Bí ẩn kho nhôm 5 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu khiến thế giới đỏ mắt tìm về

Trong xu thế chuyển dịch năng lượng sạch, kim loại như nhôm, nickel, cobalt và platinum được khai thác và ngày càng khan hiếm. Trong đó, Việt Nam lại có một kho dự trữ nhôm trị giá đến 5 tỷ USD nằm im lìm tại Bà Rịa - Vũng Tàu với trữ lượng đủ lớn để giết chết ngành nhôm Việt Nam.

Năm 2016, Việt Nam là điểm đến của 91% lượng nhôm đùn (aluminium extrusion) xuất khẩu từ Mexico, theo Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS). Khối lượng nhập khẩu đột biến này đã gây sự chú ý trong giới buôn bán và chuyên gia ngành nhôm. Tờ Wall Street Journal bắt đầu theo dõi đường đi của nửa tấn nhôm được chuyển từ một khu công xưởng hoang vắng dưới chân núi Sierra Gorda ở Mexico về khu phức hợp ở cách TP. HCM hai giờ đồng hồ.

Kho nhôm phủ bạt ở Mexico tháng Sáu 2016 trước khi về Việt Nam. Nguồn: WSJ

Kho nhôm khổng lồ thuộc về ai?

Lượng nhôm khổng lồ từ Mexico được tập kết tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và thuộc sở hữu của công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam (viết tắt GVA). Đây cũng là công ty lưu dự một số lượng nhôm khác, nhập từ Trung Quốc và Mỹ, tổng dự trữ ước tính lên đến 1,8 triệu tấn (hay mét tấn), tức gần 11% trữ lượng nhôm thế giới và có giá trị lên đến 5 tỷ USD.

Việt Nam đột ngột nhận lượng lớn nhôm nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc và Mexico trong năm 2016. Nguồn: GTIS

Mỗi tấn nhôm có thể cho ra đời 2,2 triệu chiếc xe Ford F-150s hoặc 77 tỷ lon bia. Trong bối cảnh khan hiếm nhôm hiện tại do xu thế chuyển dịch sang năng lượng sạch, chỉ riêng kho nhôm này có thể giải quyết được nguồn cung thiếu hụt trên toàn cầu, theo ông Duncan Hobbs, nhà phân tích của Concord Resources.

Tuy nhiên, bất chấp sự thèm muốn của các ngành công nghiệp cần đến nhôm, kho nhôm 5 tỷ USD hiện vẫn nằm dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Việt Nam khi công ty GVA rơi vào vòng xoáy điều tra liên quan đến gian lận xuất xứ, tránh mức thuế suất cao khi xuất khẩu sang Mỹ. Nhiều chứng cứ cho thấy GVA có liên quan mật thiết đến “vua nhôm” Trung Quốc Lưu Điền Trung, người bị Mỹ khởi tố năm 2019 vì tội trốn thuế và phải đối mặt với 465 năm tù.

Vụ điều tra vẫn chưa kết thúc vì thiếu bằng chứng buộc tội, GVA vẫn còn đang hoạt động cầm chừng, chỉ một khối lượng nhỏ trong số 1,8 triệu tấn nhôm được đưa vào dây chuyền sản xuất.

Kho nhôm hiện thời tại Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Google Maps Tháng 11/2021

Thị trường nhôm hỗn loạn hơn một thập kỷ

Trong suốt hơn mười năm qua, ngành công nghiệp nhôm phải đối mặt với tình trạng dư thừa. Hơn một nửa nhà sản xuất trên thế giới thua lỗ nhưng không thể tắt lò luyện, vì làm thế thua lỗ còn lớn hơn, theo tờ Bloomberg. Do đó, lượng nhôm tích trữ ngày càng tăng và giá giảm dần.

Khi đó, ngân hàng và giới kinh doanh bắt đầu mua vào để tích trữ nhằm lợi dụng giá thấp và cất đi dành cho những năm khan hiếm hơn. Khi nhu cầu nhôm tăng trở lại, nhôm vẫn chỉ được cung cấp nhỏ giọt ra thị trường trong khi hàng núi kim loại này vẫn nằm im tại các cảng lớn trên thế giới, gây ra lo ngại về biến động giá cả.

Tuy nhiên, tình trạng dư thừa đã chấm dứt. Nhiều khu công nghiệp lớn chứng kiến sự thiếu hụt chưa từng thấy. Ảnh vệ tinh cho thấy một kho nhôm lớn ở New Orleans thuộc sở hữu của Casleton Commodities đã vơi hàng. Một kho dự trữ lớn ở cảng Klang của Malaysia cũng biến mất vào năm 2019. Các kho hàng của London Metal Exchanges ở Detroit và cảng Vlissingen của Hà Lan hiện hầu như không còn hàng trong khi vào giai đoạn cao điểm, các ngân hàng và thương nhân giữ hơn 3,5 triệu tấn. Câu chuyện tương tự diễn ra ở cảng Rotterdam.

Kho nhôm không thể sử dụng

Sau khi xả nhôm ra thị trường toàn cầu trong nhiều năm, Trung Quốc hiện đang chứng kiến dự trữ nhôm sụt giảm nghiêm trọng. Tổng tồn kho nhôm tại Trung Quốc hiện chỉ ở mức khoảng 1,2 triệu tấn – tương đương với nhu cầu sử dụng trong 2 tuần, theo nhóm nghiên cứu AZ. Nước này cũng đang điên cuồng nhập khẩu nhôm từ nước ngoài.

Sự thay đổi chóng mặt của cán cân cung ứng nhôm khiến mỏ nhôm 1,8 triệu tấn của GVA tăng giá 50% kể từ khi bị lưu giữ. Nếu giải phóng được lượng nhôm này, có thể xóa bỏ thâm hụt nhôm toàn cầu trong năm nay, và thậm chí gây ra một đợt bán tháo có thể khiến giá nhôm lao dốc.

Tuy nhiên, CRU – một trong những công ty tư vấn quan trọng nhất của ngành nhôm, đã loại bỏ kho dự trữ nhôm tại Việt Nam ra khỏi ước tính hàng tồn kho của mình, theo Bloomberg. Công ty này cho biết một phần trong núi nhôm này đã hơn 10 năm tuổi và có thể phải bán dưới dạng phế liệu.

Bê bối mỏ nhôm đủ để giết chết ngành nhôm Việt Nam

Năm 2019, khi Mỹ bắt đầu khởi xướng cuộc điều tra chống bán giá liên quan đến GVA, hôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, còn nhôm của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên đến 374% - cao gấp 25 lần so với mức thuế đối với Việt Nam.

Mỏ nhôm để không tại Bà Rịa Vũng Tàu, không chỉ lãng phí, mà còn gây nguy hiểm đến tương lai ngành nhôm trong nước. Sản phẩm nhôm Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao như Mỹ áp dụng với Trung Quốc.

Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, vụ bê bối GVA “sẽ khiến cho cả ngành nhôm bị liên lụy. Chỉ một công ty gian lận thì cả các công ty khác xuất mặt hàng đó cũng chịu ảnh hưởng theo. Thứ hai, nếu không xuất được mà để trong nước tiêu thụ sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp trong nước”, báo Thanh niên năm 2019 trích lời ông Nguyên.

Khánh Ly

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-an-kho-nhom-5-ty-usd-tai-ba-ria--vung-tau-khien-the-gioi-do-mat-tim-ve-post169501.html