Béo phì gây bệnh khớp, tiểu đường, đột quỵ

Nhiều người béo phì bị kỳ thị, sống tự ti, khép mình vì bị cho rằng do ăn nhiều nên béo phì; trong khi, béo phì là bệnh mạn tính, cần nhận thức đúng và điều trị kịp thời.

TS.BS Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Tổng Thư ký Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM, cảnh báo béo phì là bệnh mạn tính, tái phát và tiến triển; là cửa ngõ của nhiều bệnh tật, đe dọa sức khỏe người bệnh.

Bác sỹ Hoàng dẫn một nghiên cứu cho thấy, béo phì với BMI hơn 30 kg/m2, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, như viêm khớp gối (chiếm 52%), tăng huyết áp (chiếm 51%), ngưng thở khi ngủ (chiếm 40%), trào ngược dạ dày thực quản (chiếm 35%), gan nhiễm mỡ không do rượu (chiếm 29%), đột quỵ (chiếm 3%), đái tháo đường và nhồi máu cơ tim cùng chiếm 21%, nguy cơ ung thư… Những người bệnh này cần được chăm sóc y tế, điều trị kịp thời.

“Thế nhưng nhiều người chưa hiểu đúng về béo phì, chưa biết đây là bệnh, chỉ đi khám khi đã có biến chứng. Người bệnh cần nhận thức đúng về bệnh béo phì, thay vì chỉ xem đây là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh khác hoặc quan niệm béo phì do ăn nhiều, thiếu vận động”, bác sỹ Hoàng cảnh báo.

Cũng vì chưa hiểu đúng nên nhiều người định kiến, kỳ thị người thừa cân béo phì. Người thừa cân béo phì sống tự ti, khép mình, khó hòa nhập cộng đồng, khó chấp nhận bản thân, xấu hổ về ngoại hình, bế tắc trong cuộc sống.

“Trầm cảm, rối loạn lo âu là một trong những biến chứng của béo phì. Cần nhận thức đúng về bệnh để điều trị kịp thời và xóa bỏ định kiến, kỳ thị với người béo phì. Đó là điều nhân văn”, bác sỹ Hoàng nhấn mạnh.

Người mắc bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm tăng 55% theo thời gian, còn những người bị trầm cảm cũng tăng 58% nguy cơ béo phì, theo Liên đoàn phẫu thuật béo phì thế giới (IFSO).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh tỉnh rối loạn sức khỏe tâm thần cũng là một trong những yếu tố cần được đánh giá với người bệnh béo phì.

Học viện Y khoa Hoàng gia Anh (Royal College of Physicians UK) cho rằng, điều quan trọng với nền y tế quốc gia là phải xóa bỏ sự kỳ thị liên quan đến béo phì.

Đây không phải do lối sống của người ăn quá nhiều mất kiểm soát mà do cơ thể rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng của di truyền và các yếu tố môi trường xã hội như ít có thời gian vận động…

Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân. Theo WHO, với người châu Á, BMI từ 23 trở lên là thừa cân, BMI từ 25 trở lên là béo phì. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao.

“Vòng eo cũng là chỉ số quan trọng, giúp tầm soát nguy cơ thừa cân béo phì; đồng thời là biểu hiện của tình trạng thừa mỡ nội tạng. Đối với người châu Á, nguy cơ này tăng lên khi vòng eo trên 80 cm ở nữ và trên 90 cm ở nam”, bác sỹ Hoàng cho biết.

Trước đây, béo phì không được công nhận là bệnh. Đến năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chính thức công nhận béo phì là một bệnh mạn tính. Năm 1997, khi tỷ lệ người dân béo phì và thừa cân đã tăng gấp 3 lần so với năm 1975, WHO chính thức công nhận béo phì là một đại dịch toàn cầu.

Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) cũng công nhận béo phì là một bệnh mạn tính đòi hỏi quản lý và điều trị lâu dài. Liên đoàn Béo phì Quốc tế (World Obesity Federation - WOF) nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch toàn cầu này.

Theo Liên đoàn Phòng chống Béo phì Thế giới, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng ba lần từ năm 1975 đến năm 2022. Gần 3 tỷ người thừa cân béo phì, trong đó 1 tỷ người phải chung sống với bệnh béo phì - tức cứ 7 người thì có 1 người mắc bệnh.

Con số này được dự đoán sẽ tăng lên, đến năm 2035 có 51% thế giới, tương đương hơn 4 tỷ người béo phì hoặc thừa cân nếu không có hành động can thiệp kịp thời; nghĩa là cứ 4 người sẽ có 1 người thừa cân béo phì.

Số người béo phì ở Việt Nam đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á, ở mức 38%; trong khi tỷ lệ người béo phì của các nước trong khu vực là 10%-20%.

Riêng tại TP.HCM, tình trạng thừa cân béo phì tiếp tục tăng ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng từ 11,1% (năm 2017) lên 13,6% (năm 2022), trong khi toàn quốc là 11,1%; ở người trưởng thành hơn 37%, trong khi toàn quốc chỉ 20%.

Thống kê riêng của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tỷ lệ người thừa cân béo phì chiếm khoảng 56%-57% trên tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện một năm qua.

Tỷ lệ người thừa cân béo phì ngày càng tăng nhưng tỷ lệ được điều trị còn rất nhiều hạn chế. Đồng thời, bác sỹ Hoàng dẫn số liệu của Đại học Y khoa Yale (Mỹ) năm 2016, đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2, tỷ lệ điều trị là 86%; tuy nhiên, tỷ lệ điều trị đối với người thừa cân béo phì chỉ 2%, trong khi có đến 46% người Mỹ thừa cân béo phì.

Theo bác sỹ Hoàng, nhu cầu điều trị luôn rất nhiều nhưng chưa có đơn vị y tế chuyên nghiệp chăm sóc và điều trị cho người thừa cân béo phì.

Nhiều người thừa cân béo phì áp dụng những phương pháp giảm cân không chính thống, không được chứng minh bởi khoa học, gây nhiều đau đớn, thậm chí mất mát về thể chất và tinh thần người bệnh. Vì vậy, cần trung tâm chuyên sâu, toàn diện để tầm soát, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế cho người thừa cân béo phì.

Bộ Y tế hiện đã ban hành tài liệu hướng dẫn và điều trị béo phì. Theo đó, các bác sỹ điều trị béo phì bằng cách tiếp cận từng bước, đa mô thức và cá thể hóa. Người bệnh được đánh giá, điều trị theo chỉ định của bác sỹ đồng thời thay đổi lối sống toàn diện, từ ăn uống đến vận động.

Theo bác sỹ Hoàng, có nhiều yếu tố gây béo phì như di truyền học, giới tính, lối sống, sức khỏe tâm thần, tuổi, dân tộc. Trong đó, yếu tố không thể thay đổi được như lớn tuổi, di truyền, rối loạn nội tiết; các yếu tố thay đổi được, như ít vận động, chế độ ăn, hút thuốc lá và sử dụng thuốc.

Yếu tố di truyền học đóng vai trò quan trọng gây béo phì. Các nghiên cứu ước tính rằng yếu tố di truyền chiếm khoảng 40%-70% nguy cơ béo phì ở một người.

Gen di truyền liên quan đến hệ thống điều khiển sự thèm ăn và tiêu hao năng lượng, quá trình trao đổi chất và tích trữ mỡ. Đơn cử như gene ADRB3 giảm khả năng đốt cháy mỡ và tăng tích trữ mỡ, góp phần làm tăng tình trạng béo phì.

“Điều trị bệnh béo phì là trách nhiệm của xã hội, không phải của riêng cá nhân. Cũng như các bệnh không lây nhiễm khác, béo phì có thể phòng ngừa và kiểm soát được”, bác sỹ Hoàng nói.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/beo-phi-gay-benh-khop-tieu-duong-dot-quy-d226057.html