Bí ẩn nguồn gốc 'cái chết đen' đã được giải đáp
Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã giải đáp được bí ẩn tồn tại gần 700 năm về nguồn gốc của 'cái chết đen', đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử từng được ghi lại, từng quét qua châu Âu, châu Á và bắc Phi vào giữa thế kỷ 14.
Năm 1347, trận dịch tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận đã hoành hành khắp châu Âu - bệnh dịch hạch, còn được gọi là "cái chết đen", đã cướp đi sinh mạng của từ 155 - 200 triệu người, giết chết 60% dân số châu Âu và 33% dân số nước Anh.
Trước khi đến châu Âu, căn bệnh này đã càn quét qua Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư và Syria. Trên khắp châu Âu, châu Á, Trung Đông và Nam Phi, nhiều người đã bỏ mạng vì "cái chết đen". Những người bị nhiễm bệnh đều bị viêm các hạch bạch huyết ở vùng bẹn, cổ, tay chân và dưới cánh tay. Nốt sưng sẽ phát triển từ kích thước của quả óc chó đến kích thước của quả trứng, tạo ra ổ nhọt màu xanh đen.
Trong trường hợp xấu nhất, nốt sưng có thể mở rộng đến kích thước của một quả táo có màu tím đen. Khu vực sưng tấy sẽ chảy máu và có mủ. Nạn nhân của bệnh dịch hạch sẽ phải chịu hầu hết các triệu chứng điển hình như sốt, đau, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đau bụng và tiêu chảy, sau đó nôn ra máu, tất cả đều dẫn đến tử vong trong vòng một tuần.
Một bức tranh miêu tả về "cái chết đen" từ thế kỷ 14 trên một bức bích họa ở Tu viện cũ của Saint-André-de-Lavaudieu (Pháp) - Ảnh: Internet
Bất chấp những nỗ lực hết sức để tìm ra nguồn gốc của sự bùng phát, việc thiếu bằng chứng chắc chắn đã khiến câu trả lời bị bỏ ngỏ.
Giáo sư Johannes Krause tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig (Đức) cho biết: "Về cơ bản chúng tôi đã xác định được nguồn gốc trong thời gian và không gian, điều này thực sự đáng chú ý. Chúng tôi không chỉ tìm thấy nguồn gốc của bệnh dịch hạch mà còn là nguồn gốc của phần lớn các chủng bệnh dịch đang lưu hành trên thế giới ngày nay".
Nhóm nghiên cứu đã cùng nhau tìm ra câu trả lời khi Tiến sĩ Philip Slavin, một nhà Sử học tại Đại học Stirling (Scotland), phát hiện ra bằng chứng về sự gia tăng đột biến số người chết vào cuối những năm 1330 tại hai nghĩa trang gần Hồ Issyk-Kul ở phía Bắc Kyrgyzstan.
Cuộc khai quật khảo cổ tại địa điểm Kara-Djigach ở Kyrgyzstan vào năm 1886, nơi chôn cất các nạn nhân bệnh dịch hạch vào năm 1338 hoặc 1339 - Ảnh: Internet
Trong số 467 bia mộ có niên đại từ năm 1248 - 1345, Slavin cho thấy số người chết tăng lên rất nhiều, với 118 bia ghi niên đại 1338 hoặc 1339. Chữ khắc trên một số bia mộ đề cập nguyên nhân cái chết là "mawtānā", thuật ngữ tiếng Syriac có nghĩa là "dịch bệnh".
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy các địa điểm đã được khai quật vào cuối những năm 1880, với khoảng 30 bộ xương được nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu nhật ký của các cuộc khai quật, Slavin và các đồng nghiệp của ông đã lần ra một số hài cốt và liên kết chúng với các bia mộ cụ thể tại các nghĩa trang.
Cuộc điều tra sau đó được chuyển cho các chuyên gia về DNA, bao gồm Krause và Tiến sĩ Maria Spyrou tại Đại học Tübingen (Đức). Họ đã xem xét vật liệu di truyền từ răng của 7 người được chôn cất tại nghĩa trang. Ba trong số chúng chứa DNA của Yersinia pestis, vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch.
Phân tích đầy đủ bộ gen của vi khuẩn cho thấy nó là nguồn gốc trực tiếp gây ra "cái chết đen" ở châu Âu 8 năm sau đó và nó có thể là nguyên nhân gây ra những cái chết bí ẩn.
Chấy và bọ chét được cho là vật mang vi khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis ở sóc, thỏ, chuột và gà... Theo một số ý kiến, chuột đô thị vừa là vật mang mầm bệnh vừa là nguồn gốc của “cái chết đen”. Các triệu chứng của chuột có thể so sánh rõ ràng với các triệu chứng của người. Sau khi một số lượng lớn động vật gặm nhấm chết, bọ chét sẽ săn tìm vật chủ mới để kí sinh. Và do thiếu các sinh vật nhỏ hơn nên đôi khi chúng chọn con người.
Bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Đây là một bệnh nhiễm trùng máu, gây ra do vết cắn của loài gặm nhấm hoặc bệnh dịch hạch thể phổi, lây lan qua các giọt bắn. Bệnh dịch hạch thể phổi gây hại đến sức khỏe con người nhiều hơn.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bi-an-nguon-goc-cai-chet-den-da-duoc-giai-dap-183152.html