Gan ngỗng béo (Foie gras) được xem là tinh hoa ẩm thực, một món ăn dành cho giới thượng lưu. Thậm chí, gan ngỗng béo còn xuất hiện trong danh sách những thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới.
Theo Business Insider, chỉ gần nửa lạng gan ngỗng béo đã có giá lên đến 90 USD (tương đương 2 triệu dồng).
Điều gì khiến món ăn này đắt đỏ đến vậy? Trước tiên, ngỗng không thể được nuôi giống như... vịt ở Việt Nam, mà thay vào đó là một quy trình vô cùng tàn khốc và tốn kém.
Thời gian trưởng thành của những con ngỗng này gấp 2,5 lần gà. Nếu gà chỉ cần 45 ngày thì ngỗng cần tới 105 ngày.
Để có miếng gan béo, những con ngỗng bị ép ăn một cách tàn nhẫn. Ba lần một ngày, người nuôi banh miệng, cắm ống thức ăn vào cổ họng ngỗng đực để đổ hơn 2kg hạt ngũ cốc mỗi lần ép chúng ăn.
Việc ép ăn này sẽ khiến gan ngỗng sinh mỡ, to hơn gấp 10 lần gan một con ngỗng bình thường. Lá gan béo phì khiến chúng thở, đi lại rất khó khăn.
Nhiều con quá béo không thể di chuyển, căng thẳng, trở nên hung hăng, tự xé lông mình và tấn công các con khác.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện tại các hộ gia đình, còn tại các nhà máy công nghiệp, mức độ còn... khủng khiếp hơn gấp nhiều lần. Ngỗng sẽ được nuôi nhốt trong lồng rất rất chật, không thể di chuyển để tránh tình trạng tấn công lẫn nhau.
Chúng cũng không được tắm rửa bằng cách vầy nước như tập tính vốn có. Tất cả những gì chúng có thể làm là... cựa quậy, vẫy vẫy phần cánh và quay đầu sang hai bên.
Theo phóng viên tờ Newsweek, đàn ngỗng ở một trang trại foie gras trông "bơ phờ" và "thường bị què bởi nhiễm trùng bàn chân do phải đứng trên lưới kim loại trong quá trình ép ăn bằng ống".
Ngoài ra, chúng thường bị tổn thương thực quản do lượng thức ăn quá tải đổ xuống họng, gãy xương ức, nhiễm nấm, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan và rất căng thẳng. Một số con chết vì viêm phổi hoặc nghẹn khi nuốt hạt.
Chính bởi quy trình nuôi lấy gan quá tàn khốc cũng khiến nhiều quốc gia cấm nhập khẩu hoàn toàn loại thực phẩm này, như Mỹ (bang California) và Ấn Độ.
Dù vậy, món ăn này vẫn chưa bao giờ "hết hot". Giới nhà giàu vẫn sẵn sàng chi tiền để được thưởng thức.
Video: Ngày 05/04/2017: Việt Nam Cũng Đã Có Kem Dát Vàng. Nguồn: VTV24
Hoàng Minh (theo BI)