Bí ẩn tên lửa tầm xa nhất châu Âu và khả năng hỗ trợ Ukraine

Sau khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố các đồng minh phương Tây chủ chốt không còn áp đặt bất cứ hạn chế nào về vũ khí tầm xa với Ukraine, mọi sự chú ý đã chuyển sang tầm bắn của các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.

Theo giới phân tích, hiệu quả của tên lửa hành trình khi tấn công mục tiêu không chỉ phụ thuộc vào tầm bắn tối đa của chúng mà còn phụ thuộc vào khả năng truy cập vào các bản đồ kỹ thuật số có độ chi tiết cao, vốn cần thiết cho việc điều hướng và nhắm mục tiêu.

Tên lửa MdCN. Ảnh: MBDA

Tên lửa MdCN. Ảnh: MBDA

Hơn nữa, tên lửa hành trình không bay theo đường thẳng mà có hướng bay khó đoán do chúng được lập trình sẵn để vượt qua hệ thống phòng không của đối phương. Một số tên lửa của phương Tây như Storm Shadow hoặc SCALP có tầm bắn trên lý thuyết là 560 km, nhưng con số này phải được điều chỉnh trong thực tế. Các vị trí phóng có thể cách tuyến đầu 80–90 km và đường bay phức tạp của tên lửa làm giảm thêm mức độ tấn công hiệu quả.

Tên lửa Taurus của Đức mà Thủ tướng Merz hứa hẹn sẽ cung cấp cho Ukraine cũng có tầm bắn "trên 500 km", xếp vào cùng hạng với Storm Shadow/SCALP, đặc biệt là khi xem xét hiệu suất của nó trong giai đoạn bay cuối.

Tuy nhiên, cả Storm Shadow/SCALP và Taurus đều phải là tên lửa hành trình tầm xa nhất của châu Âu. Danh hiệu này thuộc về tên lửa MdCN của Pháp, còn được gọi là SCALP Naval. Tên lửa này không chỉ được sản xuất hàng loạt mà còn đang hoạt động trong kho vũ khí của Pháp.

MdCN là tên lửa hành trình hải quân được phát triển dựa trên tên lửa SCALP. Tầm bắn chính thức của tên lửa, theo tuyên bố của Pháp là từ 1.000 đến 1.400 km. Với tầm bắn này, tên lửa được đưa vào danh mục vũ khí tấn công chính xác tầm xa.

MdCN là vũ khí hải quân, mang theo đầu đạn nặng khoảng 300 kg, được phóng thẳng đứng từ bệ phóng đa năng A70 Sylver cao khoảng 7m.

Hiện tại, không có thông tin công khai nào cho thấy Pháp có ý định chuyển giao tên lửa MdCN cho Ukraine. Hơn nữa, việc chuyển giao như vậy sẽ đòi hỏi phải phát triển một hệ thống phóng trên mặt đất – tương tự như hệ thống phóng Mk 70 được sử dụng cho tên lửa Tomahawk. Ngoài ra, số lượng tên lửa MdCN khá ít ỏi. Theo nhiều nguồn tin, Pháp chỉ có khoảng 200 tên lửa MdCN trong kho vũ khí.

Tuy nhiên, khi các quốc gia châu Âu chính thức dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine và thừa nhận nhu cầu cấp thiết phải mở rộng kho vũ khí như vậy, ý tưởng cung cấp tên lửa MdCN cho Ukraine có thể sẽ được đưa ra thảo luận.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Defense Express

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/bi-an-ten-lua-tam-xa-nhat-chau-au-va-kha-nang-ho-tro-ukraine-post1202496.vov