Bí ẩn hai ngôi chùa hòa giải bên sông Văn Úc
Chẳng hiểu sao cứ hễ đặt chân đến cổng chùa thì y như rằng mọi điều nóng giận, nghi kị của mọi người đều tự nhiên tan biến như chưa hề xảy ra.
Thay vì kiện cáo, đưa nhau ra tòa, nhiều người dân ở Kiến Thụy, Hải Phòng hễ có mâu thuẫn, cãi vã là lại cùng nhau tới hai ngôi chùa xã Đoàn Xá và Đại Hợp.
Kỳ lạ là sau khi tới hai ngôi chùa này, tất cả cùng vui vẻ, hoan hỉ dắt tay nhau ra về.
Hóa giải mâu thuẫn
Dọc TL353 về đến triền đê sông Văn Úc, PV Báo Giao thông rẽ xuống làng Quần Mục, xã Đại Hợp để vào chùa Càn Thiên, hay còn gọi là chùa Cồn.
Ngôi chùa tọa lạc ở trung tâm làng, xung quanh là rất nhiều nhà dân. Chùa hiện đã được tôn tạo và mở rộng rất nhiều, chùa cũ đang được xây dựng lại để làm nhà thờ Mẫu.
Thoáng thấy có người tới cổng chùa, bà Nguyễn Thị Lành, một người dân sống gần đó hay sang chùa giúp việc cho trụ trì liền hỏi: “Các chú trông lạ lắm, người ở xa đến đây phải không, hai chú đến vãn cảnh chùa hay đến để thắp hương hòa giải?”.
Sau một lúc trò chuyện làm quen, bà Lành cho biết, bà sống và lớn lên ở vùng quê này, chứng kiến rất nhiều người dân nơi đây mỗi khi có xích mích, hiểu lầm nhau, rồi những lúc gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”… nếu cảm thấy căng thẳng, mọi người đều khuyên bảo nhau đến chùa.
“Thường những người đang giận dỗi, cãi vã, nghi ngờ nhau một chuyện gì đó sẽ đến chùa để thề. Chùa linh thiêng khiến những người đang giận dỗi thấy lòng dịu lại, bình an, chịu lắng nghe người đang khiến mình giận dỗi. Thế là họ ra về trong tâm trạng vui vẻ, thông cảm cho nhau. Nhiều trường hợp mới đến cổng chùa cũng thôi không thề nữa mà làm hòa rồi rủ nhau đi về”, bà Lành kể.
Theo bà Lành, từ đời ông cha bà, đã thấy những câu chuyện của những người hàng xóm, người trong gia đình, người trong dòng họ… xảy ra những mâu thuẫn lớn nhỏ khác nhau. Người nọ đổ vạ cho người kia nhưng không có bằng chứng, người bị đổ vạ thì khăng khăng là mình không như thế.
Thế là họ mua vàng hương rồi cùng nhau lên chùa dâng hương thề bồi để tỏ rõ sự trong sạch.
Tuy nhiên, chẳng hiểu sao cứ hễ đặt chân đến cổng chùa thì y như rằng mọi điều nóng giận, nghi kị cả hai bên đều tự nhiên tan biến như chưa hề xảy ra. Kết quả là sau khi vào chùa dâng hương, hai phía lại vui vẻ làm hòa.
Cụ Hy, nhà ở gần chùa vẫn nhớ, bà L và cô cháu dâu tên Đ cùng ở làng Quần Mục. Một lần cô Đ sang nhà bà L chơi.
Hôm sau bà L phát hiện mất chỉ vàng. Mọi nghi ngờ bà L đổ hết lên đầu cô Đ khiến hai gia đình lục đục, nghi ngờ nhau đến cả tháng.
Một mất mười ngờ, không có nhân chứng vật chứng, mối nghi ngờ ngày càng lớn nên hai bên gia đình bất hòa nghiêm trọng.
Cụ Hy nghe thấy chuyện bèn khuyên cả hai lên chùa để thề chứng minh mình hoàn toàn trong sáng. Cả hai bên dắt nhau vào chùa, nhưng rồi chỉ đến cửa chùa, bà L đã tin cô Đ dám đến ngôi chùa linh thiêng này để thề bồi thì không phải là kẻ trộm. Cả hai dắt tay nhau ra về, lại hòa thuận như xưa.
Từ thị trấn Núi Đối cùng bạn trai đến chùa Càn Thiên, chị V.A ngại ngần cho hay, thời gian gần đây, bạn trai chị hay ghen tuông vô cớ với một đồng nghiệp của chị.
Nghe tin ngôi chùa linh thiêng, chị rủ bạn trai về đây để muốn cùng nhau thề bồi, xóa bỏ nghi ngờ trong nhau.
Bài học răn đe
Ở chùa Càn Thiên lại có một câu chuyện khác liên quan đến tấm bia của bà chúa được dựng trong chùa.
Thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, tấm bia ghi lịch sử hình thành và công đức của những người mở đất bị người dân mang ra bắc làm cầu ao. Lâu dần tấm bia bị lấp đi, đất phủ kín toàn bộ.
Đến khi người dân ý thức được giá trị lịch sử, văn hóa của tấm bia thì mới nháo nhác đổ xô đi tìm nhưng chẳng ai tìm thấy.
Bỗng một hôm có một người phụ nữ lạ mặt đi qua. Trước đây, người này chẳng biết gì về chuyện tấm bia đá bị lấp cả, thế nhưng hôm đó như có ai xui khiến, bà chỉ cho dân làng đào đúng chỗ có tấm bia.
Trước đó, có 4 người dân từng vào chùa ăn trộm bát hương cổ để đem đi bán, khi bị dân làng phát hiện và tri hô, họ đã ném bát hương đó xuống ao cạnh chùa.
Trong 4 người đó, 3 người đã chết bất đắc kỳ tử, một người còn lại đến bây giờ vẫn sống nhưng tâm thần không còn được như bình thường.
Cùng có tiếng về sự linh thiêng, hóa giải mâu thuẫn, ngoài chùa Càn Thiên còn có ngôi chùa Đại Minh, mang nhiều giai thoại về sự công minh.
Tại chùa Đại Minh, có một bức tượng Phật Thích Ca được thờ trong điện chính của chùa. Pho tượng được đúc bằng đồng, khi đúc xong người ta đem hun khói cho đen lại.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, một người dân sống bên cạnh chùa cho rằng đây là pho tượng quý làm bằng đồng đen quý giá nên nhòm ngó rình rập tìm cách ăn trộm.
Lợi dụng đêm tối, ông ta lẻn vào trong điện chính của chùa trộm được một pho tượng. Để kiểm tra cho chắc, người đàn ông này đã lén cắt một bàn tay của pho tượng rồi mang đi thử.
Khi phát hiện ra pho tượng trên chỉ là đồng vàng bình thường nên đã giấu lên mái chuồng lợn để tránh bị phát hiện.
Một thời gian sau, pho tượng kia đã rơi xuống chuồng lợn và bị mọi người phát hiện rồi đem trả lại nhà chùa. Người dân trong làng ai cũng biết đối tượng trộm pho tượng trên nhưng để giữ tình làng nghĩa xóm và đã tìm thấy pho tượng nên không truy cứu thêm. Hiện nay, pho tượng trên vẫn đang được thờ tại chùa Đại Minh.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, trong một lần đi cày ngoài đồng, kẻ trộm tượng đã bị sét đánh chết trong khi con trâu đang cày ruộng cùng không bị làm sao.
Thấy vậy, người dân rất tin vào sự linh thiêng của ngôi chùa. Câu chuyện như một bài học về lòng trung thực mà đến tận bây giờ dân làng nơi đây vẫn mang ra để răn dạy con cháu đời sau.
Ngày nay chùa Đại Minh được trùng tu, tôn tạo và mở rộng trên nền cũ của đình làng với cảnh quan rất đẹp.
Nhiều người dân thập phương thường đến đây vào tháng 3 để vãn cảnh và chụp ảnh bởi trong khuôn viên ngôi chùa có hai cây gạo đỏ hàng trăm năm tuổi nở hoa rất đẹp.
“Chùa xây trên cánh đồng tên là Bình nên gọi là chùa Đồng Bình. Chùa Đồng Bình còn có tên là Kiến Phúc Tự. Những câu chuyện người làng có xích mích rồi đến chùa để thề bồi ở nơi đây cũng không phải hiếm. Chùa như là báu vật của người dân nơi đây”, bà Dùng, người thường xuyên sang giúp việc cho nhà sư trụ trì chùa Đồng Bình cho hay.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, gốc tích câu ca “Đức ông chùa Ta, đức Bà chùa Cồn” xuất phát là của người dân xã Đoàn Xá.
“Đức Ông chùa Ta” ý nói là chùa Đại Minh trước đây thờ Đông Hải Đại Vương (Đoàn Thượng) có công dẹp giặc biển và mở mang đất này.
Còn “Đức Bà chùa Cồn” là chỉ ngôi chùa Càn Thiên bên xã Đại Hợp ngay cạnh, ngoài thờ Phật, chùa Cồn còn thờ Mẫu.
“Cả hai ngôi chùa đều rất thiêng và là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân nên họ mới lưu truyền câu ca như vậy. Mỗi ngôi chùa có một sự phát triển lịch sử khác nhau và những giá trị văn hóa lịch sử của nó rất rộng lớn”, ông Lợi nói.