dẫn chứng, học phí đào tạo khối ngành y khoa luôn ở mức cao nhất tại hầu hết các trường đại học. Một số trường công lập học phí là 82,2 triệu đồng/năm, trường ngoài công lập thì có khi lên đến 180 triệu đồng/năm.

Đại biểu đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên y khoa với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Điều này sẽ đảm bảo được nguồn sinh viên, nhất là các sinh viên hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng trở thành bác sĩ. Cùng với đó là giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ và y tế cơ sở.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/benh-vien-tuyen-huyen-nhu-dang-boi-ma-khong-co-phao-cuu-sinh-a665949.html