Bí ẩn loại vaccine Covid-19 có thể được tiêm cho Tổng thống Putin vào hôm nay
Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào hôm nay (23/3), vài tháng sau khi Nga đã bắt đầu chương trình tiêm chủng rộng rãi.
Tổng thống Putin, 68 tuổi, đã nói trong một cuộc họp với các quan chức Chính phủ và các nhà phát triển vaccine hôm 22/3 rằng ông sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 "vào ngày mai", nhưng không rõ là loại nào trong số 3 vaccine Covid-19 đã được cấp phép sử dụng ở Nga.
Vaccine Sputnik V đã được phê duyệt đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái, gây chấn động quốc tế nhưng cũng thu hút nhiều lời chỉ trích, do vào thời điểm đó, nó chỉ mới được thử nghiệm trên số ít người. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet cho thấy, Sputnik V có hiệu quả tới 91%.
2 loại vaccine khác của Nga, EpiVacCorona và CoviVac, cũng đã nhận được sự chấp thuận theo quy định của Nga trước khi hoàn thành các thử nghiệm giai đoạn cuối - bước mà các chuyên gia cho rằng là cần thiết để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả theo quy trình khoa học đã thiết lập. Hiện chưa có dữ liệu nào được công bố về hiệu quả của 2 loại vaccine này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng không cho biết Tổng thống Putin sẽ chọn tiêm loại nào trong số 3 loại vaccine này, chỉ nói rằng "tất cả chúng đều tốt và đáng tin cậy". Ông Peskov nói thêm rằng "không mong đợi" việc tiêm chủng của Tổng thống là một sự kiện công khai.
Tổng thống Putin từng tuyên bố, 60% người trưởng thành ở Nga cần được tiêm vaccine để đạt được khả năng "miễn dịch cộng đồng", tương đương với việc nước này cần tổng cộng 69,8 triệu liều. Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, tính đến ngày 17/3, khoảng 8,9 triệu bộ Sputnik V 2 liều đã được ra lò tại Nga, bên cạnh hơn 115.000 bộ 2 liều EpiVacCorona.
Điện Kremlin đã nhiều lần được hỏi tại sao cho đến nay Tổng thống vẫn chưa tiêm phòng. Vào tháng 12/2020, Tổng thống Putin cho biết Sputnik V "chưa đến được với những người thuộc nhóm tuổi như ông. Vào thời điểm đó, loại vaccine này chỉ được tiêm cho những người từ 18 - 60 tuổi.
Nga đã tích cực tiếp thị Sputnik V ra nước ngoài, mặc dù vẫn còn câu hỏi liệu Moscow có đủ năng lực để thực hiện những lời hứa xuất khẩu của mình hay không. Để thúc đẩy sản xuất, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga tài trợ cho vaccine đã ký thỏa thuận với loạt công ty dược phẩm ở một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và gần đây nhất là Italia.
Hôm 22/3, Tổng thống Putin cho biết các thỏa thuận sản xuất Sputnik V hiện đã lên tới tổng cộng 700 triệu vaccine mỗi năm. "Ngay cả khi có nhiều nỗ lực cố ý làm mất uy tín đối với vaccine của chúng tôi, và đôi khi hoàn toàn vô nghĩa, nhiều quốc gia trên khắp thế giới vẫn bày tỏ sự quan tâm", ông chủ Điện Kremlin nói.
Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra ngay sau khi Ủy viên Thị trường Nội bộ Thierry Breton - người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm vaccine của Ủy ban châu Âu - hôm 20/3 trả lời báo giới rằng Liên minh châu Âu (EU) "hoàn toàn không cần" Sputnik V. Ông Putin gọi tuyên bố này là "kỳ quái" và khẳng định Nga "không ép bất kỳ ai".
Sputnik V hiện vẫn chưa được chấp thuận sử dụng ở EU, nhưng Cơ quan Dược phẩm Châu Âu EMA được cho đã bắt đầu xem xét loại vaccine này của Nga vào đầu tháng 3. Một số quốc gia EU thậm chí đã quyết định không chờ sự chấp thuận của EMA, khi Hungary đã trở thành quốc gia EU đầu tiên cho phép sử dụng Sputnik V vào tháng trước, trong khi Slovakia cũng đã công bố một thỏa thuận để mua 2 triệu liều Sputnik V vào tuần trước.