Bí ẩn về 4 phút định mệnh của máy bay Hàn Quốc gặp nạn
Khoảng thời gian giữa lúc phi công báo cáo về vụ va chạm với chim và lúc máy bay gặp nạn có thể là chìa khóa để giải mã một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất thế giới trong nhiều năm qua.
Đã chậm hơn 30 phút so với lịch trình, phi công lái chiếc máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air chở 181 người đang chuẩn bị hạ cánh tại điểm đến ở Muan, phía tây nam Hàn Quốc vào sáng Chủ nhật, 29/12, thì tháp không lưu cảnh báo về những đàn chim trong khu vực.
Hai phút sau, lúc 8h59, phi công báo cáo "va chạm với chim" và "tình huống khẩn cấp". Anh nói với tháp kiểm soát không lưu tại Sân bay quốc tế Muan rằng anh sẽ "bay vòng lại", nghĩa là sẽ hủy lần hạ cánh đầu tiên và bay vòng tròn trên không để chuẩn bị cho lần hạ cánh thứ hai. Nhưng rõ ràng là phi công đã không có đủ thời gian để bay hết trọn một vòng.
Thay vào đó, chỉ một phút sau, người phi công kỳ cựu - với gần 7.000 giờ bay trong sự nghiệp - đang điều khiển phi cơ tiến đến đường băng theo hướng ngược lại, từ bắc xuống nam. Và ba phút sau, lúc 9h03, máy bay của anh, Chuyến bay 7C2216 của Jeju Air, đâm vào một kết cấu bê tông ở đầu phía nam của đường băng, bùng cháy thành một quả cầu lửa.
Chỉ có 2 người may mắn sống sót trong khi 179 người trên máy bay đã thiệt mạng, hầu hết là người Hàn Quốc trở về nhà sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở Thái Lan. Vụ tai nạn là thảm họa hàng không tồi tệ nhất trên lãnh thổ Hàn Quốc và là thảm họa chết người nhiều nhất trên toàn thế giới kể từ vụ tai nạn với Chuyến bay 610 của Lion Air năm 2018, khi toàn bộ 189 người trên máy bay đều tử vong.
Trong khi các quan chức đang chạy đua để điều tra vụ tai nạn, một câu hỏi trọng tâm của các nhà phân tích là: Điều gì đã xảy ra trong 4 phút giữa báo cáo khẩn cấp của phi công về vụ va chạm với chim và vụ tai nạn chết chóc của chuyến bay?
Cảnh quay chiếc Boeing 737-800 hạ cánh tại sân bay cho thấy nó trượt xuống đường băng mà không có bánh đáp. Khi nó lao sượt đi bằng bụng, và bị bao phủ bởi những thứ trông giống như đám bụi, khói và tia lửa, nó dường như không thể giảm tốc độ trước khi đâm vào cấu trúc bê tông cách cuối đường băng khoảng 250 mét. Cấu trúc này là nơi đặt hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS, được xây dựng trên một gò đất cao 2 mét, với tổng chiều cao của gò đất và thiết bị ILS là 4 mét.
Xem video cảnh máy bay của Jeju Air đáp xuống đường băng bằng bụng rồi phát nổ - Nguồn: Reuters
Vì sao phi công phải vội vã hạ cánh?
"Một câu hỏi lớn là tại sao phi công lại vội vã hạ cánh như vậy", ông Hwang Ho-won, Chủ tịch Hiệp hội An ninh Hàng không Hàn Quốc nêu vấn đề.
Khi các phi công có kế hoạch hạ cánh bằng bụng, họ thường cố gắng kéo dài thời gian, xả thêm nhiên liệu từ trên không và cho nhân viên mặt đất thời gian chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, ông Hwang cho biết. Nhưng phi công của Jeju Air dường như đã quyết định rằng anh ta không có đủ thời gian làm vậy. "Anh ấy có bị mất cả hai động cơ không?", ông Hwang nói, "Quyết định hạ cánh vội vàng như vậy có phải là lỗi của con người không hay là do nguyên nhân khác?"
Cơ quan điều tra Hàn Quốc đã thu hồi được "hộp đen" của máy bay - một máy ghi âm điện tử lưu giọng nói trong buồng lái và dữ liệu chuyến bay khác có thể giúp điều tra các vụ tai nạn hàng không. Thiết bị này bị hư hỏng một phần, vì vậy có thể mất thời gian để khôi phục dữ liệu – theo ông Ju Jong-wan, giám đốc chính sách hàng không tại Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc.
Do cuộc điều tra vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ, các quan chức đã cẩn thận không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về các câu hỏi phát sinh từ vụ tai nạn, bao gồm cả việc liệu cả hai động cơ của máy bay có ngừng hoạt động khi hạ cánh hay không. Nhưng các chuyên gia đã xem đoạn video về vụ hạ cánh kinh hoàng cho biết máy bay dường như đã trải qua sự kết hợp nguy hiểm của nhiều yếu tố khiến vụ tai nạn trở nên tồi tệ hơn nhiều so với mức thông thường xảy ra.
Sân bay Muan thường có đường băng dài 2.800 mét. Nhưng khi máy bay của Jeju Air hạ cánh, chỉ có 2.500 mét đường băng có thể sử dụng được vì đang có hoạt động xây dựng để mở rộng đường băng. (Tuy nhiên, độ dài này vẫn đủ dài để hạ cánh máy bay Boeing 737-800, theo các quan chức).
Trong thảm kịch ngày 29/12, chiếc máy bay cũng đã bỏ lỡ vùng hạ cánh thông thường và thay vào đó hạ cánh xa hơn bình thường trên đường băng. Theo các chuyên gia hàng không, khi hạ cánh, phi công dường như cũng không thể kiểm soát cả động cơ và bánh đáp, khiến anh mất hai trong ba phương tiện chính để giảm tốc độ của máy bay: phanh bánh đáp và lực đẩy ngược của động cơ. Các chuyên gia cho rằng, máy bay dường như cũng không kích hoạt cánh tà, một phương tiện khác để giảm tốc độ.
Tranh cãi về cấu trúc bê tông gần đường băng
Máy bay đã lao quá nhanh đến nỗi nó trượt khỏi đường băng và đâm thẳng vào một cấu trúc bê tông được bao quanh bởi một gò đất. Cấu trúc này được xây dựng để lắp đặt cái gọi là ăng-ten định vị, giúp phi công duy trì đường tiếp cận chính xác.
Ông Ju Jong-wan cho biết cấu trúc bê tông như vậy cũng có ở các sân bay khác ở Hàn Quốc và nước ngoài. Nó được xây dựng theo quy định nhưng chính phủ có kế hoạch điều tra xem liệu các quy tắc có nên được sửa đổi sau vụ tai nạn của Jeju Air hay không - ông Ju nói. Một số chuyên gia, bao gồm cả ông Hwang, cho biết nếu không có kết cấu bê tông như vậy hoặc nếu ăng-ten được lắp trên giá đỡ dễ vỡ hơn, máy bay có thể đã tránh được thảm kịch.
Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng sự cố của máy bay đã bắt đầu trước khi nó đâm vào kết cấu.
"Sự cố động cơ không nhất thiết có nghĩa là sự cố bánh đáp; hai điều này không nhất thiết liên quan đến nhau", Paek Seung-joo, giáo sư an toàn công cộng tại Đại học Open Cyber Hàn Quốc cho biết. "Nhưng trong trường hợp này, cả hai dường như đã xảy ra, buộc máy bay phải quyết định hạ cánh bằng bụng chỉ trong vài phút".
Theo J. Y. Jung, một chuyên gia hàng không tại Đại học Khyungwoon, Hàn Quốc, ngay cả khi máy bay bị mất một động cơ do va chạm với chim, phi công vẫn có thể vận hành một máy bơm thủy lực để hạ bánh đáp bằng lực từ động cơ còn lại.
Các nhà phân tích cho biết nếu cả hai động cơ đều bị mất, phi công vẫn có thể hạ bánh đáp bằng tay. Nhưng với cách phi công cố gắng hạ cánh vội vã như vậy, họ nhận định rằng, anh có thể đã không có đủ thời gian.
"Những câu hỏi như thế này sẽ không được trả lời cho đến khi họ kiểm tra máy ghi dữ liệu chuyến bay của máy bay", ông Jung cho biết.
Những vấn đề khác cần làm rõ
Ngành hàng không đã có sự quan sát chặt chẽ nhằm phát hiện nguy cơ va chạm với chim. Chim di cư thường di chuyển dọc theo bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên vì các bãi triều cung cấp cho chúng nơi nghỉ ngơi và kiếm ăn lý tưởng. Theo dữ liệu của chính phủ về các vụ va chạm với chim, sân bay Muan nằm giữa những nơi như vậy và dễ bị chim va chạm hơn các sân bay khác ở Hàn Quốc. Các quan chức cho biết họ sẽ điều tra xem sân bay có thực hiện các khuyến nghị của chính phủ về việc xua đuổi chim hay không.
Các quan chức Hàn Quốc cũng nói rằng họ sẽ xem xét liệu Jeju Air có cắt giảm các biện pháp an toàn trong khi cố gắng tối đa hóa lợi nhuận hay không. Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất trong 9 hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc và là một trong những hãng tích cực nhất trong các hoạt động thu hút hành khách. Dữ liệu cho thấy máy bay của hãng này hoạt động nhiều giờ hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong vòng 48 giờ sau vụ tai nạn ở Muan, máy bay của Jeju Air đã thực hiện hàng chục chuyến bay trong phạm vi Hàn Quốc hoặc đến Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Nhật Bản.
Chính phủ cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra an toàn tất cả các máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không của nước này khai thác. Họ đưa ra tuyên bố này sau khi một máy bay chở khách Boeing 737-800 của Jeju Air khởi hành từ Sân bay Gimpo ở Seoul vào 30/12, đến đảo Jeju ở phía nam, báo cáo sự cố về bánh đáp sau khi cất cánh và quay trở lại Gimpo.
Jeju Air cho biết sự cố trên đã được khắc phục trong khi máy bay đang trên không sau khi phi công tham khảo ý kiến của đội bảo dưỡng ở mặt đất. "Nhưng phi công vẫn muốn quay lại sân bay để kiểm tra an toàn", Song Kyong-hun, một giám đốc điều hành của Jeju Air, cho biết.