Bếp là ký ức đẹp nuôi nấng bao nhiêu thế hệ
Giá trị của tình thân, của gia đình luôn là một vấn đề mang tính thời sự văn hóa.
Những câu chuyện về bữa cơm, tem phiếu lương thực, không gian bếp xưa từ các khách mời tham gia chương trình Quán thanh xuân tháng 11 - Thương mãi bữa cơm nhà - là đạo diễn - NSND Hữu Phần, NSND Công Lý, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nhà báo Ngô Thiên Chương, diễn viên Hồng Ánh một lần nữa nhắc nhớ về giá trị của tình thân, của gia đình.
"Bố mẹ mua cho hai chị em mỗi đứa một con gà nhép, chị nuôi gà mái còn tôi nuôi gà trống. Khi nó lớn, đến tết thì thịt con gà trống để cúng. Khi ấy tôi còn bé, thấy xót quá nên bỏ nhà ra đi... đầu ngõ, bố mẹ không biết vì còn bận làm cơm cúng Tết. Tôi cứ ngồi ngoài ngõ, mà cứ mong có người đi tìm mình về. Bố mẹ tôi lúc sau đi chợ hoa Ngọc Hà, thấy tôi mới bảo “ra Tết bố mẹ mua cho con gà khác”. Được lời như cởi tấm lòng, thế là tôi theo bố ra chợ hoa luôn. Tôi thấy bố mẹ không mua gì cả, cứ đứng đợi những người bán hoa violet họ bị ế, rồi họ vứt hoa đi thì bố mẹ tôi mới ra nhặt những cành đẹp nhất để về cắm" - NSND Công Lý xúc động chia sẻ.
Bếp xưa giờ mới kể
“Cô Đẩu” - NSND Công Lý chia sẻ, ngày xưa bếp nhà anh có bếp dầu, dây may xo, bếp than và gắn liền với cái chuồng lợn, để lại trong anh nhiều ấn tượng khó quên. “Ngày xưa nhà tôi ở tập thể Bưu điện, nhà nào có điều kiện thì mới tăng gia thêm để nuôi lợn. Mẹ tôi nuôi 1 con lợn và nó bị ốm, mẹ tôi múc một chút mì chính hòa vào cái máng, để con lợn ăn vì nghĩ như thế là ngon” – NSND Công Lý kể.
Chưa dừng lại ở đó, Công Lý còn “tự thú” ngày bé thường ăn vụng. Vì không mở được cửa chạn bếp do cánh cửa bị khóa, nên anh xoay lưng cái chạn về trước, để khóa cửa phía trước còn nguyên nhằm không bị gia đình phát hiện. Nhưng có lần “đen”, dịp đó vào mùa đông, Công Lý ăn vụng mỡ, cái liễn để khoét mỡ ra rang cơm cho mấy thằng bạn thì hốt hoảng có lốt thìa, sợ bị lộ. “Thế là tôi lấy cái liễn mỡ đặt lên cái bếp dây may xo đun lên để cho mặt nó phẳng. Nhưng cuối cùng lạnh gặp nóng nên cái liễn mỡ vỡ ra, sau đó bố mẹ về cho tôi ăn đòn luôn” – Khoái của phim Gió làng Kình vui vẻ cho biết.
Diễn viên Hồng Ánh kể rằng, bếp ngày xưa nhà chị cũng gần cái chuồng lợn. Nhà trong cư xá 7D Lê Văn Duyệt, bề ngang có 3 mét nhưng chiều dài thì sâu, cách cái bếp một bậc lên xuống thì mẹ nuôi 2 – 3 con lợn. Muốn đi tới nhà vệ sinh thì phải băng qua cái chuồng lợn và “hồi xưa mình tắm cho lợn thì... tắm cho mình luôn”. Bếp thì có một cái bằng đất nung, một bếp dầu và bếp lò xo như nhà NSND Công Lý, kế bên thì có chạn bát, dưới 4 cái chân chạn thì kê 4 chén (bát) nước để kiến không bò vào.
Nghe những chia sẻ của NSND Công Lý và diễn viên Hồng Ánh; nhà báo Thiên Chương nhận định: bếp là ký ức đẹp nuôi nấng bao nhiêu thế hệ. Thiên Chương kể, năm 1980 gia đình chuyển từ miền Tây sông nước về Đồng Nai. Dưới miền Tây thì bếp nhà Thiên Chương nấu bằng trấu, bếp được nặn bằng đất sét và có khoét một cái lỗ phía dưới cùng để đưa trấu vào. Để trấu cháy thì lấy vỏ cây tràm nhóm lửa cho cháy. Tới Đồng Nai thì bếp phía sau nhà. Muốn đi tới bếp thì phải qua một đoạn không có mái che, trời mưa thì phải đội nón, mặc áo mưa. Bếp thì được làm bằng 3 cục đá ong, kê làm sao cho không bị gập ghềnh, xếp thành hình tam giác rồi đặt nồi lên nấu. Để có củi nấu, Thiên Chương phải đi ra các mé rừng bẻ cây về làm củi. “Mùa mưa thì rất khổ, cây đã phơi khô rồi nhưng mưa ập xuống lại ướt nhẹp, khi cho vào bếp thì khói nghi ngút, mũi đen thui và người toàn mùi khói".
Diễn viên ngày xưa có “bồi dưỡng thanh sắc”
Kể về chuyện tem phiếu lương thực thời bao cấp, trong hoạt động làm phim, NSND – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: ngày xưa để có tem gạo và các loại phiếu thì đều phải có tiêu chuẩn bình bầu do Sở lương thực họ trực tiếp đến đơn vị để làm. Ví dụ như người làm hành chính chỉ được 13,5 kg/ tháng.
Sau đó đoàn làm phim của NSND Hữu Phần mời Sở lương thực đi theo xuống hiện trường, họ thấy đạo diễn làm việc vất vả như đi cày nên họ cho 17,5 kg. Các quay phim thì khai là “công nhân quay phim” và được tem 21,5 kg, được phát cả bảo hộ lao động và xà phòng rửa tay. Đặc biệt, NSND Nguyễn Hữu Phần cho biết, ngày xưa riêng diễn viên thì có thêm khoản bồi dưỡng thanh sắc, cấp theo phần trăm lương. Nhưng các diễn viên không được cấp tiền mà được phiếu sữa, đường, thịt. Thế nên nhà nào mà hai vợ chồng cùng là diễn viên thì “trúng” lắm. Trong khi đó, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ, hồi đi học ở trường múa thì chị có được phụ cấp là son, phấn.
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung mang đến trường quay 1 loại tem in năm 1973. Đó là tem dành riêng cho các sản phụ. Ngày xưa, một sản phụ được nước mắm loại 1, đường, sữa, thịt... Nước mắm loại 1 không phải loại 3 như của người dân bình thường. “Nước mắm loại 3 khi nấu thì thối um lên như tra tấn hàng xóm, mỗi khi nhà tôi nấu loại nước mắm này thì tôi cũng toàn phải trốn".
Đối với diễn viên Hồng Ánh, hồi bé thường đi theo bố mẹ để lãnh gạo, có tháng đi nhận thì lẫn rất nhiều bông cỏ, đãi hoặc sàng đi cũng không hết. Mẹ chị mới lấy cái chân que hương và để một ly nước kế bên, lấy chân que hương chấm vào ly nước rồi nhặt những bông cỏ ra. Tại vì bông cỏ có hai cái râu chòi lên, nếu ăn nhiều thì sẽ bị viêm ruột thừa. Thực tế nhiều người khi đi phẫu thuật ruột thừa thì trong đó có đầy những bông cỏ.
Những chuyện kể ấy từ Thương mãi bữa cơm nhà nhắc nhớ tới khán giả những ký ức về căn bếp, những bữa cơm gia đình như một phần kỷ niệm mãi khắc sâu và theo suốt những năm tháng trưởng thành. Và nó cũng cho khán giả trẻ biết được những tháng ngày khó khăn mà thế hệ ông bà, bố mẹ đã từng trải qua; để người trẻ biết trân quý hơn cuộc sống đủ đầy, nhiều yêu thương từ gia đình hôm nay.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bep-la-ky-uc-dep-nuoi-nang-bao-nhieu-the-he-n182377.html