Bếp lửa và nhịp chiêng hòa điệu núi rừng

Trong những đêm rừng, tiếng chiêng luôn rộn rã đồng hành bên ánh sáng ấm áp của ngọn lửa. Thần Lửa và thần Chiêng hòa hợp bên nhau và sẻ chia với đời sống tâm linh đồng bào Tây Nguyên. Lửa sáng đến đâu, âm thanh của chiêng lan tỏa đến đó. Những đêm hội buôn làng, ngọn lửa rực sáng cả một góc núi rừng, giàn chiêng vây quanh bập bùng và vòng người tạo thành vòng xoay xoắn xuýt. Cộng đồng hòa cảm…

“Trong tín ngưỡng dân gian nhiều dân tộc, lửa đã thắp sáng tâm linh cho họ. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí. Trong những đêm trường gió hú, ngọn lửa hiện hữu xua tan tăm tối, góp thêm vào những tầng giá trị văn hóa của cư dân giữa không gian núi rừng”.

Và cũng có khi, hồn lửa và tình chiêng hiện hữu, giao cảm trong không gian tinh tế và dịu dàng nhất của cuộc sống đời thường. Chiêng và lửa quấn quyện cùng nhau, giao cảm với nhau trong vẻ ngoài vô ngôn mà chất chứa bên trong biết bao nỗi niềm. Như chuyện tôi nhớ về đêm ấy, cái đêm ngủ lại buôn làng người Mạ.

Nằm giữa sàn nứa trong ngôi nhà dài của vợ chồng già làng K’Noi - Ka Lý, tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa là tiếng gió vờn qua những trảng cỏ tranh, là tiếng thú đi hoang khắc khoải gọi bầy. Giữa khuya, khuya lắm rồi, tôi bất chợt tỉnh giấc.

Mở mắt nhìn về giữa sàn, bếp lửa khơi lên từ đầu hôm vẫn âm ỉ cháy. Bà Ka Lý ngồi đó trầm ngâm như pho tượng. Những tàn lửa tí tách lóe sáng soi lên ánh mắt người đàn bà Mạ, mông lung và thẳm sâu. Cách dăm lát nứa sàn, ông K’Noi cũng tựa vách im lìm. Giữa vòm ngực trần vạm vỡ của ông là chiếc chiêng đồng lên nước bóng loáng. Già K’Noi mân mê chiếc chiêng trong tay. Tôi nằm im không dám trở người, sợ làm hỏng mất khoảnh khắc phiêu linh của đôi vợ chồng người già giữa rừng già Lộc Bắc. Chiếc chiêng đồng, ngọn lửa và sống động những xúc cảm trong tâm tưởng của họ. Bà Ka Lý vẫn lặng lẽ ngắm ngọn lửa. Già K’Noi vung nhẹ bàn tay, vỗ lên mặt chiêng. Tiếng đồng trong không gian khuya tĩnh thập thùng nghe thật dịu tai. Già cố ý không vỗ mạnh tay sợ làm tôi thức giấc…

Bao lâu rồi, tôi mãi không quên hình ảnh đầy gợi cảm và bí ẩn trong đêm rừng Lộc Bắc. Đêm có tiếng chiêng dịu dàng quấn quyện cùng ngọn lửa ấm trong ngôi nhà dài. Đêm có hai người già, người chồng tám lăm mùa rẫy và người vợ cũng đã gần tám mươi. Để rồi, thêm mỗi đêm rừng Tây Nguyên huyền ảo, tôi lại gặp những con người miền thượng và những bếp lửa âm vang tiếng chiêng. Ở xứ sở này, lửa và chiêng, hai thực thể khác nhau nhưng không thể thiếu nhau. Ngọn lửa nuôi tiếng chiêng. Chiêng cũng chỉ có thể hồn nhiên tự tình, chuyển tải thông điệp thiêng liêng bên lửa…

*

* *

Người Tây Nguyên coi ngọn lửa của rừng là ngọn lửa thiêng. Trong quan niệm cổ sơ của cư dân bản địa, vũ trụ bao gồm ba tầng: tầng trời, tầng người sống và tầng người chết. Cao nhất trên cùng chính là tầng trời, nơi cư ngụ của các vị thần. Đứng đầu trong các thần là Yàng N’Du, vị thần khai sáng và quyền năng tối thượng. Bên dưới thần N’Du là các vị thần khác ngự trị bao đời nay trong đời sống tâm linh của đồng bào: thần Mặt Trời, thần Nước, thần Núi, thần Đất, thần Lúa …và thần Lửa. Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, lửa đã thắp sáng tâm linh cho họ. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí. Trong những đêm trường gió hú, ngọn lửa hiện hữu xua tan tăm tối, và góp thêm vào những tầng giá trị văn hóa của cư dân giữa không gian núi rừng.

“Chiêng hiện hữu trong mọi ngóc ngách đời sống của người Tây Nguyên. Chiêng đến với người lúc hạnh phúc, sướng vui. Lúc khổ đau, bất hạnh chiêng đến để vỗ về, chia sẻ. Chiêng rung nhịp vui khi làng buôn được mùa bội thu, dựng nhà mới, đón khách quý, mừng trẻ chào đời....”.

Từng chứng kiến lễ cúng gọi thần Lửa mới cảm nhận được giá trị thiêng liêng của lửa trong đời sống tâm linh của đồng bào. Đêm hành lễ bắt đầu với sự tụ họp của dân làng ở nơi trang trọng nhất. Ba hồi tù và cất lên xao động cả góc rừng. Một vòm sáng bừng như từ cổ tích. Già làng đứng giữa vùng ánh sáng duy nhất ấy với dáng vẻ uy nghi. Dân buôn hướng dồn mắt về phía già, về không gian thiêng và lắng nghe tiếng cầu khấn chuyển tải tâm nguyện của cộng đồng: “Ơ…Yàng…! Hỡi thần Lửa linh thiêng…! Khắp bốn phương Ngài đang ở đâu? Đang trú ngụ ở những cánh rừng phía Đông hay thung lũng phía Tây. Dù Ngài có ở xa cách năm ngọn đồi, bảy con suối. Chúng con đang làm lễ cúng Ngài. Tre nứa chúng con để sẵn. Đá thiêng chúng con để sẵn. Củi rơm chúng con để sẵn. Chờ Ngài cho lửa. Ngọn lửa sẽ giúp xua đi màn đêm tăm tối. Đem ánh sáng và may mắn về cho buôn làng. Hỡi thần Lửa linh thiêng!…”

Sau lời khấn, chính tay già làng giết gà, trâu, heo hoặc dê hiến tế, dùng máu con vật hiến sinh bôi lên những ngọn đuốc đã được chuẩn bị sẵn và cọ hai thanh tre vào nhau để phát ra ngọn lửa. Lửa từ tay người già truyền cho một chàng trai trẻ khỏe mạnh và giỏi giang nhất. Lửa sáng lên, thắp sáng mọi ngõ ngách tối tăm. Ngọn lửa được chia về từng bếp nhà sàn. Thần Lửa đã chứng kiến, tiếp nhận lời khẩn cầu và cho phép đêm hội bắt đầu…

Sau lễ cúng gọi thần Lửa bao giờ cũng là lễ cúng gọi thần Chiêng. Già làng lại cất lời khấn: “Ơ…Yàng…! Hỡi thần Chiêng linh thiêng! Đang ngự trong các chiêng to, chiêng nhỏ, chiêng mẹ, chiêng con. Có cái ăn, cái để, biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải là nhờ ơn thần…Xin đa tạ và mời thần về dự. Hôm nay buôn làng mở hội…Sẽ có heo, có dê, có trâu tế lễ, có rượu cần ngon để cúng. Xin mời gọi thần về. Buôn làng sẽ rất vui. Xin thần cho hạ giàn chiêng xuống và đánh lên vang dội núi rừng…” Kết thúc lời khấn, già làng dùng máu con vật hiến tế bôi lên mỗi mặt chiêng và quay về hướng cây nêu tuyên bố lời khấn thần Chiêng đã được ứng nghiệm. Giàn chiêng được hạ xuống. Tiếng chiêng đồng loạt ngân lên, hòa điệu, lúc trầm hùng, lúc bay bổng phiêu linh…

Với đồng bào Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ đặc sắc và độc đáo mà còn là một linh vật. Đồng bào tin rằng, trong mỗi mặt chiêng đều có sự ngự vì của thần linh, chiêng càng cổ xưa thì sức mạnh của thần linh càng lớn. Âm thanh cồng chiêng được xem là ngôn ngữ diệu kỳ để con người giao cảm với các vị thần của họ. Thần Chiêng có thể bảo hộ, trợ giúp con người được ấm no, hạnh phúc nhưng cũng có thể giận giữ, trừng phạt nếu ai đó xúc phạm đến sự thiêng liêng. Chiêng hiện hữu trong mọi ngóc ngách đời sống của người Tây Nguyên, trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Chiêng đến với người lúc hạnh phúc, sướng vui. Lúc khổ đau, bất hạnh chiêng cũng đến để vỗ về, chia sẻ. Chiêng rung nhịp vui khi làng buôn được mùa bội thu, dựng nhà mới, đón khách quý, mừng trẻ chào đời. Chiêng não nề khóc đưa linh người già tạ thế. Chiêng than thở khi làng buôn gặp chuyện không vui. Trong dân ca Tây Nguyên có khúc hát rất hay: “Tiếng chiêng nhỏ, chiêng to, cồng con, cồng mẹ hòa vào nhau. Như mưa như gió. Lúc nghe nhẹ như nước chảy. Lúc nghe êm dịu như gió chiều. Lúc nghe ầm ầm như thác đổ, như sấm rền tháng tám. Đánh to, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao. Đánh chậm, tiếng chiêng trườn trên đồng cỏ. Thú rừng quên ăn, quên uống, ngẩng đầu nghe tiếng chiêng…”

*

* *

Tôi nhớ về hình ảnh hai người già K’Noi - Ka Lý trong đêm rừng Châu Mạ như nhớ về không gian nối tình chiêng và lửa. Có thể hai người già ấy không hề biết có một vị thần từ trong thần thoại xa xưa mang tên Promété đã từng mang lửa đến thắp sáng loài người. Có thể họ cũng chưa hề biết rằng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Điều họ biết là đêm ấy cũng như mỗi đêm rừng đã qua trong cuộc đời, tiếng chiêng vẫn quấn quyện cùng ngọn lửa, lửa chiêng hòa cảm, đồng điệu. Đêm có hai người già lặng lẽ. Họ cứ ngồi như thế, không cất một lời nào, nhưng tôi cảm nhận đang có một vùng giao cảm tâm tưởng. Ngọn lửa và tiếng chiêng là nhịp cầu chuyển tải tâm tình của họ. Đó có thể là những dòng ký ức về tháng ngày đã qua. Đó có thể là những tâm sự ẩn chìm chưa hề chia sẻ. Đó có thể là niềm tiếc nuối khi một mai họ rời xa nhau như chiêng rời xa lửa. Ngọn lửa hòa tiếng chiêng gần trọn đời người. Lửa sẽ tắt khi tiễn hồn chiêng, chiêng bặt tiếng khi chiêng mất lửa. Lửa xa chiêng, lửa không còn là ngọn lửa ấm. Chiêng xa lửa, chiêng cũng chỉ là những âm thanh vô hồn.

Không giống vợ chồng già K’Noi - Ka Lý trọn đời giữa buôn làng, bạn tôi, một người trẻ Tây Nguyên là nhạc sỹ Krajan Plin từng qua Mỹ tính định cư lâu dài. Rời buôn làng, anh không mang theo gì, chỉ mang bộ chiêng Droòng có tuổi hai thế kỷ cha ông truyền lại. Qua email, con chữ Plin bùi ngùi: “Mình nhớ chiêng quá!” Thì ra, mấy năm rồi, giàn chiêng anh mang từ buôn làng Cơ Ho của mình vẫn im lìm trên vách nhà bê tông ở vùng nam California, không hề có cơ hội cất tiếng. Plin chỉ nói ngắn thôi nhưng tôi hiểu tâm sự của người con đại ngàn tha hương. Không lâu sau cái email “đầy tâm trạng” ấy, Krajan Plin đã rời xứ sở “cờ hoa” bên kia bờ đại dương để trở về với buôn làng thân thương dưới chân dãy núi Lang Bian huyền thoại. Về lại với xứ sở, với Plin, chỉ là để được mang chiêng về hòa điệu cùng ánh lửa rừng trong những đêm quấn quyện những bắp chân trần với gái trai đồng tộc, để được hướng trọn tâm hồn của người con đại ngàn Tây Nguyên lên thế giới cõi Yàng. Tôi đồng cảm với Krajan Plin. Chiêng chẳng còn là chiêng, chiêng sẽ trở thành những thanh âm lạc điệu và vô cảm khi đã rời buôn làng, rời cánh rừng xa, rời con suối gần, rời bếp lửa đêm rừng huyền ảo…

Uông Thái Biểu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/bep-lua-va-nhip-chieng-hoa-dieu-nui-rung-572519.html