Bí ẩn che giấu ở 'hành tinh' kỳ quái cách Trái đất 25 năm ánh sáng
Fomalhaut b, hành tinh từng khiến các nhà thiên văn học kinh ngạc vì khả năng thoắt ẩn, thoắt hiện có thể không phải là một hành tinh như khẳng định bấy lâu nay.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tới từ Đại học Arizona, Fomalhaut b cách Trái đất 25 năm ánh sáng có thể chỉ là đám mây bụi không gian.
Tuyên bố đi kèm với nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học này nhấn mạnh Fomalhaut b, được Kính viễn vọng Không gian Hubble phát hiện năm 2004 nhiều khả năng là một đám mây mở rộng của các hạt bụi mịn xuất phát từ vụ va chạm giữa 2 vật thể băng giá.
"Nghiên cứu của chúng tôi phân tích tất cả dữ liệu Hubble lưu trữ có sẵn về Fomalhaut tiết lộ một số đặc điểm cùng tạo nên một bức tranh về vật thể có kích thước của một hành tinh nhưng không hề tồn tại ngay từ ban đầu", Andras Gaspar, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Ông Gaspar nói các va chạm này là cực hiếm, do đó phát hiện này là một sự kiện quan trọng.
Gaspar cho biết khi ông và các nhà nghiên cứu khác quan sát Fomalhaut b vào năm 2014, nó biến mất và các hình ảnh trước đó về nó cũng cho thấy Fomalhaut b đang mờ dần theo thời gian.
"Rõ ràng, Fomalhaut b đang làm những việc mà một hành tinh chân thật không nên làm", Gaspar giải thích.
Gaspar và các cộng sự của mình tin rằng vụ chạm tạo ra Fomalhaut b là sự kiện cực kỳ hiếm gặp, chỉ xảy ra 200.000 năm một lần.