Bếp ăn tình thương tiếp sức học sinh nghèo
Những bếp ăn tình thương xuất hiện ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã chia sẻ phần nào khó khăn với các học sinh nghèo, người nghèo.
Buổi trưa tuần nào cũng vậy, bếp ăn tình thương ở thị trấn Núi Sập luôn nhộn nhịp học sinh của các trường: Trường tiểu học B thị trấn Núi Sập, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đến ăn cơm chay. Khi thấy các học sinh đến, các thành viên trong bếp ăn luôn nhắc: “Cơm và đồ ăn cô chú nấu nhiều lắm, các cháu cứ lấy nhiều nhiều ăn cho no bụng, đừng ngại gì”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập cho biết, bếp ăn do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thị trấn Núi Sập thành lập. Bếp ăn hoạt động từ tháng 11-2018, hoạt động sáu ngày trong tuần vào các buổi trưa, phục vụ gần 200 suất ăn trưa cho 150 học sinh cùng nhiều người nghèo. Có 20 người tình nguyện thay nhau đứng bếp nấu ăn, còn gạo, củi, rau, củ do các nhà hảo tâm đóng góp.
Ông Sơn chia sẻ, buổi trưa, ông cùng nhiều người trong Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thấy một số học sinh gương mặt xanh xao đi lại trong khu vực gần trường nên hỏi chuyện mới biết các em nhịn đói bữa ăn trưa. Khi hỏi các em sao không ra hàng quán ăn, các em tâm sự do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đi học ba mẹ chỉ cho ít tiền. Sau nhiều lần trò chuyện với các học sinh hay nhịn ăn trưa, Ban Quản trị Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập đã bàn bạc Ủy ban MTTQ thị trấn Núi Sập xin phép chính quyền địa phương mở bếp ăn nấu cơm chay cho các em ăn trưa miễn phí. Nhận thấy việc làm ý nghĩa này giúp học sinh có sức khỏe học tập nên địa phương đã tạo điều kiện tối đa thành lập bếp ăn.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thoại Sơn, ngay khi bếp ăn thành lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu trường thông báo cho học sinh xa nhà, học sinh nghèo biết có chỗ nấu ăn từ thiện để các em đến ăn uống trong buổi trưa. Từ ngày có bếp ăn, việc ăn uống của nhiều học sinh cũng được cải thiện hẳn lên. Có rất nhiều học sinh nhà xa trường hàng chục km lại học ngày hai buổi nên sáng đạp xe đạp đi học, trưa đạp xe về, rồi chiều quay lại học rất bất tiện. Vì vậy, có nhiều em chọn cách nghỉ trưa tại trường, nhưng có em hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhịn đói không ăn trưa hay ăn bánh mì, mì gói lót bụng, dài lâu sức khỏe không bảo đảm cho việc học.
Học sinh Nguyễn Hồng Thịnh, lớp 10, Trường THTP Nguyễn Văn Thoại cho biết, từ năm 2018 đến nay, Thịnh “đăng ký” ăn trưa liên tục tại bếp ăn. Do nhà cách xa trường hơn 10 km, nên học xong buổi trưa, Thịnh về nhà ăn cơm rồi phải quay lại học buổi chiều không kịp thời gian. Vì thế, như nhiều học sinh khác, buổi trưa Thịnh không về mà ở lại khu vực gần trường để khỏi đi đi về về, lúc chưa có bếp ăn, Thịnh cũng nhiều lần nhịn ăn trưa bởi ăn trưa tốn tiền từ 15 nghìn trở lên. Thịnh chia sẻ, nhờ tiết kiệm được khoản tiền ăn trưa nên số tiền dư này dùng để mua bút mực, tập sách…
Còn em Lê Mỹ Hạ, học sinh lớp 4, Trường tiểu học B thị trấn Núi Sập thì vui mừng hơn vì buổi trưa không lo đói nữa. Nhà Hạ gần trường, nhưng phụ huynh đi làm đồng từ sáng sớm tới tối mới về nhà ,nên bữa ăn trưa theo đó cũng thất thường, ngày đói, ngày no. Thế rồi, có bếp ăn, trưa nào đi học ngang Hạ cũng tạt vào. Đến bếp ăn, Hạ vào nhà bếp, tự lấy các khay thức ăn chứa cơm, canh chua, đồ xào, đồ kho, tàu hũ mang ra bàn ngồi ăn. Khi ăn xong, Hạ lại mang các khay trả lại nhà bếp cho các cô chú rửa, xong cảm ơn cô chú đã giúp Hạ có bữa cơm ngon.