BHXH TP Hồ Chí Minh nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công nhân

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng cơ quan báo chí tổ chức diễn đàn 'Vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào (?)'. Tại diễn đàn này vấn đề nóng về đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công nhân được đặc biệt quan tâm. Các nhà quản lý, các chuyên gia đã cho độc giả góc nhìn đa chiều về vấn đề trên.

Theo đó, bà Lê Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết: Doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động được pháp luật quy định mà họ phải tuân thủ. Người lao động nếu bị ốm đau, tai nạn lao động trong quá trình lao động nghề nghiệp, nếu không có BHXH chi trả thì doanh nghiệp phải đứng trước hai lựa chọn như, tự chi trả bù đắp mất mát về thu nhập người lao động, hoặc tìm người lao động khác thay thế ‘’người lao động. Như vây, BHXH đã giúp doanh nghiệp chia sẻ tài chính khi người lao động gặp rủi ro. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động bằng việc chi trả các chế độ cho người lao động đầy đủ và yên tâm làm việc. Nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động còn chứng minh được thực lực tài chính của doanh nghiệp và khẳng định được thương hiệu của họ, giúp sự phát triển bền vững.

Cán bộ BHXH đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp.

Cán bộ BHXH đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động khiến họ khó khăn hơn, đặc biêt khi hưởng thai sản và tai nạn nghề nghiệp. Về lâu dài, người lao động sẽ không được hưởng chế độ hưu trí khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Đối với chậm đóng bảo hiểm y tế kéo dài không quá 30 ngày thì giá trị của thẻ không còn giá trị. Việc chậm, trốn đóng ảnh hưởng quá trình xác nhận tham gia của người lao động tại doanh nghiệp. Khi người lao động nghỉ việc, chấm dứt lao động thì quá trình đóng trước đó không được xác nhận; doanh nghiệp đóng đến đâu sẽ xác nhận đến đó. Do vậy, sẽ không đảm bảo được các quyền lợi, chế độ cho người lao động. Người lao động thì nghỉ việc, còn doanh nghiệp thiệt hại lao động có tay nghề giỏi.

Bà Lê Thị Thu Trang nhấn mạnh, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp cho người lao động như, đôn đốc thu nợ, nhắc nhở, thông báo với doanh nghiệp (mời doanh nghiệp làm việc, kiểm tra đối chiếu thông tin liên quan bảo hiểm của người lao động; yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định hàng tháng). Nếu doanh nghiệp cố tình về lâu dài mất khả năng thanh toán. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu, cố tình chiếm dụng quỹ BHXH. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên ngành như, Cục thuế TP Hồ Chí Minh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Từ đó, xác định chính xác tình hình số doanh nghiệp tăng mới, người lao động tuyển dụng mới mà không tham gia BHXH.

Sau đó, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đóng BHXH. Thời gian gần đây, BHXH TP Hồ Chí Minh đã phối hợp rất tốt với các cơ quan chức năng khác trong chia sẻ dữ liệu các cơ quan để rà roát các doanh nghiệp. Từ đó, phát hiện một số lao động mà doanh nghiệp trốn đóng. Mặt khác, tăng cường công tác thông tin truyền thông đối với các doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chính sách truyền thông cho các doanh nghiệp và người lao động về các quyền lợi, trách nhiệm liên quan đóng, giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. Đặc biệt, chương trình bảo hiểm xã hội số giúp người lao động biết được đơn vị, doanh nghiệp đã đóng BHXH cho mình đến thời điểm nào và biết đơn vị chậm đóng, nợ. Từ đó, người lao động có thể yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp để yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH cho mình.

BHXH TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an hỗ trợ người dân.

BHXH TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an hỗ trợ người dân.

Bà Lương Thị Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, phân tích: Qua thực tế công tác thanh tra, kiểm tra nhận thấy rằng, có hai nguyên nhân sau đại dịch bệnh COVID-19 thì tình hình kinh tế của doanh nghiệp rất khó khăn. Năm 2022, đã triển khai thanh tra 64 doanh nghiệp và phát hiện 33 doanh nghiệp chậm đóng BHXH và đã đề xuất xử phạt với số tiền gần 5 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra đôn đốc thì có 10 đơn vị họ khắc phục và đóng được 1,5 tỷ đồng. Năm 2023, đã tập trung vào chuyên đề BHXH. Đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đã thanh tra 383 đơn vị, trong đó có 136 đơn vị sai phạt và phải xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành kiểm tra 884 đơn vị, đến thời điểm này đã thực hiện được 199 đơn vị về BHXH. Qua đó, cũng xử phạt 16 đơn vị. Qua thanh tra thực tế nhận thấy rằng, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người lao động chưa cao. Đáng lưu ý, có nhiều doanh nghiệp viện các lý do các mối quan hệ không bền chặt với người lao động như, chỉ là hợp đồng thời vụ với công việc giản đơn dẫn đến không giao kết hợp đồng lao động và không tham gia BHXH bắt buộc.

Hiện nay, tại Khoản 5, Điều 39 Nghị định số 12/2022-NĐ của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng; chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Thời gian vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành đúng quy định.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp không đóng BHXH thì tại Khoản 6, Điều 39 Nghị định số 12/2022-NĐ của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quá trình giải quyết đơn thư, có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nhưng họ bằng mọi cách chi trả các chế độ cơ bản như, thai sản, hoặc giải quyết khám chữa bệnh cho người lao động bằng nguồn tiền mà doanh nghiệp xoay sở. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp nợ thì BKXH sẽ không thể chi trả cho người lao động. Có sự phối hợp doanh nghiệp với cơ quan thanh tra để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay có 428 đơn vị chậm nộp với tổng số tiền là hơn 420 tỷ đồng. Trong đó, có 195 đơn vị khắc phục ngay thời điểm thanh tra, kiểm tra với số tiền 47 tỷ đồng. Điều này giúp cho quyền lợi của người lao động tại các đơn vị này cũng được đảm bảo. Đối với người lao động đã nghỉ việc trước đó nhưng không xác định quá trình đóng thì được xác nhận đầy đủ.

Đức Mừng – Hiếu Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/bhxh-tp-ho-chi-minh-no-luc-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-cong-nhan-i743210/