BHXH Việt Nam mở rộng hợp tác nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân
Quỹ BHYT hiện là nguồn tài chính y tế quan trọng nhất của hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mức đóng BHYT cho người tham gia là mức cố định, và quyền lợi thì luôn được mở rộng. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam rất cần một phương thức thanh toán phù hợp để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời cân đối quỹ BHYT và phòng chống trục lợi trong KCB BHYT'
Theo đó, ngày 3/11, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Aparnaa Somanathan- Giám đốc Chương trình Y tế - Dinh dưỡng và Dân số (Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương) làm Trưởng đoàn, về việc hỗ trợ hệ thống y tế tại Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Ngành, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa gửi lời cảm ơn chân thành tới cá nhân bà Aparnaa Somanathan và WB đã hỗ trợ BHXH Việt Nam suốt thời gian qua; đồng thời đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH Việt nam; tăng cường quản lý đầu tư quỹ và cải cách y tế, BHYT toàn dân. Đán chú ý, WB cũng đang tích cực hỗ trợ BHXH Việt Nam trong công tác sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT.
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, hiện nay, số người tham gia BHYT tại Việt Nam đạt trên 88 triệu người, tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số. Ngoài việc phát triển người tham gia, BHXH Việt Nam cũng đảm bảo chi trả các chế độ đúng, đủ, kịp thời cho hàng triệu người. Đáng chú ý, hằng năm, khoảng 190 triệu lượt người được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT và quỹ BHYT hiện là nguồn tài chính y tế quan trọng nhất của hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Tuy nhiên, có thể thấy mức đóng BHYT cho người tham gia là mức cố định, và quyền lợi thì luôn được mở rộng. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam rất cần một phương thức thanh toán phù hợp để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời cân đối quỹ BHYT và phòng chống trục lợi trong KCB BHYT”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nêu rõ.
Từ thực trạng trên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa mong muốn WB tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các khuyến nghị cho hệ thống y tế tại Việt Nam nói chung và công tác thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam nói riêng. Đồng thời, hỗ trợ BHXH Việt Nam triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác giám định BHYT, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến hỗ trợ người dân, DN khi tương tác với cơ quan BHXH; cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ của BHXH Việt Nam về phương thức thanh toán theo DRG; xây dựng nguyên tắc phân bổ quỹ cho DRG và quỹ dự phòng, xây dựng hợp đồng KCB theo DRG với cơ sở y tế…
Gửi lời chúc mừng đến Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, bà Aparnaa Somanathan bày tỏ mong muốn, trên cương vị mới, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa sẽ luôn đồng hành và phối hợp chặt chẽ với WB trong những lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Theo bà Aparnaa Somanathan, lĩnh vực hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WB rất đang dạng như: Ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, xây dựng và hoàn thiện mô hình tính toán cân đối quỹ, đào tạo và chuyển giao công nghệ về quản lý tài chính, quản trị đầu tư quỹ… Tuy nhiên, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, WB cũng luôn nhận được sự hợp tác tích cực từ phía BHXH Việt Nam.
“Với cá nhân tôi đã từng có cơ hội được tham gia sửa Luật BHYT năm 2014, đồng thời cùng đoàn WB tìm hiểu và viết một báo cáo rà soát về hệ thống BHXH. Từ đó, hiểu rõ về hệ thống BHXH Việt Nam. Và, tôi rất vui mừng khi được tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này”- bà Aparnaa Somanathan chia sẻ. Riêng lĩnh vực hợp tác về y tế, bà Aparnaa Somanathan cho biết, WB đã hỗ trợ BHXH Việt Nam triển khai thực hiện thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRG); nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế; mở rộng, phát triển đối tượng, nhất là ở khu vực phi chính thức...
Hai bên đưa ra nhiều đề xuất hợp tác
Chia sẻ định hướng hợp tác trong thời gian tới, bà Aparnaa Somanathan khẳng định, WB luôn mong muốn và sẵn sàng mở rộng hợp tác với BHXH Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan, để xây dựng một hệ thống y tế bền vững, qua đó người dân Việt Nam có thể sử dụng được các loại thuốc, thiết bị y tế hiện đại nhất.
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT cho biết, những năm gần đây, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng khai phá dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giám định BHYT. Theo đó, qua gần 6 năm thực hiện giám định điện tử, dữ liệu KCB đã tăng trưởng nhanh chóng với trên 15 tỷ bản ghi thu thập từ gần 1 tỷ lượt KCB, chất lượng dữ liệu ngày càng được cải thiện với việc bổ sung các yêu cầu bắt buộc về chuẩn hóa dữ liệu.
Nghiên cứu ứng dụng khai phá dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ kiểm soát yêu cầu thanh toán BHYT dự kiến được triển khai cụ thể như: Về mục tiêu, xây dựng công cụ khai phá dữ liệu hỗ trợ thiết lập các phác đồ điều trị đối với từng nhóm bệnh; xây dựng phác đồ điều trị chuẩn dựa trên thực chứng và kết luận của các nhà chuyên môn; sử dụng AI hỗ trợ xác định các yêu cầu thanh toán và quản lý rủi ro trong thanh toán BHYT.
Theo Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT, việc ứng dụng AI vào công tác giám định chưa được nhiều nước áp dụng, trong đó có Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang áp dụng. Còn tại Việt Nam, hiện nay Bộ Y tế mới ban hành 40% quy trình điều trị chuẩn. "Chính vì vậy, Trung tâm mong muốn WB là cầu nối để BHXH Việt Nam có những tài liệu, kinh nghiệm về quy trình điều trị chuẩn mà hiện nay chúng tôi đang thiếu"- đại diện Trung tâm chia sẻ.
Tong khi đó, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT cũng đề xuất WB chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và điều chỉnh giá dịch vụ KCB; kinh nghiệm quốc tế trong giám sát, đánh giá việc thực hiện phương thức thanh toán theo định suất và DRG; xây dựng, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHYT; ký hợp đồng KCB BHYT; xây dựng cơ chế kiểm soát chi phí KCB BHYT…