Bí ẩn giếng cổ ở Lý Sơn: Hàng trăm năm không cạn, sát biển nước vẫn ngọt

Nằm cách bờ biển xanh như ngọc của đảo lớn Lý Sơn (Đặc khu Lý Sơn, Quảng Ngãi) chỉ hơn chục mét có một cái giếng cổ nước luôn trong vắt, mát lạnh, ngon ngọt.

Giống như nhiều đảo khác, Lý Sơn không dồi dào nước ngọt. Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng nước mưa và nước giếng để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, trên toàn đảo có hơn 2.000 cái giếng nhưng hơn một nửa trong số đó bị nhiễm mặn, chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp. Số giếng còn lại có nước ngọt nhưng vào mùa khô thì hầu hết bị khô cạn hoặc nhiễm mặn.

Riêng giếng cổ chưa bao giờ bị nhiễm mặn hay khô cạn bất kể hạn hán kéo dài. Có thời điểm, giếng cổ còn là nguồn cấp nước ngọt cho hơn một nửa số dân trên đảo. Giếng có tên là Xó La, còn được gọi là giếng "vua", giếng Gia Long.

Giếng Xó La gắn bó với nhiều thế hệ người dân đảo Lý Sơn

Giếng Xó La gắn bó với nhiều thế hệ người dân đảo Lý Sơn

"Tôi đi lấy nước ở giếng Xó La từ năm lên 10 tuổi, bây giờ đã 63 tuổi rồi. Nước lúc nào cũng trong vắt, mát lạnh như thế này.

Tôi nhớ, có mùa hạn, giếng nào cũng cạn, dân khắp đảo đều ra đây lấy nước, xếp hàng từ đêm, rạng sáng, mức nước chạm đáy luôn. Nhưng kể cả như vậy thì nước giếng vẫn trong", bà Hồng, người thôn Tây An Hải kể.

"Bây giờ, trên đảo có hồ chứa nước Thới Lới, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nhưng nhiều nhà dân gần giếng vẫn hay ra đây lấy nước mang về nấu thạch xu xoa, pha trà, nấu ăn", bà Hồng cho biết thêm.

Bà Hồng vẫn giữ thói quen ra giếng lấy nước về nấu ăn

Bà Hồng vẫn giữ thói quen ra giếng lấy nước về nấu ăn

Giếng Xó La nằm ngay cạnh cảng Bến Đình - nơi đón những chuyến tàu chở khách ra đảo Lý Sơn, với một bên là biển, một bên là chân núi hòn Vung. Gần khu vực này còn có khu tượng đài và nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Do đó, khi du khách đi bộ tham quan các điểm đến trên, thường dễ nhận ra khu giếng cổ, tò mò ghé lại thăm thú, đọc thông tin giới thiệu. Có người dùng gàu múc nước để rửa mặt, rửa tay hay nếm thử nước ngọt trên đảo.

Du khách thích thú tìm hiểu chiếc giếng cổ nằm sát biển

Du khách thích thú tìm hiểu chiếc giếng cổ nằm sát biển

Lòng giếng hình tròn, có đường kính gần 2m. Thành giếng phía trên xây bằng đá ong, từ độ sâu chừng 3,5m trở xuống được xếp bằng đá núi lửa. Những viên đá được xếp đặt công phu, chắc chắn, có khe hở đều nhau để nước chảy ra dễ dàng.

Không ai biết tên gọi Xó La nghĩa là gì, xuất xứ từ đâu và từ bao giờ nhưng với đặc trưng nổi bật về kỹ thuật kè đá, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước thế kỷ XV, người Chăm Pa sinh sống trên đảo đã đào giếng Xó La.

Theo họ, người Chăm Pa sống ở biển đảo, giỏi tìm nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho thương thuyền qua lại. Khi người Việt đến đảo định cư, các giếng này vẫn được sử dụng và duy trì cho đến ngày nay.

Giếng Xó La có nhiều nét tương đồng về kết cấu, vật liệu, hình dáng, vị trí với các giếng Chăm đang còn sử dụng hoặc mới phát hiện ở nhiều tỉnh miền Trung hay ở cù lao Chàm, cù lao Ré.

Thành giếng phía trên xây bằng đá ong, từ độ sâu chừng 3,5m trở xuống được xếp bằng đá núi lửa

Thành giếng phía trên xây bằng đá ong, từ độ sâu chừng 3,5m trở xuống được xếp bằng đá núi lửa

Nếu gặp người dân địa phương, du khách thường được nghe kể về những truyền thuyết kỳ ảo, hư hư thực thực gắn với giếng Xó La từ bao đời nay.

Người dân đảo kể, sau khi lên ngôi, vua Gia Long (nhà Nguyễn) đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Lý Sơn.

Nhà vua đến đảo đúng lúc hạn hán, nên lệnh cho quan lại lập đàn cầu mưa. Nhiều ngày trôi qua, trời vẫn không đổ mưa. Một đêm, vua nằm mơ thấy nơi đào giếng. Hôm sau, vua bèn sai người đào giếng ở vị trí được báo mộng đó.

Khi thợ đào sâu được chừng 5 sải tay thì nước ngầm phun ra, nước ngọt, trong, rất mát. Người dân trên đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là giếng Vua hay giếng Gia Long. Người dân xem đây là "giếng vua ban" hay "giếng trời ban".

Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có tư liệu lịch sử nào viết vua Gia Long từng ra Lý Sơn.

Giếng Xó La được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 29/8/2017

Giếng Xó La được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 29/8/2017

Có ý kiến cho rằng, hầu hết giếng trên đảo đều có nước ngầm thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào, nên đều bị nhiễm mặn. Giếng Xó La chỉ có nước ngầm thấm từ lòng đảo nên có nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn.

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-an-gieng-co-o-ly-son-hang-tram-nam-khong-can-sat-bien-nuoc-van-ngot-2420844.html