Bí ẩn đằng sau những người song trùng trên thế giới
Bạn hoàn toàn có thể gặp những người giống hệt về ngoại hình dù cả hai không phải anh em sinh đôi. Nhưng điều đặc biệt là khi so sánh bộ gene, họ có rất nhiều điểm chung.
Charlie Chasen và Michael Malone gặp nhau tại Atlanta, bang Georgia, Mỹ, vào năm 1997. Lúc này, ông Malone làm ca sĩ khách mời cho ban nhạc của ông Chasen. Họ nhanh chóng trở thành bạn của nhau nhưng không hề để ý một điều mà ai cũng để ý. Trông họ như thể anh em sinh đôi.
Theo New York Times, ông Malone và Chasen là những người doppelgängers (kẻ song trùng). Họ giống nhau đến mức đáng kinh ngạc nhưng lại không hề liên quan về mặt huyết thống. Tổ tiên trực tiếp của họ thậm chí đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Như trường hợp của cặp Malone - Chasen, tổ tiên ông Chasen đến từ Lithuania và Scotland, trong khi cha mẹ ông Malone đến từ Cộng hòa Dominica và Bahamas.
Hàng trăm cặp có ngoại hình giống nhau dù không cùng huyết thống đã tham gia dự án nhiếp ảnh mang tên "I’m not a look-alike" của nhiếp ảnh gia người Canada François Brunelle. Dự án đã gây được tiếng vang trên mạng xã hội. Và nó cũng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về mối quan hệ di truyền.
Kết quả bất ngờ
Tiến sĩ Manel Esteller, Viện nghiên cứu bệnh bạch cầu Josep Carreras ở Barcelona, Tây Ban Nha, trước đó từng nghiên cứu sự khác biệt về thể chất của những cặp song sinh giống hệt nhau. Và giờ đây ông muốn xem xét điều ngược lại: Lời giải thích cho những cặp giống nhau nhưng không có quan hệ huyết thống là gì?
Trong nghiên cứu được công bố ngày 23/8 trên tạp chí Cell Reports, tiến sĩ Esteller và cộng sự đã tuyển chọn 32 cặp tương đồng về ngoại hình từ bộ ảnh của nhiếp ảnh gia François Brunelle. Sau đó, họ xét nghiệm DNA và khảo sát về lối sống của họ.
Các nhà nghiên cứu sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để định lượng sự tương đồng giữa khuôn mặt của những người tham gia. Kết quả, 16/32 cặp có điểm tổng thể tương tự những cặp sinh đôi giống hệt nhau.
Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh DNA của 16 cặp doppelgängers để xem DNA của họ có cho kết quả như ngoại hình hay không.
Điều bất ngờ nhất chính là bộ gene của 16 cặp trên chia sẻ rất nhiều điểm chung, nhiều hơn đáng kể so với 16 cặp còn lại.
Ông Esteller nói: “Những người này rất giống nhau vì có chung những phần quan trọng của bộ gene hoặc trình tự DNA". Tuy nhiên, chỉ DNA cũng không thể nói lên toàn bộ câu chuyện. Kinh nghiệm sống của chúng ta và tổ tiên, ảnh hưởng đến gene nào còn được gọi là gene biểu sinh. Hệ sinh vật của con người được tạo thành từ vi khuẩn, nấm và virus cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường sống.
Tiến sĩ Esteller phát hiện bộ gene của những "người song trùng" tương tự nhau nhưng các gene biểu thể và vi sinh vật của họ lại khác nhau. Ông nói: “Di truyền học tập đã hợp nhất chúng lại với nhau nhưng biểu sinh và hệ vi sinh vật đã kéo chúng ra xa".
Sự khác biệt này chứng minh các cặp đôi giống nhau như đúc thường do DNA hơn là môi trường sống của họ. Nói cách khác, sự phổ biến của những "người song trùng" nhiều hơn là do chia sẻ các gene chung thay vì kinh nghiệm sống. Ở mức độ nào đó, sự tương đồng của họ chỉ là may rủi, được thúc đẩy bởi quá trình gia tăng dân số.
Hy vọng cho ngành y
Theo tiến sĩ Esteller, rất nhiều người trên thế giới có bộ gene lặp lại của nhau dù không có mối liên hệ huyết thống. Do đó, không có gì vô lý khi bạn có thể có ngoại hình giống hệt ai đó hoàn toàn xa lạ.
Vị chuyên gia hy vọng những phát hiện của mình sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh tật trong tương lai. Nếu mọi người có đủ gene giống nhau, họ cũng có thể chia sẻ những dự đoán về bệnh tật.
Ông Olivier Elemento, Giám đốc Viện Y học Chính xác Anh tại Weill Cornell Medicine, New York, Mỹ, cho biết: “Dường như có điều gì đó khá mạnh mẽ về mặt di truyền đang khiến hai cá thể trông giống nhau cũng có cấu trúc giống nhau trên toàn bộ bộ gene. Sự khác biệt giữa DNA dựa trên dự đoán và thực tế có thể cảnh báo bác sĩ những vấn đề".
Tiến sĩ Esteller cũng cho rằng các đặc điểm trên khuôn mặt và kiểu hành vi có mối liên hệ nào đó với nhau. Kết quả này có thể hỗ trợ khoa học pháp y bằng cách cung cấp cái nhìn thoáng qua về khuôn mặt của các nghi phạm chỉ cần mẫu DNA. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Daphne Martschenko, Trung tâm Đạo đức Y sinh Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu, khuyến cáo chúng ta nên thận trọng khi áp dụng những phát hiện này vào ngành pháp y. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải cân nhắc về mặt đạo đức.
Bất chấp những cạm bẫy tiềm ẩn trong việc liên kết ngoại hình với DNA hoặc hành vi, ông Malone và ông Chasen cho rằng dự án về những cặp song sinh bí mật là phương tiện để họ gắn kết với nhau. Cả hai vẫn làm bạn trong 25 năm.
Cách đây một tuần, ông Chasen kết hôn và Malone là người đầu tiên ông gọi để thông báo.
Không phải mọi cặp đôi có DNA giống nhau đều có mối liên kết như vậy. Nhưng với ông Malone, dự án của nhiếp ảnh gia Brunelle là “cách khác để kết nối mọi cá thể loài người”.