Bếp lửa ngày đông: Kí ức tuổi thơ sưởi ấm một đời

Qua biết bao năm tháng, ngôi nhà ngói và bếp lửa mùa đông ở miền quê giờ chỉ còn trong ký ức xa xăm nhưng hình ảnh thân thuộc ấy vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí tôi.

Mấy hôm nay Hà Nội trời trở lạnh, dù đã mặc áo đủ dày, đắp chăn đủ ấm nhưng tôi vẫn chưa thấy đủ. Những ngày gió mùa tràn về, tôi bỗng thầm ước ao giá mà có được cái bếp lửa ngày xưa của bà của mẹ thì tốt biết mấy. Chiếc bếp lửa nhỏ ấm nồng tình yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, chất chứa bao vui buồn thuở nhỏ. Kỉ niệm ấy là điều thiêng liêng nhất, chan chứa sức mạnh phi thường nâng đỡ tôi trong suốt hành trình dài và rộng của năm tháng cuộc đời.

Mỗi lúc nhớ về những ngày xưa cũ trong tôi luôn hiện về hình ảnh ấm nồng của bếp lửa ngày đông.

Mỗi lúc nhớ về những ngày xưa cũ trong tôi luôn hiện về hình ảnh ấm nồng của bếp lửa ngày đông.

Mùa đông về kèm theo cái lạnh buốt giá là những cơn mưa phùn không ngớt. Tôi xa nhà lên Hà Nội lập nghiệp ngót nghét cũng đã gần chục năm. Những cơn gió mùa khi Hà Nội vào đông làm tôi trào dâng cảm giác nhớ nhà khó tả. Mùa đông trên đất thủ đô thật buồn, thật não nề nhất là vào những ngày mưa tầm tã, nó làm tôi thèm khát được bé lại hơn bao giờ hết.

Người bạn từ thuở nhỏ của tôi đang sống trong Nam nhắn hỏi: Nghe nói ở quê và Hà Nội đang lạnh lắm? Sao mình nhớ lắm những ngày đông bên bếp lửa quê nhà”, Người bạn ấy cùng làng, cùng chung dãy núi, bờ tre, con sông vắt sau nhà. Những ngày mùa đông buốt giá cùng đi đổ dế, mót khoai, đào chung củ sắn lùi, lúi ha lúi húi nùn rơm thổi lửa, sưởi ấm trên cánh đồng. Mặt đứa nào đứa nấy lấm lem mà vui biết mấy.

Ngày ấy còn nghèo, đời sống cũng chưa phát triển như bây giờ nên trước mỗi đợt mùa đông lạnh giá, người dân thôn tôi đã phải chuẩn bị những bó củi lớn để đề phòng những ngày mưa kéo dài. Ở quê, hầu như nhà nào cũng vậy, việc dự trữ củi lửa và nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối là việc làm thường xuyên và quan trọng. Nhà tôi cũng không ngoại lệ. Để có bếp lửa hồng trong những ngày mùa đông ấy, bố tôi phải lo dự trữ củi từ những tháng trước đó.

Thuở ấy, bếp lửa nhà tôi rực đỏ cả ngày. Vào mỗi sáng sớm, mẹ thường thức dậy sớm hơn nhóm bếp thổi lửa chuẩn bị đồ ăn sáng cho chúng tôi đi học. Khi bếp lửa bắt đầu rực cháy cũng là lúc chị em chúng tôi thức dậy và quây quần bên bếp lửa cùng mẹ. Những lúc như vậy thường là sương mù chưa tan hết và bình minh vẫn chưa ló dạng.

Chiều về thì như thành thói quen mấy chị em chúng tôi khi tan học là phải ghé qua gian bếp đầu tiên, rồi xà vào lòng bà, lòng mẹ. Cảm giác nhìn thấy bà hay mẹ đang nấu bữa cơm chiều cho gia đình mà cảm thấy bình yên đến lạ. Tôi còn nhớ như in hương vị đậm đà, xen lẫn là mùi cháy xém của sắn, củ khoai được bà lấy ra từ lớp than hồng. Vừa thưởng thức món khoái khẩu ấy, lại vừa nghe bà kể chuyện xưa.

Nấu cơm xong khi còn những cục than còn rực đỏ bà tôi lại nhặt chúng vào một chiếc chậu sắt mang lên nhà vừa sưởi ấm vừa ăn cơm và xem vô tuyến. Ngày ấy, nhà tôi là một trong những nhà có chiếc tivi đen trắng đầu tiên nên mấy nhà xung quanh mọi người thường tụ lại sưởi ấm xem tivi và bàn chuyện năm mới. Bọn trẻ chúng tôi thì huyên thuyên đủ thứ chuyện, từ chuyện được điểm 10 và được cô giáo khen đến chuyện ngày mai học bài xong thì đi chơi ở đâu, bắt con gì. Thật ấm áp làm sao! Những cảm giác bình yên như vậy khó mà tìm lại trong đời.

Trong căn nhà nhỏ của ông bà, bố mẹ bên ấm nước chè xanh và bếp lửa hồng những câu chuyện cứ râm ran kể mãi mặc cho ngoài trời gió lồng lộng thổi, tàu cau rơi bộp bộp trên mái hiên. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua tuy còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng lúc nào cũng ấm cúng tình người.

Thời nay nhịp sống làng xóm đã khác trước nhiều lắm. Nhà ai cũng có điều kiện hơn trước để mua tivi, mua xe máy, nồi cơm điện, hay hiện đại hơn còn sắm cả lò sưởi dù trong nhà vẫn chất nhiều gộc củi, gộc tre. Có lẽ cuộc sống văn minh bây giờ đã che lấp đi hình ảnh bếp lửa quen thuộc. Nhưng đối với tôi, ngọn lửa tuổi thơ vẫn ấm áp nhất, bình yên nhất và là nơi chốn để tôi quay về trong những ngày đông giá rét. Và cuộc sống cho dù có nhộn nhịp, người người mải mê đi làm ăn, kiếm sống nhưng chắc chắn ẩn sâu trong lòng mỗi người luôn có một bếp lửa nồng ấm, một bếp lửa 'ấp iu nồng đượm' của mùa đông năm nào.

L.T

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bep-lua-ngay-dong-ki-uc-tuoi-tho-suoi-am-mot-doi-169221206224957335.htm