Bí ẩn về ngôi đình nằm dưới đáy giếng cổ
Hàng trăm năm nay, người dân Mễ Trì luôn truyền tai nhau về một ngôi đình cổ nằm sâu dưới đáy giếng làng. Ngôi đình này hiện nằm trong khuôn viên đền Đức Thánh Mẫu (Đền Mẫu) nơi thờ phụng mẹ nuôi của Đức Thánh Đầm nổi tiếng linh thiêng.
Nhắc tới làng Mễ Trì (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) người ta sẽ nhớ ngay tới đền Đức Thánh Đầm nằm trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Thế nhưng ít ai biết rằng, cách đó khoảng 200m, có một ngôi đền thiêng không kém được người dân lập nên để thờ mẹ nuôi của Ngài.
Trong khuôn viên ngôi đền này có một giếng nước lớn, quanh năm không bao giờ vơi cạn. Giếng nước này được người dân làng Mễ Trì gọi là giếng trời (hay là giếng Ngọc). Tương truyền nằm dưới đáy giếng là một ngôi đình cổ - nhà của Đức Thánh Đầm.
Ông Đỗ Quang Lợi - Thành viên Ban Quản lý Di tích kể lại, theo truyền thuyết xa xưa vùng đất Mễ Trì có nhiều đầm hồ, ngòi rạch. Nhiều người ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Trong làng có hai vợ chồng sống tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành nhưng tuổi đã cao vẫn chưa có nổi mụn con.
Một lần, người chồng đi kéo vó trên đầm, kéo mãi mà không được con cá nào. Đang định thu lưới về thì bỗng nhiên ông kéo được một quả trứng kỳ lạ, màu sắc lung linh như ngọc. Thấy vậy, ông liền đem về rồi cho vào một cái chum lớn. Sau hơn hai mươi ngày, trứng nở ra một con rắn trắng. Ông bà quý con rắn như là con đẻ của mình. Hằng ngày cố công chài lưới, tìm thức ăn nuôi rắn.
Khoảng 100 ngày sau, rắn lớn, trong một đêm mưa to gió lớn, sấm sét vang trời, rắn chui ra khỏi chum rồi bỏ đi mất. Vợ chồng ông bà già chạy theo kêu van thảm thiết để rắn quay lại nhưng rắn cứ một mạch theo hướng đầm mà bò đi. Về sau dân làng mới biết, rắn là con thứ ba của Thủy thần, do đó người dân gọi là cụ Ba Hoàng, hay Đức Thánh Đầm. Vị trí Đức Thánh Đầm quẫy đạp thoát thân ra khỏi chiếc chum sau đó người dân đào thành giếng, nước đầy ăm ắp, gọi tên là Giếng Trời.
Khi đền ở ngoài đầm được xây dựng lên, một số cụ già trong làng tranh nhau chức thủ từ, nảy sinh lòng tham cá nhân. Đêm ấy, trời mưa xối xả, sấm chớp đùng đùng, hôm sau người dân ra đình bỗng thấy trống trơn, ngôi đền biến mất, đến một viên ngói cũng không còn sót.
Thời gian sau đó, dân chúng gặp nắng hạn, phải tập trung trai tráng ra nạo vét các giếng để lấy nước ăn, bốc vét bùn lầy để thông thủy mạch. Khi nạo vét giếng ở gần đầm, mọi người đào sâu bốc vét hết được bùn mang lên, lạ thay thấy một cái đình ở sâu đáy giếng.
Một người con trai họ Ngô thấy một chiếc chiêng đồng liền cầm lên đánh kêu ba tiếng thì ngay lập tức lăn đùng ra chết. Dân làng sợ hãi kinh hoàng, đem chiêng đó đặt ngay xuống giếng, chỉ chớp nhoáng trong giếng nước, mạch nổi lên đầy, mưa gió tầm tã, người nào cũng run sợ kinh hoàng. Kể từ đó, mỗi lần tát giếng, mọi người vẫn thấy có một cái đình ở dưới đáy giếng.
"Người dân trong làng truyền tụng nhau rằng, nhà ở đáy giếng là nhà của Đức Thánh Đầm, rắn thần là dòng dõi con vua Thủy Tề. Dân làng liền xây dựng trên bờ một bệ thờ. Khi gặp hạn hán, các cấp phủ, huyện lệnh sức xuống cho quan xã cùng dân chúng sửa lễ đem ra bệ đầm cầu đảo, nếu cầu rồi mà không mưa thì lệnh cho tát giếng trời thì trời tấn sẽ mưa to" - ông Lợi chia sẻ.
Nhắc tới truyền thuyết về ngôi đình cổ và giếng nước nằm trong khuôn viên Đền Mẫu, bà Bảy (người trông coi Đền Mẫu) cho biết, thời bao cấp trước đây, cả làng Mễ Trì rộng lớn dùng chung chiếc giếng này nhưng nước không bao giờ vơi cạn. Hiện nay mọi nhà dùng nước máy, nhưng giếng được dân làng bảo vệ chu đáo, thả cá chép đỏ xuống nuôi, không ai dám xâm phạm.
Cũng theo bà Bảy, tiếng đồn về giếng nước và ngôi đền thần ngày một vang xa, ngày nay, khách thập phương vẫn thường viếng thăm Đền Mẫu và xin nước giếng về dùng để cầu xin cho nhà cửa, mồ mả tổ tiên được yên tịnh đồng thời họ cũng tin rằng nước giếng sẽ giúp cho gia đình được yên ấm, con cái công thành danh toại.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bi-an-ve-ngoi-dinh-nam-duoi-day-gieng-co-100153.html