Đà Nẵng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng phát triển du lịch và giao thông công cộng đường thủy nội địa

UBND TP. Đà Nẵng vừa chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa quy mô lớn, với tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm phát huy thế mạnh sông nước, thúc đẩy phát triển du lịch xanh và đa dạng hóa hệ thống giao thông công cộng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng.

Dự án hướng đến mục tiêu phát triển giao thông công cộng bằng đường thủy kết hợp với tạo lập một hệ sinh thái du lịch đường sông mới mẻ, thân thiện với môi trường. Trong khuôn khổ dự án, thành phố sẽ xây mới, cải tạo và nâng cấp tổng cộng 20 bến thủy nội địa trên địa bàn, đi kèm với các công trình phụ trợ cần thiết phục vụ hoạt động tại bến. Tổng diện tích quy hoạch cho các hạng mục này lên tới hơn 15 ha.

Trải nghiệm du thuyền trên sông Hàn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, nhất là khi thành phố lên đèn, lung linh giữa những cây cầu biểu tượng

Trải nghiệm du thuyền trên sông Hàn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, nhất là khi thành phố lên đèn, lung linh giữa những cây cầu biểu tượng

Đặc biệt, tại 11 bến thủy trong số đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng thêm các công viên cảnh quan ven sông với tổng diện tích hơn 25 ha. Không chỉ đơn thuần là điểm dừng chân phục vụ giao thông, các bến thủy này còn được kỳ vọng trở thành không gian công cộng xanh, điểm nhấn cảnh quan và các trung tâm dịch vụ giải trí trên sông. Các loại hình dịch vụ sẽ được phát triển đồng bộ bao gồm tour du ngoạn trên sông, ẩm thực địa phương, trình diễn nghệ thuật và các hoạt động giải trí gắn liền với yếu tố bản địa.

Ngoài giá trị phục vụ cho du lịch, hệ thống bến và cảng thủy nội địa còn đóng vai trò quan trọng trong tổ chức giao thông công cộng đường thủy, góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đang quá tải. Các bến thủy sẽ trở thành đầu mối đón trả khách, neo đậu tàu thuyền, đồng thời là trạm trung chuyển kết nối các khu vực ven sông và khu dân cư nội đô.

Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của dự án chính là việc đầu tư các du thuyền hiện đại chạy bằng nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo. Đây là định hướng phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững của thành phố. Theo kế hoạch, các du thuyền này sẽ có sức chứa lên đến 500 hành khách, phục vụ cả nhu cầu di chuyển lẫn tham quan, du lịch, giải trí trên sông. Việc đưa vào khai thác loại hình phương tiện này không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Đà Nẵng theo hướng đẳng cấp và thân thiện môi trường.

Dự án được chia thành hai giai đoạn chính với ba dự án thành phần. Trong đó:

Giai đoạn 1, sẽ tiến hành xây dựng 7 bến thủy nội địa dọc theo sông Hàn, từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn. Đồng thời, giai đoạn này cũng bao gồm việc triển khai xây dựng hệ thống công viên cảnh quan ven sông, mua sắm du thuyền hiện đại và tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường xuyên phục vụ du khách.

Giai đoạn 2, sẽ mở rộng thêm 9 bến thủy trên các tuyến sông Vĩnh Điện và Cổ Cò - hai tuyến sông chiến lược nối liền Đà Nẵng với khu vực Quảng Nam. Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 4 bến còn lại dọc theo sông Cẩm Lệ nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải thủy kết nối liên vùng.

Các tuyến sông được lựa chọn triển khai dự án - gồm sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ đều là những dòng chảy giàu tiềm năng, đóng vai trò vừa là yếu tố tự nhiên cảnh quan vừa là trục phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trên thực tế, TP. Đà Nẵng sở hữu mạng lưới sông ngòi phong phú, trong đó nổi bật là dòng sông Hàn thơ mộng - biểu tượng của thành phố bên bờ biển. Sông Hàn không chỉ là nơi bắt nguồn cảm hứng cho nhiều hoạt động văn hóa, mà còn là không gian lý tưởng để phát triển du lịch đường thủy. Các cây cầu mang tính biểu tượng như cầu Rồng, cầu quay sông Hàn, cầu Tình yêu, cầu Trần Thị Lý… đã góp phần tạo nên một hình ảnh thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ lãng mạn, thân thiện.

Tuy nhiên, du lịch đường thủy tại Đà Nẵng thời gian qua vẫn còn khiêm tốn về quy mô và thiếu tính chuyên nghiệp. Một số đơn vị đã triển khai khai thác du thuyền trên sông Hàn với hành trình ngắn khoảng 30 phút, đưa du khách trải nghiệm dưới ánh đèn lung linh của thành phố. Mặc dù để lại ấn tượng tốt với du khách qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật, phục vụ ẩm thực đặc trưng của địa phương ngay trên khoang tàu, nhưng nhìn chung chưa tạo ra đột phá thực sự để biến Đà Nẵng thành một đô thị sông nước năng động.

Với quy mô đầu tư lớn, định hướng phát triển rõ ràng, dự án đường thủy nội địa lần này được kỳ vọng sẽ "đánh thức" tiềm năng to lớn của các dòng sông Đà Nẵng, đồng thời đưa thành phố vươn lên trở thành điểm đến du lịch đường thủy hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Việc kết hợp hài hòa giữa phát triển giao thông, không gian công cộng và dịch vụ du lịch sẽ tạo nên một mô hình đô thị hiện đại, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.

Về lâu dài, nếu triển khai thành công, dự án không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu du lịch Đà Nẵng theo hướng xanh, bền vững mà còn thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi giá trị dịch vụ - thương mại - văn hóa ven sông, nâng cao đời sống người dân và tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch địa phương.

Q. Thân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/da-nang-dau-tu-gan-10000-ty-dong-phat-trien-du-lich-va-giao-thong-cong-cong-duong-thuy-noi-dia-a29476.html