Su-30MK2 do tổ hợp hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) của Nga sản xuất là phiên bản hiện đại hóa từ Su-30MKK với chức năng cường kích đánh biển được nâng cao đáng kể.
Tiêm kích Su-30MK2 được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar mảng pha quét thụ động N001 VEP và hệ thống trinh sát quang học OLS-30.
Phạm vi theo dõi mục tiêu trên không của Su-30MK2 vào khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.
Ở chế độ tác chiến đối không, radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.
Động cơ của Su-30MK2 là AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều nhưng tuổi thọ cao hơn đáng kể so với AL-31FP, tỏ ra thích hợp với một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thiên về cường kích đánh biển hơn.
Có thể thấy rằng Su-30MK2 là một tiêm kích đa năng đúng nghĩa, tuy nhiên năng lực không chiến của nó chỉ được đánh giá ở mức khá chứ chưa phải là xuất sắc.
Ngày 14/6/2006, Venezuela đã ký hợp đồng mua liền một lúc 24 chiếc tiêm kích Su-30MK2, đây chính là những chiến đấu cơ tốt nhất của quốc gia Nam Mỹ này khi số F-16 đang xuống cấp do thiếu phụ tùng cần thiết.
Hai chiếc Su-30MK2 đầu tiên được chuyển giao cho Venezuela vào đầu tháng 12/2006 trong khi 8 chiếc còn lại tới vào năm 2007, 14 chiếc tiếp theo đến trong năm 2008 - 2009.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động tác chiến, một chiếc Su-30MK2 của Venezuela đã gặp nạn trong chiến dịch truy quét buôn lậu ma túy. Sự việc này khiến số lượng Su-30MK2 của Venezuela chỉ còn 23 chiếc.
Vừa mới đây vào hôm 16/10, một sự cố cực kỳ nghiêm trọng nữa đã xảy ra với chiếc chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2 khi nó thực hiện chuyến bay huấn luyện định kỳ tại bang Guarico, nằm cách thủ đô Caracas khoảng 120 km.
Theo thông tin từ trang Webinfomil, ngay khi vừa cất cánh được ít lâu thì máy bay đã bất ngờ nổ tung, đây là điều cực kỳ bất thường, không quân Venezuela đang tiến hành điều tra và không loại trừ đây là hành động phá hoại.
Vụ việc trên đã khiến hai phi công điều khiển là Chuẩn tướng Virgilio Marquez Morillo - chỉ huy của căn cứ không quân ở thành phố El Sombrero và Đại úy Nesmar Salazar Nunez - thành viên phi đội số 11 thiệt mạng.
Giới phân tích đang hướng đến hai khả năng là máy bay ngay khi vừa cất cánh đã bị trúng tên lửa vác vai từ dưới đất bắn lên, hoặc chiếc tiêm kích này đã bị cài thiết bị nổ.
Sở dĩ có giả thiết trên là bởi tình hình chính trị tại Venezuela vẫn đang ở mức căng thẳng, tiềm ẩn bùng phát thành nội chiến có sự can thiệp của lực lượng vũ trang nước ngoài do Mỹ dẫn đầu.
Nếu xảy ra tình huống chiến tranh, đối phương sẽ phải tìm cách triệt tiêu sức chiến đấu của quân đội Venezuela bằng cách phá hủy những phương tiện tác chiến hiện đại mà tiêm kích Su-30MK2 là một trong số đó.
Việt Dũng