Bí ẩn về chiếc cúp vô địch World Cup đầu tiên
Sau khi lần thứ 3 vô địch World Cup vào năm 1970, đội tuyển Brazil được phép giữ chiếc cúp Jules Rimet vĩnh viễn. Tuy nhiên, nó bị đánh cắp năm 1983 và mất tích kể từ đó.
Franz Beckenbauer, Daniel Passarella, Dino Zoff, Diego Maradona, Lothar Matthaus, Dunga, Didier Deschamps, Cafu, Fabio Cannavaro, Iker Casillas, Philipp Lahm và Hugo Lloris có điểm gì chung?
Họ là các đội trưởng có vinh dự nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup kể từ năm 1974 và nằm trong số ít những người thực sự được phép chạm vào giải thưởng mang tính biểu tượng của FIFA, theo Athletic.
Thực tế, đó không phải chiếc cúp đầu tiên trong lịch sử World Cup.
Trở lại năm 1970, sau khi là đội đầu tiên lần thứ 3 xưng vương ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh, Brazil có quyền giữ cúp vô địch vĩnh viễn theo di nguyện của Jules Rimet - người khai sinh ra World Cup.
Tuy nhiên, chiếc cúp đã bị đánh cắp khỏi xứ sở samba vào năm 1983. Đến giờ, không ai biết tung tích của nó.
Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng chiếc cúp gốc đã biến mất vào những năm 1960 hoặc bị đánh cắp vào những năm 1950. Do đó, thứ mà ai cũng tưởng là đồ thật chỉ là bản sao.
Khởi đầu
Dù sự thật là gì, cúp vô địch World Cup ra đời vào năm 1928. Khi đó, Rimet nghĩ rằng giải đấu bóng đá toàn cầu 4 năm/lần là ý tưởng hay và ông cần thứ gì đó để trao giải cho những người chiến thắng.
Rimet đã thuê nhà điêu khắc Abel Lafleur (quốc tịch Pháp) - người đưa ra thiết kế dựa trên tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đại “Winged Victory of Samothrace”, với nữ thần chiến thắng Nike nâng cao chiếc cốc trên đầu.
Chiếc cúp ban đầu được gọi đơn giản là “Chiến thắng” và chỉ được đặt theo tên của Jules Rimet sau khi ông qua đời vào năm 1956. Nó có kích thước tương đối khiêm tốn, cao 35 cm và được làm từ bạc mạ vàng.
Cúp được trao cho người Uruguay sau khi họ giành chiến thắng tại World Cup đầu tiên năm 1930. Sau đó, nó được chuyển cho người Italy và được cất giữ trong kho tiền ngân hàng ở Rome.
Ottorino Barassi, người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Italy khi đó, đã bí mật đưa chiếc cúp về cất giữ trong căn hộ của mình. Trong nỗ lực đánh cắp chiếc cúp vàng World Cup, Đức quốc xã lục soát phòng của Barassi nhưng không ngờ nó được giấu trong hộp đựng giày ở dưới giường.
Chiếc cúp gốc đã quay trở lại Uruguay sau World Cup 1950, rồi đến Tây Đức năm 1954. Đó là lúc mọi thứ trở nên rối ren.
Theo bộ phim tài liệu The Rimet Trophy: The Incredible Story Of The World Cup của Italy, chiếc cúp có thể đã bị đánh cắp bởi những tên trộm vô danh vào khoảng thời gian này. Một phóng viên ảnh tên là Joe Coyle cho rằng cúp vàng được đưa đến Thụy Điển năm 1958 cao hơn 5 cm và có đế khác với chiếc mà người Đức từng giành được.
Nhiều nghi ngờ nổi lên về việc chiếc cúp gốc đã được thay thế bằng bản sao hoặc thêm phần khác vào. Tóm lại, vì không ai biết chắc chắn, bí ẩn xoay quanh chiếc cúp ngày càng tăng.
Đến năm 1966, cúp Jules Rimet được trưng bày tại Westminster Central Hall ở London (Vương quốc Anh) như một phần của cuộc triển lãm tem và được canh giữ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, vào một bữa trưa chủ nhật, những tên trộm đã đột nhập từ cửa sau và mang cúp đi.
Sau đó, cuộc săn lùng chiếc cúp diễn ra có phần kỳ quặc, bao gồm vụ trao đổi tiền chuộc bất thành. Một tuần sau, người đàn ông tên David Corbett dắt chó cưng Pickles đi dạo ở phía nam London. Chú chó săn đã đánh hơi thấy chiếc cúp ở bên dưới hàng rào.
Corbett được trao thưởng 6.000 bảng Anh (khoảng 7.300 USD), trong khi Pickles được cung cấp thức ăn cho chó miễn phí trong một năm.
Đây là nơi mọi thứ trở nên thú vị. Theo cuốn sách The Theft Of The Jules Rimet Trophy của Martin Atherton, một bản sao của cúp vô địch World Cup được bí mật thực hiện để tránh hỗn loạn như vụ trộm ở Westminster. FIFA thậm chí không hay biết về điều đó cho đến khi người thợ bạc tên là George Bird hoàn thành nhiệm vụ.
Khi đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966, họ được trao chiếc cúp thật, nhưng nhanh chóng bị một sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ giữ nó an toàn lấy đi và đổi bằng bản sao.
Vì vậy, chiếc cúp đến Mexico vào năm 1970 gần như chắc chắn là hàng thật. Tuy nhiên, ngay cả FIFA cũng không chắc chắn. Khi Bird qua đời vào năm 1995, gia đình ông đã bán đấu giá bản sao của cúp với hy vọng thu về khoảng 20.000-30.000 bảng Anh (24.500-36.700 USD).
Một người đấu giá bí ẩn cuối cùng đã trả khoản tiền đáng kinh ngạc là 254.500 bảng Anh (311.000 USD) mà không ai khác chính là FIFA. Lý do là họ ngờ đó là cúp Jules Rimet thật và bị đánh tráo.
Đây không phải suy đoán vu vơ: FIFA đã xác nhận điều đó trên tờ Financial Times.
Một phát ngôn viên của FIFA cho biết vào năm 2012: “FIFA quyết định mua chiếc cúp này vì nó được cho là chiếc cúp nguyên bản”.
Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra chiếc cúp cho thấy điều đó là sai sự thật. Bản sao đó hiện được trưng bày tại Bảo tàng Bóng đá Quốc gia ở Manchester.
Bị đánh cắp lần nữa
Chiếc cúp được cho là bản gốc ở lại Brazil cho đến tháng 12/1983. Khi đó, nó bị một nhóm cướp có vũ trang đánh cắp khỏi văn phòng của Liên đoàn bóng đá Brazil ở Rio de Janeiro. Dù được trưng bày trong hộp kính chống đạn, chiếc hộp có mặt sau bằng gỗ nên không thể làm khó kẻ trộm.
Một số người bị bắt liên quan tới vụ việc, nhưng không ai bị buộc tội. Và chiếc cúp không bao giờ được tìm thấy.
Giả thuyết phổ biến là nó đã bị nấu chảy để lấy vàng miếng. Nhưng cúp không được làm bằng vàng nguyên khối mà là bạc mạ vàng. Vì vậy, điều đó có vẻ khó xảy ra. Vậy nó ở đâu? Chúng ta có thể không bao giờ biết.
Sau khi trao cúp Jules Rimet cho Brazil với thời hạn vĩnh viễn vào năm 1970, FIFA cần một chiếc cúp mới.
Năm 1971, thay vì ủy thác trực tiếp cho ai đó, họ tổ chức một cuộc thi. Các nhà thiết kế, nhà điêu khắc, thợ làm cúp và bất kỳ ai thích thử thách đều được mời để tạo ra chiếc cúp World Cup hoàn toàn mới.
53 thiết kế được gửi từ 7 quốc gia khác nhau, nhưng có một bài thi nổi bật.
Trong khi những người khác chỉ gửi bản phác thảo, Silvio Gazzaniga (người Italy) gửi mô hình bằng phấn. Ông được mô tả là “người cuồng nghệ thuật” và từng học nghệ thuật ở Milan, đặc biệt là nghệ thuật theo truyền thống Bauhaus - về cơ bản là kết hợp nghệ thuật và thẩm mỹ vào các vật dụng hàng ngày.
Sau chiến tranh, Gazzaniga làm việc cho Bertoni (giờ là GDE Bertoni), công ty sản xuất huy chương và cúp, thường là cho quân đội nhưng cũng cho các vật phẩm tôn giáo. Nhờ đó, ông quen thuộc với nghệ thuật cổ điển.
Gazzaniga cũng làm việc cho ủy ban Olympic Rome năm 1960 về huy chương cho các thế vận hội. Đó là một phần lý do chiếc cúp trông không giống hầu hết thiết kế khác.
Giorgio Gazzaniga, con trai Silvio Gazzaniga, nói: “Bố tôi đã làm việc với những chiếc cúp thể thao trong 20 năm. Vì vậy, ông sẵn sàng thử thứ gì đó khác biệt. Cúp Jules Rimet là biểu hiện của nghệ thuật mới. Ông ấy muốn đưa ra phiên bản mới của tinh thần nghệ thuật trong thế kỷ 20”.
Mọi yếu tố của chiếc cúp đều được cân nhắc kỹ lưỡng như tác giả đã lý giải vào năm 2013: “Điều đầu tiên là quả địa cầu. Đó là World Cup, nên việc thế giới trở thành một phần của cúp là điều hợp lý. Tất nhiên, Trái Đất hình cầu, rất giống với một trái bóng. Quả địa cầu được nâng đỡ bởi 2 người, điều đó chứng tỏ rằng bóng đá không phải là trò chơi dành cho một đội”.
Ngoài ra, ý tưởng về việc các nhân vật giơ tay lên trời nhằm khắc họa khoảnh khắc hân hoan chiến thắng, nâng tầm thế giới theo đúng nghĩa đen sau khi vô địch giải đấu. Và chỉ một trong hai cầu thủ làm điều đó.
Chiếc cúp mới được gọi chính thức là cúp FIFA World Cup. Nó được làm từ vàng 18 karat với các dải malachite ở đế, cao 36 cm, nặng 6,142 kg, tương đương trọng lượng của một con mèo nhà. Chi phí thực hiện tiêu tốn khoảng 7.690 bảng Anh (9.390 USD), tương đương khoảng 90.000 bảng Anh (110.000 USD) theo tiền ngày nay.
Silvio Gazzaniga không quan tâm nhiều đến điều đó. Với tư cách là nhân viên của công ty, ông được thưởng một khoản tiền nhỏ. Nhưng công bằng mà nói, thiết kế đó đã thay đổi cuộc đời của ông.
Gazzaniga trở thành người đi đầu cho bất kỳ ai muốn có một chiếc cúp bóng đá. Ông đã thiết kế cúp Europa League, Siêu cúp châu Âu, cúp vô địch U21 châu Âu và loạt cúp khác. Công ty của ông, GDE Bertoni, vẫn sản xuất các bản sao chính thức của chiếc cúp Champions League, mặc dù đó không phải là thiết kế của họ.
Giorgio nói: “Bố tôi đã trở thành ‘Chúa tể của chiếc cúp’".
Silvio đã qua đời vào năm 2016. Ông được trao tặng “Commendatore Ordine al Merito della Repubblica Italiana”, giống như một hiệp sĩ, và một loạt danh hiệu khác.
Giorgio tự hào về sự nghiệp của cha mình. “Tôi giống như anh trai của cúp World Cup. Đáng tiếc là mọi người đều hôn em gái tôi. Tôi là anh trai và phải chịu đựng điều đó”.
Tây Đức là những người đầu tiên giành được chiếc cúp mới và nâng tiếp tục nâng nó 2 lần sau đó. Nhưng không giống như Jules Rimet, họ không được giữ chiếc cúp gốc.
Cho đến năm 2006, các nhà vô địch World Cup được trao cúp thật. Nhưng từ đó trở đi, một bản sao, là cúp mạ vàng thay vì vàng nguyên khối như bản gốc, được thay thế.
Chiếc cúp nguyên bản vẫn được lưu giữ tại Trụ sở FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ) và chỉ một số ít người được phép chạm vào nó, bao gồm cả các nhà vô địch World Cup trước đây hay nguyên thủ quốc gia.
Chiếc cúp vô địch thế giới mới được bảo mật chặt chẽ hơn so với phiên bản trước đó. Nhưng việc nó không bí ẩn như Jules Rimet không có nghĩa là lịch sử và thiết kế của nó không hấp dẫn bằng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-an-ve-chiec-cup-vo-dich-world-cup-dau-tien-post1385726.html