Bí ẩn về cái chết của võ sĩ Việt từng thách đấu Lý Tiểu Long

Sở hữu thân hình đầy cơ bắp và những cú đấm thép dữ dội. Có đòn đá bay dũng mãnh như cánh quạt trực thăng. Một thời, võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen trở thành thần tượng cho giới trẻ. Sau năm 1975, ông trở thành ngôi sao điện ảnh võ thuật và được thủ vai trong một số bộ phim. Tuy nhiên, đến giờ này, cuộc đời và cái chết của Huỳnh Tây Đen vẫn là một ẩn số chưa lời giải.

Lực sĩ kiêm võ sĩ

Tờ báo Đông Phương vào năm 1972 đã từng đăng tin: Lực sĩ quốc gia kiêm võ sĩ Huỳnh Tây Đen thách đấu với võ sĩ Lý Tiểu Long. Tin này trở thành đề tài sôi nổi trong nhiều tiệm Snack bar (du nhập từ Mỹ sang) ở Quảng Ngãi. Huỳnh Tây Đen nhỏ hơn Lý Tiểu Long 10 tuổi, trình độ võ thuật thì có thể không bằng, nhưng Đen có sức mạnh đấm vỡ tường, từng đánh ngã sư phụ Lee Ze Doul của Nam Triều Tiên (Hàn Quốc). Tin đồn chưa lắng xuống thì năm 1973, giới võ thuật và dân chúng lại ầm ầm kháo nhau về trận đấu tranh ngôi minh chủ võ thuật.

Trong trí nhớ của một số người lớn tuổi ở Quảng Ngãi, vào một ngày gần cuối năm 1973, trên con đường rải đầy đá lô-ka (đá hộc) lởm chởm dẫn từ Nghĩa Hành về trung tâm thị xã Quảng Ngãi xuất hiện 4 người đang khiêng một chiếc quan tài đỏ. Toán người này không đi xe ngựa, không rảo bước liên tục, mà cứ đến ngã ba đường thì ghé vào một quán nước.

“Sắp có trận đấu võ lớn rồi”, nhiều người thấy vậy thốt lên. Người dân ở Quảng Ngãi mê võ thuật nhìn chiếc hòm to này thì đoán biết không phải là để chôn cất người chết, mà để dành cho các võ sĩ tử chiến trên sàn đấu. Chiếc hòm này thay cho “lời rao”. Vì truyền thông thời trước không rộng rãi như bây giờ.

Huỳnh Tây Đen thủ vai chính trong phim Ngọn lửa Krông Dung.

Huỳnh Tây Đen thủ vai chính trong phim Ngọn lửa Krông Dung.

“Lực sĩ Quốc gia kiêm võ sĩ Đặng Trần Huỳnh, tên võ là Huỳnh Tây Đen, sinh năm 1950 sắp tỷ thí với võ sư Tấn Hồng, sinh năm 1940”, đó là thông tin nóng về võ thuật liên quan đến chiếc quan tài. Nghe đến tên Huỳnh Tây Đen, lũ trẻ đã hình dung ngay ra cảnh người võ sĩ có thân hình chữ V thường chơi đùa với trẻ em, còn người lớn thì nhắc đến đôi tay thép. Người dân ở trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Nghiêm) quá quen thuộc với cảnh lũ trẻ bán giày chạy theo Huỳnh Tây Đen và vài đứa xin đu lên 2 cánh tay dang thẳng của võ sĩ này để được quay một vòng như cánh võng.

Để có cánh tay rắn chắc và ra cú đấm ngàn cân, mỗi buổi sáng, ông Đen tập luyện với một đống tạ, chạy thể lực, xách nước dang 2 tay. Cha ông Đen là Đặng Ngọc Quỳnh, người gốc Nam Định, thời xưa làm công chức ở Ty Nông nghiệp Quảng Ngãi nên có điều kiện cho con trai học võ. Căn nhà gỗ 2 tầng của ông dường như oằn xuống, vì cứ mỗi buổi sáng, Huỳnh Tây Đen dùng 1 tay xách chiếc tạ nặng 70 kg lao lên gác rồi lại chạy xuống để luyện cơ.

Gặp võ sĩ hạng nặng

Trận tỷ thí cách đây hơn 40 năm giữa Huỳnh Tây Đen và võ sư Tấn Hồng có nhiều điểm tương tự như trận đấu tay đôi vừa diễn ra giữa võ sĩ Karate Đoàn Bảo Châu và cao thủ phái Vịnh Xuân là Pierre Francois Flores. Đó là ông Hồng có vóc người thấp, đòn thế nhanh, còn Huỳnh Tây Đen thì như cột đồng. Chỉ có điều khác, đó là khi lên đài thì 2 bên ký vào bản cam kết “đánh chết bỏ, không kiện tụng”. Một chiếc quan tài đặt trước khán đài. Đó là cách “chơi ngông” mà tới giờ này, sàn đấu MMA có lẽ cũng phải chắp tay xin thua.

Bà Đặng Thị Kim Thoa, người em gái của Huỳnh Tây Đen giờ vẫn nhớ lại cảnh gia đình lo lắng khi nghe anh trai tỷ thí sống chết với võ sư Tấn Hồng để phân minh chủ làng võ Quảng Ngãi. Khi ấy, bà Phạm Thị Khang, mẹ của ông Đen năn nỉ con “thôi đừng thi đấu, vì ông Hồng giỏi lắm, đòn cũng độc, học ở Sài Gòn về”. Nhưng nhìn cường độ tập võ của Huỳnh Tây Đen tăng lên thì mọi người hiểu rằng, trận tỷ thí sống chết vẫn diễn ra.

Võ sư Tấn Hồng, đối thủ của Huỳnh Tây Đen vào thời đó đang nổi tiếng nhất ở Quảng Ngãi. Lúc còn nhỏ, ông Hồng đã đi học võ ở rất nhiều thầy và học rất nhanh. Sư phụ nữ dạy ông cũng chỉ được một thời gian là nói với học trò “đã dạy hết võ rồi, tìm thầy khác học lên cao hơn”. Người thầy sau cùng nói với ông Hồng là nên vào Sài Gòn mà học, vì nhìn thấy ông Hồng là người có năng khiếu võ thuật rất tốt, học một hiểu mười, đòn thế mạnh mẽ, ra đòn rất đẹp mắt và tương lai trở thành một võ sĩ nhà nghề ít người địch nổi.

Ham võ, nhưng nhà nghèo, ông Hồng lén về lấy đôi hoa tai và cặp xuyến của bà mẹ giấu trong bồ lúa để mang đi bán kiếm tiền xuôi vào Sài Gòn. Chủ tiệm vàng cầm đôi hoa và hỏi giọng lơ lớ: “Bộ phỉnh mình hả, trong này không có vàng chi hết”. Cậu bé Hồng giật nhổm người vì ông chủ tiệm lấy búa giáng chiếc bông tai vỡ đôi. Trong đôi bông tai làm bằng đất, bên ngoài xi một lớp vàng mỏng. Nhưng may mắn, đôi xuyến vàng bán được 600 đồng, tương đương với 3 gánh lúa. Số tiền này đủ cho cậu bé Hồng xuôi vào Sài Gòn, thỏa ước mơ vừa học võ.

Vào Sài Gòn học với võ sư Minh Cảnh, lúc rảnh thì đi bán gánh thuốc dạo, sau đó tiếp tục đến thọ giáo cả võ sư Lưu Hòa Phát, Kít Đăm Sey. Khi thành danh, ông Hồng trở về Quảng Ngãi lập võ đường. Ông Hồng “ra mắt làng võ” bằng màn thách đấu và tỷ thí sống chết trên đài với võ sĩ Thanh Hồng đang là đương kim vô địch Quảng Ngãi. Cuộc tỷ thí tổ chức vào vào tháng 3 năm 1963 tại xã Đức Thắng huyện Mộ Đức. Kết quả đã mang vinh quang về cho ông Tấn Hồng, nên giới võ thuật Quảng Ngãi đương nhiên tôn ông là minh chủ làng võ cho đến khi gặp Huỳnh Tây Đen.

Bà Đặng Thị Kim Thoa, em gái của lực sĩ kiêm võ sĩ Huỳnh Tây Đen còn giữ cặp tạ của người anh để làm kỷ niệm.

Bà Đặng Thị Kim Thoa, em gái của lực sĩ kiêm võ sĩ Huỳnh Tây Đen còn giữ cặp tạ của người anh để làm kỷ niệm.

Bí mật hơn 40 năm

Bà Đặng Thị Kim Thoa kể, hôm ấy người anh trai bà phân tích sự điêu luyện về võ thuật và kinh nghiệm thượng đài của ông có thể không qua được Tấn Hồng, nhưng ông lại có lợi thế là sức mạnh hơn người. Chỉ cần Tấn Hồng dính một đòn thì sức tấn công sẽ giảm và sẽ bị đánh phủ đầu. Đúng như nhận định của ông Đen, ông Hồng phải chịu thua ngay trong hiệp đầu.

Giờ đây, sau hơn 40 năm, bà Thoa mới kể lại điều lâu nay gia đình vẫn giữ bí mật, đó là sau trận tỷ thí “chết bỏ” kể trên, người anh trai bà rời vòng hào quang trở về chưa kịp mừng thì người lạnh đi và hộc ra một vũng máu. Do bị đánh trúng nhiều đòn nên phải mất mấy tháng trị nội thương, sức khỏe của ông Đen mới bình phục.

Sau ngày giải phóng, Huỳnh Tây Đen lưu lạc khắp nơi và không ai còn nghe tên tuổi. Cho đến một dạo, khi Hãng phim Việt Nam chiếu bộ phim Cô Nhíp, Bản nhạc người tù, Ngọn lửa Krong Dung…thì người dân Quảng Ngãi mới bất ngờ và tiếp tục hò reo vì gặp lại Huỳnh Tây Đen thủ vai chính trong phim, tiếp tục đánh võ trên màn bạc.

Tuy nhiên, màn sương bí ẩn cuộc đời võ sĩ Huỳnh Tây Đen sau đó lại giăng kín. Năm 1981, ngôi sao võ thuật đột ngột biến mất. Không ai hiểu ông Đen đã đi về phương nào? Người hâm mộ ông không ngớt đồn đãi về số phận của võ sĩ này. Một số người cho rằng, Huỳnh Tây Đen có một trận tỷ thí cuối cùng, tay không đấu với cướp biển cứu phụ nữ, trẻ em nên bị sát hại…

Người em gái của Huỳnh Tây Đen nay sống cuộc đời nghèo nàn trong ngôi nhà chật chội trên đường Nguyễn Bá Loan, TP Quảng Ngãi. Bài báo này có thể là sợi dây kết nối để giúp chị tìm được ngày giỗ chính xác của người anh trai từng làm điên đảo sàn đấu một thời.

Lê Văn Chương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-thao/bi-an-ve-cai-chet-cua-vo-si-viet-tung-thach-dau-ly-tieu-long-1229151.tpo