Bí ẩn hội chứng 'ái phạm nhân' khiến nhiều phụ nữ yêu mê mệt và cưới tử tù
Hội chứng 'ái phạm nhân' khiến nhiều phụ nữ chìm đắm trong ái dục với kẻ phạm tội dù chúng có hành động man rợ và vô nhân tính đến mức nào.
Scott Peterson, kẻ sát nhân mang án tử hình ở Mỹ vì tội giết vợ và con trai nhận được 30 cuộc gọi từ những người phụ nữ và lời cầu hôn của một thiếu nữ 18 tuổi sau khi hắn rơi vào vòng lao lý. Từ một kẻ phạm tội ác tày trời, Scott Peterson bỗng dưng nổi tiếng, có nhiều người hâm mộ theo đuổi.
Vậy đâu là lý do cho hiện tượng khác thường này? Theo các chuyên gia, đó là hội chứng Hybristophilia (hay còn gọi là hiện tượng "Ái phạm nhân"), một sự rối loạn tình dục chủ yếu xảy ra ở phụ nữ, khi họ dễ dàng bị kích thích, nảy sinh cảm xúc với những người đã phạm tội.
Hybristophilia là gì?
Hầu hết phụ nữ thời nay sẽ đồng ý rằng họ luôn bị hấp dẫn bởi một người đàn ông hào phóng, dịu dàng, vị tha và đầy nhạy cảm, tinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận phái đẹp lại hoàn toàn bị "đổ gục" trước một người đàn ông giết người không gớm tay hay sở hữu thú tính bệnh hoạn hoặc có xu hướng bạo lực, dùng nắm đấm để chỉ huy người khác.
Những kẻ phạm tội càng man rợ thì họ lại càng nhận được nhiều sự ái mộ của một bộ phận nữ giới. Vậy "Ái phạm nhân", tên khoa học là Hybristophilia, thực chất là gì?
Đây là căn bệnh tâm thần được xác nhận, trong đó, một người, thường là phụ nữ, nảy sinh ham muốn tình dục mạnh mẽ đối với người đàn ông có hành vi tàn ác. Theo tiếng Hy Lạp, philia có nghĩa là tình yêu, còn Hybristo có nghĩa là phạm tội để chống lại ai đó.
"Ái phạm nhân" còn được gọi là Hội chứng Bon Bonnie và Clyde (cặp đôi tội phạm si tình nhất nước Mỹ). Clyde Barrow là tên sát nhân khét tiếng máu lạnh với biệt danh "người dơi", trong khi Bonnie Parker trở thành tình nhân cùng sát cánh kề vai với tên tội phạm này với tình yêu bất chấp sai trái.
Bà Katherine Ramsland, giáo sư tâm lý học pháp lý thuộc Đại học DeSales và tác giả cuốn "Tâm lý pháp lý của tội phạm", giải thích: "Hybristophilia là rối loạn tình dục mà trong đó cảm xúc nảy sinh khi ở cùng đối tác là phạm nhân giết người, tra tấn hay cưỡng hiếp".
Hội chứng này thường biểu hiện ở hai dạng là thụ động hoặc chủ động. Hybristophiliac thụ động khi người phụ nữ tin rằng người mình yêu hoàn toàn vô tội dù người này đang phải ngồi sau song sắt. Họ tin rằng người yêu phạm tội của mình sẽ không bao giờ làm hại họ. Những người phụ nữ này nghĩ rằng người mình yêu đã bị giam giữ một cách sai trái, họ hoàn toàn tin tưởng vào đối phương.
Hybristophiliac chủ động là khi người phụ nữ nhận thức được rằng người mình yêu là một kẻ hung bạo, giết người man rợ hay có thú tính bệnh hoạn. Họ thường có hành động đồng lõa trong tội ác của người yêu và thậm chí họ sẽ giúp kẻ phạm tội che giấu tung tích hoặc tiêu hủy bằng chứng.
Hybristophilia được công nhận là một rối loạn có khả năng gây tử vong. Trong một cuốn sách nói về những người phụ nữ kết hôn với người từng vào tù ra tội đã đưa ra minh chứng về hai người phụ nữ Úc là Avril và Rose. Họ đã từ bỏ cuộc hôn nhân lâu dài của mình vì quá chán nản để rồi họ yêu hai kẻ phạm tội. Một người là kẻ trộm còn người kia là một gã đàn ông đã ra tay sát hại vợ mình.
Một tuần sau khi được thả ra, người yêu của Avril (tên trộm) đã đánh chết cô bằng một chiếc búa. Còn về Rose, cô đã bị chính gã người tình, người mà cô mạnh dạn tuyên bố sẽ không hề e sợ quá khứ của hắn, tấn công, cố gắng cắt tai và dùng kìm để nhổ răng cô.
Đi tìm nguyên nhân
Các nhà tâm lý học đã đưa ra một loạt các giải thích về hội chứng kỳ lạ này. Mặc dù không có một khuôn mẫu chung cho loại phụ nữ yêu một kẻ sát nhân hàng loạt nhưng họ có điểm chung là đều có một tuổi thơ rắc rối. Đó là nhận định của bà Sheila Isenberg, một giáo sư người Anh và là tác giả cuốn "Phụ nữ yêu đàn ông giết người".
"Không có ngoại lệ nào cả, những phụ nữ tôi đã phỏng vấn để viết sách đều bị lạm dụng thời nhỏ. Gia đình họ, bạn trai đầu tiên, chồng hoặc một ai đó đã lạm dụng họ về tình cảm, thể xác, tình dục", bà Isenberg giải thích.
Khi có quan hệ với một tội phạm đang ngồi tù, những người phụ nữ này cảm thấy một điều gì đó giống như quyền lực. Họ có cơ hội được tự kiểm soát, thường là lần đầu tiên trong đời họ. Họ tự ra quyết định, họ là người tự do được đến và được đi theo ý muốn. Nghe có vẻ khác thường nhưng khi có quan hệ với một kẻ giết người bị kết án, phụ nữ có quá khứ bị lạm dụng cảm thấy an toàn hơn vì anh ta ở sau song sắt còn mình thì không. Do đó, một tên tội phạm bị kết án sẽ là "bạn trai hoàn hảo" với những phụ nữ này.
Nhà tâm lý học Oren Amitay ở Toronto, Canada phân tích: "Nhiều người trong số những phụ nữ này tin rằng họ là người duy nhất có thể chạm vào con người thực ẩn sau con quái vật phạm tội mà dư luận đang khắc họa một cách sai lầm. Chỉ có họ mới có thể trao cho bạn trai tình yêu và sự ủng hộ mà anh ta xứng đáng, chỉ có họ mới có thể biết 'cái tôi thực sự' và chứng minh rằng anh ta vô tội, hay ít nhất là hóa giải hiểu lầm ở công chúng".
Theo Tiến sĩ Joan Harvey, nhà tâm lý học tại Đại học Newcastle, cho rằng hội chứng "Ái phạm nhân" xuất phát từ ý định tốt nhưng đa phần đều dẫn tới sai lầm.
"Nhiều người đến thăm các tù nhân và nảy sinh lòng thương cảm với kẻ phạm tội. Họ cho rằng người đàn ông ấy không hoàn toàn là kẻ xấu. Họ tin rằng nếu mình ra tay giúp đỡ và hỗ trợ thì kẻ phạm tội sẽ có ngày hoàn lương. Tuy nhiên, với một kẻ giết người hàng loạt thì điều đó là không thể", Tiến sĩ Joan Harvey cho hay.
Có nhiều lý do khiến phụ nữ sẵn sàng rơi vào lưới tình của những kẻ sát nhân. Trong khi đó, giáo sư Katherine Ramsland, cho rằng, tham vọng về sự nổi tiếng thôi thúc người phụ nữ tìm cách hẹn hò với một kẻ sát nhân bị kết án.
Bà Ramsland nói: "Những người này xuất hiện trên chương trình trò chuyện để tuyên bố tình yêu của mình và khăng khăng rằng kẻ sát nhân bị đối xử bất công hoặc hiện giờ anh ta đã khác. Họ thậm chí có thể nhận rằng mình có công 'cải tạo' anh ta, như thể là tình yêu của họ là tất cả những gì anh ta cần để thay đổi, một liều thuốc thần".
Trong trường hợp yêu người bị kết án tử hình, câu chuyện của người phụ nữ vẫn tiếp tục sau khi kẻ sát nhân bị tử hình. Những phụ nữ này tham gia vào quá trình xét xử và kháng cáo, thậm chí là lúc hành hình.
Còn theo nhà tội phạm học Melissa Hamilton, đến từ Đại học Luật Surrey, những kẻ giết người hàng loạt thường là những kẻ có khả năng quyến rũ và thu hút những người khác phái. Nhiều kẻ sát nhân sở hữu vẻ ngoại hình điển trai đã tìm cách lợi dụng "vốn tự có" của mình để làm vũ khí sắc bén tấn công và kiểm soát phái đẹp. Khiến những người phụ nữ này không chỉ nảy sinh tình cảm mà còn có ham muốn về thể xác với những kẻ phạm tội đó.
Những trường hợp nổi tiếng
Ted Bundy là minh chứng điển hình cho hội chứng này. Hắn là tên sát nhân hàng loạt đã cưỡng hiếp và giết chết hơn 30 phụ nữ. Sau khi vào tù, Ted Bundy vẫn nhận được hàng trăm lá thư từ người hâm mộ nữ. Trong thư có cả ảnh khỏa thân, thậm chí lời cầu hôn dành cho hắn. Trong quá trình xét xử Ted Bundy, phụ nữ hâm mộ hắn thường xuất hiện trong phòng xử án, ăn mặc, để tóc như những phụ nữ mà hắn đã giết hại.
Thậm chí, trong khi đối mặt với cáo buộc giết người, Ted Bundy còn kết hôn với Carole Ann Boone, một bà mẹ hai con đã ly dị và cũng là một người hâm mộ kẻ sát nhân này. Carole Ann Boone tin rằng người cô yêu hoàn toàn vô tội và còn sinh con cho Ted Bundy. Cuối cùng, Carole Ann Boone đã nhận ra bản chất thực sự của Ted Bundy nên đem đứa con chung của họ bỏ trốn, kết thúc mối tình đầy sai trái.
Richard Ramirez, được biết đến với biệt danh là "sát thủ bóng đêm" bị kết án tử hình vì gây ra 13 vụ giết người. Tuy nhiên, trong thời gian chờ hành hình ở California, hắn đã kết hôn với biên tập viên tạp chí tự do Doreen Lioy, một "người hâm mộ" của mình. Hôn lễ của họ diễn ra trong phòng khách chính của nhà tù San Quentin ở California.
Doreen Lioy, người có bằng cử nhân tiếng Anh và chỉ số IQ là 152, khăng khăng rằng chồng cô không thể là kẻ giết người vì cô tin Richard Ramirez thậm chí không làm tổn thương một con ruồi. Doreen Lioy còn lên kế hoạch tự tử vào ngày Richard bị hành hình để được ra đi cùng chồng. Tuy nhiên, Richard đã chết vì suy gan khi chưa đến ngày hành quyết vào năm 2013.
Nhà sản xuất âm nhạc thiên tài Phillip Spector được nhiều người ngưỡng mộ khi hợp tác với các tên tuổi lớn trong làng giải trí như The Beatles, Tina Turner... nhưng đã dần trở thành kẻ biến thái nguy hiểm. Vào ngày 2/1/2003, Phillip đã giết chết nữ diễn viên hạng hai Lana Clarkson tại nhà mình. Sau khi gây ra tội ác, Phillip biện minh rằng nữ diễn viên trên tự sát.
Tuy nhiên, với bằng chứng không thể chối cãi, Phillip đã bị kết án 19 năm tù giam. Trước khi ngồi bóc lịch, Phillip đã gặp và yêu Rachelle Short. Năm 2006, Phillip Spector và Rachelle kết hôn trong tù. Người phụ nữ này tin rằng, Phillip vô tội và hy vọng có ngày họ sẽ được chung sống với nhau hạnh phúc.
Oscar Ray Bolin bị buộc tội giết người hàng loạt vì sát hại ba phụ nữ vào năm 1986. Oscar sau đó bị kết án tử hình nhưng vẫn chưa thi hành án. Nữ thám tử Rosalie Martinez gặp Oscar tại nhà tù bang Florida năm 1995 khi đang làm việc cho văn phòng luật sư nhà nước, nơi bào chữa miễn phí cho các bị cáo không đủ tiền thuê luật sư.
Ngay từ lần đầu gặp gỡ, nữ thám tử đã rơi vào lưới tình dù đã kết hôn và có 4 đứa con. "Tôi cảm nhận được cảm giác cô đơn, bị cô lập và bị giam hãm của anh ấy. Điều đó khiến tôi như bị nghẹt thở", người phụ nữ cho hay.
Sau đó, Rosalie quyết định ly thân chồng và nghỉ làm việc ở văn phòng luật sư nhà nước. Năm 1996, chồng bà đâm đơn ly dị và được quyền chăm sóc 4 đứa con. Tháng 10 năm đó, Rosalie và Oscar quyết định tiến hành hôn lễ qua điện thoại. Rosalie mặc váy cưới, đứng bên bức hình của Oscar tại căn hộ của bà ở thành phố Gainesville, Florida, còn Oscar vẫn ở trong nhà tù. Và nữ thám tử này luôn tin người mình yêu là vô tội.