BHXH Việt Nam: Cơ sở y tế bắt buộc người bệnh xuất trình thẻ BHYT giấy là chưa phù hợp
BHXH Việt Nam khẳng định việc bệnh viện hoặc cơ sở y tế yêu cầu người bệnh xuất trình thẻ BHYT giấy là chưa phù hợp.
Tại cuộc họp thông tin kết quả thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) vào chiều 14-1, một số phóng viên thắc mắc: “Vì sao đến nay vẫn có cơ sở y tế, điển hình là Bệnh viện N (chúng tôi viết tắt - NV) bắt buộc người bệnh xuất trình thẻ BHYT bằng giấy?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết hiện người dân đi khám bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT qua app VssID hoặc Căn cước công dân, không cần xuất trình thẻ BHYT giấy.
“Việc Bệnh viện N hay cơ sở y tế nào yêu cầu người bệnh xuất trình thẻ giấy là chưa đúng. Chúng tôi sẽ có yêu cầu Bệnh viện N làm rõ vì sao lại bắt buộc người bệnh xuất trình thẻ BHYT bằng giấy. Hiện nay chúng tôi cũng không cung cấp thẻ BHYT bằng giấy nữa”- ông Phúc giải thích rõ.
Về việc chi trả tiền cho người bệnh có thẻ BHYT phải mua thuốc bên ngoài, ông Phúc nói đây không phải là quy định mới. Thực tế, trước khi có Thông tư 22/2024 của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh, ngành bảo hiểm đã thực hiện chi trả cho một số người bệnh phải mua thuốc ngoài.
Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định hiện nay các cơ sở đã có đủ thuốc, việc đấu thầu thuốc cũng “thông” từ trung ương đến địa phương, nên không có lý do gì người bệnh phải đi mua thuốc ngoài. Song song đó, Luật BHYT và Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh là đảm bảo đầy đủ các điều kiện về khám chữa bệnh cho người bệnh.
“Như vậy, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ các thuốc và vật tư y tế cho người dân. Theo đó, việc thanh toán ngoài cho người bệnh chỉ nên xem là trường hợp đặc biệt…”- ông Phúc nhấn mạnh.
Trao đổi với PLO, một trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của một bệnh viện cấp chuyên sâu, cho biết hiện nay, bệnh nhân đến khám chữa bệnh có thể không cần mang theo thẻ BHYT bản giấy trong trường hợp đã xuất trình các bằng chứng khác có giá trị như thẻ BHYT, gồm: CCCD gắn chíp, tài khoản VNeID mức 2 hoặc thông tin trên ứng dụng VssID.
Nếu sử dụng CCCD gắn chíp, người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ CCCD tại cơ sở khám chữa bệnh.
Nếu dùng tài khoản VNeID mức 2, người bệnh cần đăng nhập vào ứng dụng VneID, sau đó chọn “Ví giấy tờ” rồi chọn mục “Thẻ BHYT”.
Nếu dùng ứng dụng VssID, người dân đăng nhập ứng dụng rồi chọn mục "Thẻ BHYT".
Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT theo các cách nói trên, thì vẫn phải sử dụng thẻ BHYT bản giấy và các giấy tờ chứng minh nhân thân cùng các giấy tờ khác nếu có (giấy chuyển cơ sở khám chữa bệnh, giấy hẹn khám lại…).
94,2% dân số Việt Nam tham gia BHYT
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, cho biết năm 2024, số người tham gia BHXH đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỉ lệ 42,71% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi.
Số người tham gia BHYT là 95,523 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 16,093 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% LLLĐ trong độ tuổi.
Năm 2024, toàn Ngành quản lý và chi trả ước hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 8,54 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 923 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN)… đảm bảo chi trả chính xác và nhanh chóng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chính đáng của người hưởng.