Trong cuộc khai quật tại nghĩa trang gần tu viện thời Trung cổ ở Sudan, các chuyên gia khai quật được một thi hài 1.300 tuổi. Trên thi hài có một hình xăm liên quan tới Chúa Jesus.
Trung tâm khảo cổ học Địa Trung Hải Ba Lan (PCMA) ở Đại học Warsaw, đơn vị tiến hành khai quật và nghiên cứu tại di chỉ Ghazali cho hay, đây là lần thứ hai hình xăm như trên được phát hiện ở vùng Nubia - khu vực ngày nay bao gồm lãnh thổ Ai Cập và Sudan.
Theo các chuyên gia, bộ hài cốt 1.300 tuổi được xác định là một người đàn ông. Trên bàn chân phải của người này có hình xăm chứa biểu tượng Chi-Rho và chữ alpha, omega trong tiếng Hy Lạp. Biểu tượng Chi-Rho bao gồm chữ "chi" và "rho" trong tiếng Hy Lạp, tạo thành chữ viết tắt của Chúa Jesus.
Cách viết tắt trên xuất hiện vào khoảng năm 324 khi Constantine trở thành hoàng đế của đế quốc La Mã. Alpha và omega là chữ đầu tiên và cuối cùng của bảng chữ cái Hy Lạp, đại diện cho niềm tin Chúa Jesus là khởi đầu và kết thúc của mọi thứ.
Vị trí của hình xăm trên bàn chân phải của người đàn ông được các chuyên gia đánh giá là thú vị bởi Chúa Jesus có thể bị đóng đinh ở vị trí này trong lúc hành quyết.
Robert Stark - nhà khảo cổ sinh học ở PCMA và chuyên gia nghiên cứu hình xăm Kari Guilbault ở Đại học Purdue, Indiana là thành viên nhóm nghiên cứu đã phát hiện và phân tích hình xăm trên thi hài 1.300 tuổi.
Nhóm nghiên cứu cho hay, hình xăm hé lộ người đàn ông sống cách đây 1.300 năm đã theo đạo Cơ Đốc giáo nhưng chưa thể xác định đó có phải linh mục hay không.
Nguyên nhân là bởi người đàn ông này không được chôn trong cùng nghĩa trang như các linh mục ở tu viện mà được mai táng trong nghĩa trang mà người dân ở cộng đồng gần đó sử dụng. Người này nhiều khả năng qua đời khi khoảng 35 - 50 tuổi.
Kết quả kiểm tra niên đại bằng đồng vị carbon cho thấy người đàn ông trên sống vào khoảng năm 667 - 774. Vào thời điểm đó, Cơ Đốc giáo là tôn giáo chính trong vùng và rất phổ biến.
Mời độc giả xem video: Bí mật hài cốt nam giới bên trong lăng mộ công chúa nhà Đường.
Tâm Anh (theo LS)