Bí ẩn đằng sau pho tượng biết đổi màu mặt trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng
Những bí ẩn xung quanh lăng mộ của Tần Thủy Hoàng cho đến nay vẫn thu hút sự quan tâm lớn.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN) là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN. Suốt cuộc đời Tần Thủy Hoàng ám ảnh với cái chết, ráo riết đi tìm phương thuốc trường sinh bất tử cho mình nhưng cuối cùng vẫn qua đời ở tuổi 49 vì bệnh nặng.
Lăng mộ của vị hoàng đế vĩ đại bậc nhất Trung Hoa phải đến năm 1974 mới được tìm thấy ởchân núi phía bắc của Ly Sơn, cách Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc 35 km về phía đông bắc. Sử Ký có ghi chép lại rằng, để xây dựng lên lăng mộ này, vua Tần đã huy động lực lượng nhân công lên tới 700.000 người và tốn đến 38 năm mới hoàn thành. Nó có chiều dài 260m từ Đông qua Tây, rộng 160m từ Bắc sang Nam và tổng diện tích là 41.600 m2. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được xác nhận là lăng mộ hoàng gia lớn nhất Trung Quốc.
Trong lăng mộ có hàng ngàn bức tượng binh sĩ đất nung với vóc dáng, kiểu tóc, cử chỉ, biểu cảm gương mặt... độc nhất vô nhị, hệt như được đúc theo nguyên mẫu là người thật. Đáng chú ý trong đó là pho tượng chiến binh có màu xanh độc bản. Tuy nhiên, chỉ sau 5 phút được phát hiện, gương mặt của nó đã đổi sang màu nâu. Sự thay đổi đột ngột này khiến ai nấy có mặt đều kinh ngạc, may mắn là họ đã chụp lại được gương mặt xanh trước đó.
Theo lý giải của chuyên gia thì hiện tượng đổi màu mặt của chiến binh có thể là do sự oxy hóa trong không khí. Màu sơn xanh nguyên bản được cho là xuất phát từ việc binh sĩ thời phong kiến Trung Quốc từng dùng nhiều màu sơn bôi mặt khi ra trận để khiến kẻ thù khiếp sợ. Tuy nhiên, một giả thuyết khác cho rằng trong quá khứ, một số binh sĩ thực sự có màu da xanh nên người đúc tượng đã mô tả chính xác như nguyên mẫu. Tuy nhiên, thực hư ra sao đến nay vẫn chưa thể xác định.