Bí ẩn 'cát hát' trong sa mạc
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều nhà thám hiểm sa mạc khi trở về đã mang theo những câu chuyện kỳ lạ liên quan đến các cồn cát.
Họ cho biết, chúng thường phát ra những âm thanh bí ẩn, từ tiếng rít nhẹ, tiếng du dương như sáo diều, đến những tiếng gầm rú, hoặc những tiếng nổ đáng sợ, có thể nghe thấy từ nhiều dặm xa. Thực hư như
thế nào?
Âm thanh lạ từ cồn cát
Những câu chuyện kỳ bí đầu tiên về hiện tượng lạ trong sa mạc được cho là đến từ nhà thám hiểm huyền thoại Marco Polo vào thế kỷ 12. Ông đã mô tả những âm thanh dị thường này như “tiếng phát ra từ các loại nhạc cụ, tiếng trống và tiếng va chạm của những cánh tay”, và cho rằng chúng là “tác phẩm” của những linh hồn xấu xa ẩn náu nơi sa mạc.
Đến thế kỷ 19, những âm thanh quái dị này vẫn đùa cợt những người thích thám hiểm trong vùng hoang dã, thậm chí đã được Charles Darwin đề cập đến trong nhật ký hành trình, nhưng ông không thể giải thích hiện tượng lạ này. Một tài liệu đáng chú ý về âm thanh lạ được đưa ra bởi nhà ngoại giao và thám hiểm người Anh, Bertram Sidney Thomas.
Trong năm 1930 - 1931, ông đã trở thành người phương Tây đầu tiên vượt qua Rub ‘al Khali, hay còn gọi là “Khu phố trống”, một vùng đất hoang vắng rộng mênh mông của sa mạc Ả Rập. Trong chuyến thám hiểm này, ông đã ghi nhận “âm thanh lớn của một nốt nhạc” phát ra từ một dốc cát thoai thoải.
Trong lần khác, ông còn nghe các nốt nhạc phát ra từ bên dưới chân lạc đà của mình. Nhà thám hiểm cũng từng bị những âm điệu trầm bổng đánh thức khi đang ngủ trong lều. Khi hỏi hướng dẫn viên bản xứ về nguồn gốc của những âm thanh này, ông được trả lời rằng chúng đến từ các linh hồn đang trò chuyện với nhau ở thế giới khác.
Một nhà thám hiểm tên là John Philby cũng ở “Khu phố trống” cùng thời điểm với Thomas nói về những gì ông nghe được: “Bỗng nhiên trong khu vực rộng lớn bắt đầu phát ra những âm thanh không khác gì tiếng còi báo động hoặc tiếng động cơ máy bay, nghe khá vui tai, nhịp nhàng và có chiều sâu đáng kinh ngạc. Buổi “hòa nhạc cát” này kéo dài khoảng bốn phút, cũng đủ để tôi sau khi hoàn hồn, ghi lại từng chi tiết”.
Những âm thanh kỳ lạ như vậy, thường được gọi là “cát hát” hoặc “bài hát của những cồn cát”, đã được tường trình trong nhiều thế kỷ, từ những nơi xa xôi như Bắc và Nam Mỹ, châu Phi, châu Á, Quần đảo Anh, Bán đảo Ả Rập, Quần đảo Hawaii.
Các nền văn hóa ở những vùng này đều có truyền thuyết và huyền thoại riêng xung quanh hiện tượng này. Đối với người Ả Rập, chúng được tạo ra bởi những linh hồn sa mạc gọi là Jinn. Nhiều nơi khác cho những âm thanh lạ lùng này đến từ các thành phố bị mất tích dưới lòng đất, hoặc từ ma, thần, quỷ, động vật thần thoại, thậm chí là quỷ.
Chưa xác định được nguyên nhân
Nhà thám hiểm Philby là một trong những người đầu tiên giải thích hiện tượng này về mặt khoa học. Ông nhận ra những âm thanh nghe được dường như trùng hợp với một trận mưa cát rơi xuống từ nơi mà một trong những hướng dẫn viên của ông đang ngồi.
Sau đó, ông nghe cát tạo ra nhiều loại tiếng ồn khác nhau, như tiếng sủa, tiếng rên rỉ, âm nhạc bùng nổ, hoặc âm thanh của kèn trombone, đại phong cầm, khi chúng bị xáo trộn với các vật thể khác nhau. Ông cho rằng, bản thân cát có những đặc tính nào đó giúp chúng tạo ra những âm thanh này khi bị ma sát. Tuy nhiên, ông không biết chắc về cơ chế chính xác của hiện tượng này.
Hiện tượng “cát hát” có nhiều dạng khác nhau. Trong các cồn cát, chúng thường phát ra âm thanh như tiếng ầm ầm, tiếng rên rỉ, vo ve hoặc tiếng nổ, tiếng sấm, tiếng máy bay bay thấp, có thể kéo dài 15 phút và đạt âm lượng tới 105 decibel, thường được nghe thấy ở khoảng cách xa.
Âm thanh bí ẩn hầu như chỉ xảy ra từ các đụn cát hình lưỡi liềm, được gọi là barchan, kèm theo gió thổi qua, hoặc ai đó đi dọc theo đỉnh núi. “Cát hát” cũng có thể được nghe thấy ở một số bãi biển với dạng tiếng rít, tiếng hát, tiếng huýt sáo hoặc tiếng la hét.
Ở cả cồn cát và trên các bãi biển, nhiều loại âm thanh rất khác nhau, phạm vi tần số mà chúng được phát ra cũng khác. Cho đến nay, chưa ai xác định nguyên nhân gây ra những âm thanh kỳ quái này, cũng như vì sao chúng phát ra nhiều dạng với cường độ khác nhau như vậy.
Có ý kiến cho rằng đó là do sự ma sát giữa số lượng lớn các hạt cát. Kích thước, kết cấu và độ đồng đều của các hạt quyết định dạng âm thanh, âm lượng tạo ra. Một giả thuyết thì cho đó là kết quả của sóng âm dội qua lại giữa bề mặt của cồn cát và bề mặt của lớp ẩm.
Còn theo một số nhà khoa học, âm thanh phát ra từ sự nén không khí giữa các hạt cát, hoặc do cát trượt, sự chuyển động của lớp cát này so với lớp cát khác.
Tuy nhiên, chưa có giả thuyết nào mang tính thuyết phục. Điều đáng lưu ý là hiện tượng trên khá hiếm trong tự nhiên, chỉ 35 địa điểm được biết có những bãi cát ca hát trên khắp thế giới.
“Bài hát của những cồn cát” là một phần của thần thoại và truyền thuyết thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau trong hàng nghìn năm, nhưng cho đến nay, dù khoa học đã có những bước tiến lớn lao, nhưng hiện tượng tự nhiên này vẫn là một bí ẩn đang chờ giải đáp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bi-an-cat-hat-trong-sa-mac-XalHOtCMR.html