Bí ẩn Linga vàng của Hoàng tộc Chăm pa

Lễ hội Katê đã khép lại trong ánh nắng đổ dài xuống bóng Pô sha Inư sau những điệu múa quạt, tiếng kèn Saranai réo rắt. Mùa Katê năm nay cộng đồng người Chăm rất phấn khởi, tràn ngập niềm vui khi mùa màng bội thu và có thêm một niềm tự hào khi cổ vật Linga vàng trở thành bảo vật quốc gia.

Nét độc đáo của Linga vàng

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được tổ chức bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 Chăm lịch (nhằm cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 dương lịch) và diễn ra tương ứng trên một không gian rộng lớn từ đền tháp cho đến các xóm làng, các dòng tộc, gia đình, tạo thành một dòng chảy lễ hội xuyên suốt, liên tục, đặc sắc và riêng biệt.

Bảo vật quốc gia Linga vàng.

Bảo vật quốc gia Linga vàng.

Sư cả Thường Xuân Hữu - Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Việc Linga vàng được công nhận là bảo vật quốc gia, đối với cộng đồng người Chăm có ý nghĩa rất lớn, không chỉ mang tinh thần khích lệ mà còn có ý nghĩa giáo dục các thế hệ người Chăm phải biết trân trọng những giá trị truyền thống”.

Ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cho biết: Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Chăm Pô Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong), khu di tích Pô Dam được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996. Có thể nói, Linga vàng là cổ vật quý giá, vô cùng đặc biệt.

Bảo vật quốc gia Linga vàng có niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX, là hiện vật gốc có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ; là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài. Linga vàng được chế tác rất đặc biệt, có trọng lượng 78,36 gram với tỷ lệ vàng ròng chiếm 90,4%, còn lại 9,6% là bạc và đồng.

“Đối với tôi, khi được tham gia và được chứng kiến tường tận bảo vật Linga vàng đó là vinh dự. Nhưng, tôi muốn nói ở đây không chỉ là bảo vật Linga vàng, mà ngay nơi phát hiện ra cũng rất đặc biệt, thông thường tháp Chăm sẽ nằm ở hướng Đông nhưng riêng Pô Dam nằm ở hướng Nam, điều nữa là khi các di tích tháp Chăm thường ở trên núi, thì Pô Dam lại nằm dưới chân núi. Đặc biệt nhất, Linga vàng được phát hiện có từ thế kỷ thứ VIII, là thời kỳ rực rỡ của văn hóa Chăm với chất liệu vàng chiếm hơn 90% vàng ròng. Đây là Linga vàng đầu tiên trên thế giới cách đây 1.200 năm mà các nghệ nhân đã làm được, cũng là sự thán phục” – ông Nguyễn Ngọc Ẩn, nhà sưu tầm cổ vật chia sẻ.

Niềm vui thế hệ

Niềm vui thế hệ

Giá trị lịch sử luôn còn mãi

Linga vàng được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 - năm 2023. Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh việc công nhận bảo vật quốc gia, Linga vàng lần này sẽ phát huy được giá trị di sản văn hóa Chăm ở Bình Thuận, đồng thời có thể giới thiệu cho du khách đến tham quan. Trong đó, các nhà nghiên cứu yêu văn hóa Chăm có thể đến tìm hiểu, nghiên cứu sâu. Đây cũng là điều may mắn và là bước đệm cho sự phát triển du lịch của địa phương - ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết thêm.

Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khẳng định: Bảo vật quốc gia Linga vàng có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa- lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Đây là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây. Việc đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đã góp phần làm cho Lễ hội Katê năm nay thêm phần trang trọng, sôi nổi.

Việc một bảo vật được phát hiện mang theo câu chuyện dài của lịch sử, văn hóa và đời sống của tất cả người Chăm đang sinh sống tại các vùng đất thuộc Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh…

Điệu múa truyền thống của văn hóa Chăm.

Điệu múa truyền thống của văn hóa Chăm.

Niềm vui bên tháp cổ.

Niềm vui bên tháp cổ.

Bảo vật Linga vàng còn thể hiện cho vẻ đẹp về tinh thần, về vùng đất và con người, sự cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng với điệu múa uyển chuyển trong tiếng trống Paranưng rộn ràng, tiếng kèn Saranai réo rắt. Tất cả được lưu giữ để tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Gìn giữ nét văn hóa.

Gìn giữ nét văn hóa.

 Du khách đến thưởng lãm văn hóa truyền thống Chăm

Du khách đến thưởng lãm văn hóa truyền thống Chăm

Du khách quốc tế đến thưởng thức âm nhạc

Du khách quốc tế đến thưởng thức âm nhạc

Việc đón nhận bảo vật Linga vàng đã trở thành điểm nhấn cho Lễ hội Katê năm nay, phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm, xứng đáng là một trong danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

QUANG NHÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bi-an-linga-vang-cua-hoang-toc-cham-pa-124824.html