Bếp lửa ấp iu nồng đượm

Bếp lửa mùa đông khói cay nồng, hoen mắt bao người con xa quê; bếp lửa khiến người ta nhớ Tết, nhớ nhà, nhớ tuổi thơ nghèo gian khó, nhớ miếng bánh thơm ngon cùng hơi ấm tình thân…

Chỉ cần một đống lửa nhỏ, mùa đông cũng bớt lạnh giá rất nhiều. Ảnh: TTH

Chỉ cần một đống lửa nhỏ, mùa đông cũng bớt lạnh giá rất nhiều. Ảnh: TTH

Miền Bắc đang trải qua những ngày rét mướt, nhiệt độ xuống thấp nhất trong mùa đông, đỉnh điểm là 20 ngày sau tiết đông chí (giữa đông), rét kèm với sương mù dày, mưa nhỏ khiến khí trời lạnh buốt, chỉ thở thôi cũng... cảm lạnh, nhớ bếp lửa biết bao.

Vài năm gần đây, bà con miền núi đã có kinh nghiệm chống rét cho mình và cho gia súc. Giờ đây, đi dọc Tây Bắc, Đông Bắc không còn thấy cảnh bà con mang trâu bò chết rét ra đường bày bán la liệt nữa. Bí quyết mà bà con chia sẻ là dùng lửa để giữ ấm cho cả người, cả vật nuôi.

Thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành, vùng biên giới phía Bắc căng thẳng giữ cho tuyến đầu không bị dịch bệnh xâm nhập, "chọc thủng". Trong lằn ranh lây nhiễm dịch rất mong manh, lực lượng Bộ đội Biên phòng truyền nhau một phương pháp chống nhiễm bệnh rất hiệu quả là bất cứ chốt gác nào, tổ đội tuần tra nào cũng đốt lửa để chống rét ngày đêm. Quan trọng hơn nữa, họ phát hiện ra rằng, lửa chống nhiễm khuẩn rất hiệu quả.

Khi đốt đống lửa cháy, cả vùng không khí xung quanh đó sẽ được khử khuẩn, khử trùng. Bàn tay lúc nào cũng xoa, hơ cạnh lửa ấm. Đồ dùng, nhất là đồ dùng dễ hấp thụ khí lạnh làm từ inox càng phải hơ nóng trên lửa... Mỗi cái mẹo nhỏ đó mà rất nhiều anh em binh sĩ, cán bộ làm nhiệm vụ đã vượt được qua mùa đông băng giá ở những vùng biên hoang vu, loại bỏ nỗi ám ảnh nhiễm dịch, lại tránh được cả nhiễm lạnh, cảm hàn.

Thực ra, mẹo dùng lửa để trừ tật bệnh, tăng đề kháng cho muôn loài từ cổ chí kim không ai phủ nhận. Lửa còn xua đuổi được tà ma, chướng khí cơ mà - người xưa nói thế. Nhưng nói rằng lửa làm chín thức ăn thôi, giúp con người sống lâu dài hơn, cuộc sống văn minh hơn thì chưa đủ. Lửa đi vào tiềm thức văn hóa của nhiều dân tộc, cộng đồng người mà chính chúng ta chưa hề biết hết ý nghĩa của nó.

Bếp lửa cũng là bếp đun nấu của mùa đông vùng núi cao. Ảnh: TTH

Bếp lửa cũng là bếp đun nấu của mùa đông vùng núi cao. Ảnh: TTH

Đã từng có rất nhiều các khu tái định cư bỏ hoang, mặc dù nhà nước đã xây dựng nhà kiên cố mời bà con miền núi về ở, chính vì người đầu tư, xây nhà để tặng đã quá tốt bụng rồi, nhưng không hiểu rằng, dân tộc nào sống cạnh rừng thì cũng đều có bếp lửa giữa nhà. Đó là phong tục, là nguồn cội, là sự sống. Xây nhà mà xây bếp bên ngoài, cầm chắc không phải nhà người Thái, người Mông, người Dao...

Mùa đông, thời xưa thóc cao gạo kém, áo ấm không đủ, chỉ có bếp lửa giữa nhà là nơi ấm nhất. Gia đình có của ăn, của để hay không nhờ vào việc chăm lo bếp lửa của nàng dâu trong nhà. Việc thờ cúng ông đầu rau (Táo quân) quan trọng như thờ tổ tiên. Cúng ông Táo cũng có một mâm cỗ riêng, một ngày riêng không lẫn.

Ngày 24/12, ngôi nhà rông (nhà cộng đồng) tuyệt đẹp ở thôn Kon Jong, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum đã bị thiêu rụi chỉ vì trẻ nhỏ đốt bếp trong nhà rông đã sơ sểnh để lửa bén cháy bùng. Nhìn ngôi nhà kiến trúc lợp tranh tre cầu kỳ đẹp đẽ bị ngọn lửa thiêu rụi xót xa vô vàn. Trước đây, khi nhà ở phần lớn còn lợp tranh tre nứa lá, điều kiêng kỵ nhất là nghịch lửa. Bởi nghịch lửa là dễ cháy nhà, cháy cả cơ nghiệp.

Chính vì thế, cộng đồng nào cũng có những bài dạy trẻ dùng lửa an toàn từ rất sớm. Cùng với đó là cách chế biến món ăn sấy khô, treo gác bếp, hun khói, cách hong củi dành cho mùa đông. Chỉ có nhà nào có bếp lửa giữa nhà, lửa khói quanh năm không bao giờ tắt thì mới có thể làm được các món ăn hun khói. Chứ người thành thị học cách chế biến này mà chểnh mảng, không biết điều tiết lửa to, lửa nhỏ, lửa nhiều khói, lửa không khói thì không thể làm được, hỏng thực phẩm ngay.

Một cuộc họp dòng họ của người La Chí ở Bản Phùng, Hoàng Su Phù, Hà Giang bên bếp lửa. Ảnh: TTH

Một cuộc họp dòng họ của người La Chí ở Bản Phùng, Hoàng Su Phù, Hà Giang bên bếp lửa. Ảnh: TTH

Bếp lửa giữa nhà chỉ để nấu ăn và sưởi ấm, trên bếp luôn để ấm nước nóng liu riu để bố uống trà, mẹ nấu cơm. Người miền núi kiêng kỵ nhất là đốt củi ngược đầu. Tức là cây khô chụm lửa phải chụm ở phần gốc trước rồi cháy lên ngọn. Nếu đốt ngược lại thì trẻ trong nhà sẽ ngỗ ngược, khó dạy bảo. Không được cho bất cứ gì ngoài củi vào bếp, nhất là giấy có chữ. Đồng bào quan niệm chỉ khi đốt sớ kêu cầu thì mới đốt giấy có chữ. Còn hằng ngày không cơn cớ, không được đốt giấy... báo chẳng hạn. Những thứ ngoài củi ra thì kiêng kỵ cho vào bếp, đặc biệt là túi, bao gói nhựa, xăng, đồ ăn, cồn... vật liệu kiêng kị tính theo ngũ hành tương khắc lại càng phải tránh.

Đêm 30 Tết chuyển qua sáng mùng 1, điều nàng dâu nào cũng phải làm là giữ cho bếp lửa không được tắt. Bởi nếu tắt thì quan niệm của đồng bào là sẽ xúi quẩy cả năm. Nàng dâu phải đốt cây củi to (củi cái) vào bếp từ chiều 30, lúc nấu nồi bánh chưng. Sau đó vùi cây củi cháy dở vào tro, sao cho sáng mùng 1 cời cây củi ra, thổi bùng lên ngọn lửa của sáng Nguyên đán. Nếu mà để bếp lạnh, khói tàn, e là nàng dâu sẽ bị mẹ chồng quở. Giờ việc nấu ăn nàng dâu nào cũng dùng bếp điện, bếp gas, cho nên phong tục này gần như không ai còn nói đến nữa.

Nồi bánh chưng chiều 30 Tết. Ảnh: TTH

Nồi bánh chưng chiều 30 Tết. Ảnh: TTH

Kỹ thuật đun bếp củi tưởng dễ nhưng mà lại khó. Việc đun bếp rơm rạ xưa kia của những dân tộc trồng lúa nước đồng bằng giờ đây có lẽ chẳng ai còn nhớ. Những nàng dâu thành phố theo chồng về nông thôn, khóc hết nước mắt cũng chẳng nấu xong nồi cơm. Vì khói cay quá mà chẳng ai dạy kỹ thuật đun rơm bếp.

Với bếp lửa, điều cơ bản nhất là chụm củi phải để khe hở cho không khí lọt vào tim bếp, lúc cầm ống thổi, tàn lửa không được bay phồng lên như pháo hoa dễ cháy nhà. Không có câu thơ nào nói đúng hơn việc chụm lửa mùa đông như câu thơ của nhà thơ Bằng Việt: "Một bếp lửa ấp iu nồng đượm". Tức là lửa phải cháy vừa đủ thôi, liu riu, quan trọng là không làm tắt bếp, chứ không phải đốt cho cháy bùng bùng, không có củi nào đủ.

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ Bếp lửa được ông sáng tác năm 1963 lúc 19 tuổi và đang đi du học ở Liên Xô. Ký ức về bếp lửa và cuộc sống tuổi thơ bên bà nội để bố mẹ đi kháng chiến in sâu đến nỗi làm hành trang, tinh thần và động lực cho ông mãi về sau này.

Nhiều phong tục của đồng bào các dân tộc Dao, Hà Nhì, Giáy... khi nàng dâu theo chồng có của hồi môn là củi thì bây giờ phong tục này cũng bỏ. Đời sống xưa kia chất đốt là quan trọng. Vào nhà ai củi xếp đống lớn ở chái nhà, là con gái nhà đó đảm đang. Bây giờ phần lớn người dân cam kết giữ rừng, không còn chặt cây rừng mang về đốt nữa, chỉ nhặt nhạnh cây khô, đống củi không còn là niềm ngưỡng mộ của trai làng với nhà gái nữa.

Phải xa quê, xa tuổi thơ và nhớ ký ức lắm mới có thể viết được những câu thơ hay như thế về bếp lửa mùa đông. Đồ họa: TTH

Phải xa quê, xa tuổi thơ và nhớ ký ức lắm mới có thể viết được những câu thơ hay như thế về bếp lửa mùa đông. Đồ họa: TTH

Hà Nội là thành phố bên sông, vào mùa đông, những ngày rét nhất nhiệt độ ngoài trời giảm mạnh và chênh lệch rất lớn so với ban ngày. Những người lao động ngoài trời thường đốt lửa để sưởi ấm và chống chọi với giá buốt. Những đống lửa leo lét trong đêm đông thành thị gợi bao nỗi niềm tha hương và khao khát đoàn viên.

Những người xa quê, lớn lên bằng cơm nhà oi khói cả tuổi thơ như chúng tôi mỗi lúc nhìn thấy bếp lửa lại chạnh lòng nhớ quê, nhớ Tết. Nhớ người cha đã khuất ngày nào còn chụm lửa nấu bánh chưng, khói hun khắp làng trên xóm dưới. Nhớ dáng bà nội ngồi bên bếp lửa hồng đượm hằng đêm với bao câu chuyện về phong tục, tập quán, giải nghĩa nhân sinh quan.

Đêm trăng sáng, lũ trẻ đốt lửa chơi đùa bên cha chú vào lúc hiếm hoi, ngư dân nghỉ ngơi không phải đi biển. Ảnh: TTH

Đêm trăng sáng, lũ trẻ đốt lửa chơi đùa bên cha chú vào lúc hiếm hoi, ngư dân nghỉ ngơi không phải đi biển. Ảnh: TTH

Lửa xuất hiện trong đầy đủ những nghi lễ vòng đời của người Việt. Bộ lễ nhang nến không thể thiếu từ lễ đầy cữ cầu mạnh giỏi cho trẻ sinh ra, đến lễ tang khi người mất đi. Ngay cả bây giờ, ở nông thôn miền núi vẫn còn những nghi lễ tang ma buộc phải có những bó đuốc lớn soi đường. Có lẽ câu chuyện chủ điểm mùa đông bao giờ cũng thế, đều xuất phát từ một bếp lửa hồng...

Trương Thúy Hằng

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bep-lua-ap-iu-nong-duom-179241228144711492.htm