Bí ẩn về loài khỉ Bondo có thể ăn thịt sư tử châu Phi
Từ năm 2003, có những lời đồn đại cho rằng tại châu Phi có một loài vượn bí ẩn còn được gọi là vượn Bili, chúng có thân hình khổng lồ, cực kỳ hung dữ, có thể săn và ăn thịt sư tử.
Vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu ở Bỉ tình cờ phát hiện một hộp sọ kỳ lạ được thu thập ở Trung Phi. Mặc dù có một số đặc điểm của khỉ đột, nhưng nó cũng giống với một con tinh tinh. Do đó, nhiều nhà linh trưởng học tin rằng hộp sọ là của một loài mới tên là vượn Bondo.
Chẳng bao lâu sau, người ta phát hiện ra rằng những thợ săn địa phương ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi hộp sọ ban đầu được tìm thấy, đã kể rất nhiều câu chuyện về một con vượn khổng lồ hay rình mò trong rừng. Sinh vật này được cho là mạnh đến mức có thể giết chết một con sư tử và sống sót sau khi bị bắn bằng mũi tên tẩm độc. Chẳng bao lâu, truyền thuyết về vượn Bondo, hay còn được gọi là vượn Bili theo tên một ngôi làng gần đó, bắt đầu lan truyền rộng rãi.
Vậy vượn Bondo có thực sự tồn tại?
Khám phá hộp sọ bí ẩn
Năm 1996, Karl Ammann, một nhiếp ảnh gia và nhà bảo tồn người Thụy Sĩ ở Kenya đã bắt gặp một số hộp sọ được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi ở Bỉ. Những hộp sọ này được thu thập tại địa điểm gần thị trấn Bili ở phía Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo, cách sông Ebola khoảng 200 km về phía Đông.
Trên các hộp sọ này có một đường gờ nổi bật ở giữa giống như hộp sọ của một con khỉ đột. Nhưng điều kỳ lạ là hình dạng và kích thước của hộp sọ lại giống với loài tinh tinh, cộng với việc không có quần thể khỉ đột nào sống trong rừng nơi các hộp sọ được thu thập.
Khu vực này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi nội chiến. Điều đó đồng nghĩa với việc khu rừng dù có nhiều động vật hoang dã nhưng từ lâu các nhà nghiên cứu đã không thể tiếp cận được.
Phi công Ron Pontier, người lớn lên ở khu vực này, nói với tờ Time trong một cuộc phỏng vấn năm 2005 rằng đây là phần cuối cùng của châu Phi và vẫn còn động vật hoang dã. "Các loài động vật thực sự rất hoang dã", ông Pontier cho biết thêm.
Khi đến nơi, Ammann bắt đầu nói chuyện với người dân địa phương ở Bili để thu thập thêm thông tin. Anh biết rằng người dân địa phương đã xếp loài vượn trong các khu rừng gần đó thành hai loại: loài ăn cây và loài ăn thịt sư tử. Loại ăn thịt sư tử được miêu tả to lớn và khỏe mạnh tới mức dường như miễn nhiễm với những mũi tên tẩm độc của thợ săn.
Cuộc săn lùng khỉ Bondo
Càng tìm hiểu, Ammann càng tìm thấy nhiều manh mối về loài khỉ Bondo. Anh xem qua những bức ảnh cho thấy những người thợ săn đang tạo dáng với một con vật trông có kích thước gần gấp đôi một con tinh tinh tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Ammann còn tìm thấy hình ảnh cho thấy một số dấu chân lớn hơn dấu chân của khỉ đột và dấu vết chất thải to gấp ba lần loài tinh tinh.
Chẳng bao lâu sau, một số nhà nghiên cứu khác đã cùng Ammann quyết tâm tìm hiểu tận cùng của nhóm khỉ bí ẩn này.
Một trong những nhà nghiên cứu đến sớm nhất là nhà linh trưởng Shelly Williams, người đã xác định được một số đặc điểm của loài vượn Bondo. Cô lưu ý rằng những con vượn bí ẩn này có khuôn mặt phẳng hơn và lông mày thẳng giống khỉ đột. Con cái không có bộ phận sinh dục sưng tấy như những con tinh tinh cái khác. Nhóm vượn bí ẩn này cũng phát ra âm thanh độc đáo giống như tiếng hú. Chúng thường phát ra âm thanh lớn này khi Mặt Trăng mọc và lặn.
Williams nói: "Những đặc điểm độc đáo mà chúng thể hiện không giống với các nhóm vượn lớn khác. Ít nhất, chúng có một nền văn hóa biệt lập, độc đáo, không giống bất kỳ nền văn hóa nào đã được nghiên cứu trước đó".
Những quan sát của Williams rất đáng chú ý. Những mô tả giật gân của cô về những gì nhóm đang tìm kiếm dường như đã khiến Ammann hiểu lầm. Cuộc săn lùng loài vượn giờ đây đã trở thành một trò đùa - bằng chứng là một e-mail mà Ammann nhận được, cho thấy những bức ảnh đã được chỉnh sửa về một con tinh tinh có đầu chó pug và một con hải cẩu có khuôn mặt khỉ đột.
"Rõ ràng là có người nghĩ chúng tôi là một trò đùa", Ammann nói vào thời điểm đó.
Những người khác không đồng tình với lý thuyết của Williams. Trong đó có nhà linh trưởng học người Mỹ Cleve Hicks, người đã tham gia nhóm nghiên cứu vào năm 2004. "Tôi nghĩ mọi người sẽ thất vọng vì "những con vượn bí ẩn" mà ông quan sát được rõ ràng là những con tinh tinh. Một trong số chúng lớn hơn bình thường nhưng chắc chắn không phải là loài mới."
Phát hiện đáng ngạc nhiên về loài khỉ Bondo
Trong vài năm tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã thực hiện hai khám phá quan trọng về loài khỉ Bondo. Camera phát hiện chuyển động cuối cùng đã chụp được hình ảnh rõ ràng về các sinh vật này và DNA từ phân của chúng xác nhận rằng chúng là tinh tinh phương Đông (Pan troglodytes schweinfurthii).
"Về mặt di truyền, chúng thậm chí không phải là một phân loài. Nhưng về mặt hành vi, chúng ta có thể đang chứng kiến sự khởi đầu của sự khác biệt so với các chuẩn mực của tinh tinh. Chúng ta thực sự có thể nắm bắt được sự tiến hóa trong hành vi của loài này", Hicks giải thích.
Hicks và các nhà nghiên cứu khác đã ghi lại những hành vi độc đáo ở những con tinh tinh và lưu ý rằng một phần lớn trong số chúng đã phát triển đến kích thước lớn hơn nhiều so với những con tinh tinh bình thường. Giống như khỉ đột, chúng có một đường gờ trên hộp sọ và người ta thấy chúng đập vỡ các ụ mối và dùng đá để làm vỡ mai rùa. Phản bác lại tuyên bố của Williams, loài khỉ Bili cái thực sự có biểu hiện sưng tấy bộ phận sinh dục tương tự như các loài tinh tinh khác.
Chúng cũng thường chọn làm tổ trên mặt đất thay vì trên cây, bất chấp sự đe dọa của những kẻ săn mồi như sư tử và báo hoa mai. Nhóm nghiên cứu thậm chí còn được nhìn thấy đang ăn xác báo hoa mai. Nhưng suy cho cùng thì chúng vẫn là những con tinh tinh. Mặc dù truyền thuyết địa phương cho rằng loài vượn Bondo có thể đi bằng hai chân hoặc giết sư tử, cả hai tuyên bố này đều chưa từng được chứng minh.
Hicks nói với The Guardian : "Tôi không thích miêu tả chúng hung dữ hơn. Những tổ trên mặt đất rất lớn và rõ ràng có điều gì đó rất bất thường đang diễn ra ở đó".
Có điều nhiều người thắc mắc là có bao nhiêu con tinh tinh ở Bili. Khu rừng ở đó rộng lớn và rậm rạp, và những con tinh tinh sống thành từng nhóm rải rác khắp nơi, một số ở những vùng cực kỳ xa xôi. Nhìn chung, Hicks cho biết đây có thể là một trong những quần thể tinh tinh hoang dã lớn nhất thế giới.
Hơn nữa, có vẻ như rất ít trong số chúng đã từng chạm trán với con người trước đây, chứ đừng nói đến việc bị săn đuổi. Kết quả là loài khỉ Bondo không hề có dấu hiệu sợ hãi con người mà "chỉ là tò mò".
Suy cho cùng, câu chuyện có thật về loài vượn Bondo không phải là việc phát hiện ra một loài vượn mới mà là một cái nhìn mới lạ về một nhóm tinh tinh bị cô lập độc nhất đang tạo ra một xã hội của riêng chúng.