Bí ẩn về trận cờ vua gây tranh cãi nhất mọi thời đại - Kỳ cuối
Hai kỳ thủ Karpov và Kasparov đã trải qua trận đấu gian khổ và kéo dài.
Kỳ cuối: Diễn biến cuộc đấu kịch tính
Được thi đấu theo quy tắc cũ của giải đấu, trong đó nhà vô địch là người đầu tiên giành được sáu trận thắng và các ván hòa không tính điểm, Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1984 bắt đầu vào ngày 10/ 9.

Kasparov (trái) và Karpov trong Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1985. Ảnh: Wikipedia
Sau 9 ván và 25 ngày thi đấu, Karpov đã tạo ra một lợi thế 4-0 dường như không thể bị lấn át. Khi Kasparov dần nắm bắt được diễn biến của trận đấu, 17 ván tiếp theo đều kết thúc hòa, sau đó Karpov lại giành chiến thắng ở ván thứ 27, khiến anh chỉ cách một chiến thắng nữa là có thể chiến thắng chung cuộc.
Nhưng nhà vô địch đã không chơi như lúc đầu trận. Anh bắt đầu mắc sai lầm và ở ván thứ 32, cuối cùng Kasparov cũng giành được chiến thắng.
Ông Soltis giải thích: “Karpov nghĩ rằng mình có thể thắng trận đấu chỉ bằng cách ngồi yên và chờ đối thủ mắc sai lầm. Điều đó có thể hiệu quả lúc ban đầu, nhưng Kasparov đã phục hồi một cách đáng kinh ngạc. Anh không hoảng loạn về mặt tinh thần như nhiều đối thủ của Karpov đã từng. Cuối cùng, sức ép đã ảnh hưởng đến Karpov và anh bắt đầu thực hiện những nước đi rất tệ. Anh trở nên mất bình tĩnh”.
14 ván tiếp theo đều kết thúc hòa, nhưng ở các ván thứ 47 và 48, Kasparov đã thắng liên tiếp hai ván, đưa tỷ số trở lại 5-3.
Đột nhiên, Karpov trở nên bối rối. Liệu đối thủ của mình có thật sự sắp lật ngược tình thế và giành chiến thắng trận đấu không?
Ông Soltis phân tích: “Chắc chắn, đà của trận đấu đã chuyển sang Kasparov. Tôi nghĩ rằng có lẽ anh ấy sẽ ít nhất đạt được tình thế cả hai bên đều có năm chiến thắng. Và trận chung kết, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ đặt cược vào Kasparov. Tôi nghĩ rằng Karpov đã trở thành cái bóng của chính mình. Karpov khi bắt đầu trận đấu năm 1984 không phải là Karpov khi kết thúc trận đấu năm 1985.
Cường độ của tình huống rõ ràng đã ảnh hưởng đến nhà đương kim vô địch, người đã giảm 10kg trong suốt trận đấu.
Ông Soltis bình luận: “Rõ ràng Karpov đang rất mệt mỏi. Anh kiệt sức. Anh không ngủ ngon. Theo những người hỗ trợ, ban đầu trong trận anh ngủ đến nửa đêm, sau đó là 2 giờ sáng rồi đến 4 giờ sáng. Rõ ràng anh đang ngày càng yếu đi. Karpov vốn dĩ không nặng về thể chất. Anh khá nhỏ nhắn và anh chỉ đang suy yếu dần”.
Chính vào thời điểm này, khi Kasparov dường như đã đảo ngược tình thế và cả hai kỳ thủ đều háo hức tiếp tục, Chủ tịch FIDE Florencio Campomanes đã đưa ra một trong những quyết định gây tranh cãi nhất trong lịch sử cờ vua.
Ông Campomanes bay đến Moskva và với lý do sức khỏe của các kỳ thủ, tuyên bố rằng ông sẽ hủy bỏ trận đấu. Ông nói r ằngquyết định này được Liên đoàn Cờ vua Liên Xô ủng hộ.
Trong suốt 40 năm qua, chưa bao giờ có câu trả lời dứt khoát về việc liệu ông Campomanes có bất kỳ động cơ nào khác khi ông đưa ra quyết định đó hay không.
Theo quan điểm của một số người, lý do rất rõ ràng. FIDE, tổ chức cờ vua quốc tế, hoàn toàn nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô và ông Campomanes thuộc về phe Liên Xô.
Khi được liên hệ để cho ý kiến, Giám đốc điều hành hiện tại của FIDE, Emil Sutovsky, nói với CNN rằng những tuyên bố đó là không chính xác. Trong khi thừa nhận rằng Liên Xô có ảnh hưởng lớn, ông chỉ ra rằng đã có rất nhiều căng thẳng giữa FIDE và Liên đoàn Cờ vua Liên Xô, đặc biệt là trong giai đoạn từ 1983 đến 1985.
Thậm chí, có những ý kiến cho rằng ông Campomanes, người đã qua đời vào năm 2010, là một điệp viên của cơ quan tình báo Liên Xô KGB.
Ông Soltis chỉ ra rằng ông Campomanes trước đây đã đưa ra các quyết định trong các giải đấu khác mà đã gây khó khăn cho các kỳ thủ Liên Xô và cho rằng nói ông Campomanes là điệp viên KGB là vô lý. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng các quyết định trong suốt trận đấu dường như đã thiên vị Karpov.
Ông giải thích: “Theo tôi, việc hoãn lại các ván đấu là điểm mấu chốt ở đây. Thông thường, các kỳ thủ có thể yêu cầu hoãn một ván đấu trong những ngày đó vì lý do bệnh tật và các kỳ thủ đã sử dụng hết số ngày được phép. Và sau đó, lại có những lần hoãn trận đấu bí ẩn do chính phủ hoặc các quan chức cờ vua ra lệnh. Không có lời giải thích thực sự. Vậy nên có một bàn tay vô hình đã mang lại lợi ích cho Karpov”.
Ông Soltis nhớ lại rằng, trong trận đấu, danh tiếng của Chủ tịch FIDE đã có thay đổi: “Vào một thời điểm, dường như ông Campomanes đang kiên định, ông ấy đứng ở phía đối lập với Liên Xô. Nhưng trong trận đấu này, quan điểm đã thay đổi và dường như ông Campomanes thực sự đang chơi một trò chơi kép. Ông thực sự đang giúp đỡ Karpov, đang giúp Liên đoàn Cờ vua Liên Xô – những người thực sự muốn chấm dứt mọi chuyện này – và ông đang cố gắng tìm ra một giải pháp. Không ai biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí của ông Campomanes và giờ ông đã qua đời, nên ông sẽ không bao giờ nói ra”.
Mặc dù câu trả lời cho câu hỏi cụ thể này có thể sẽ bị mất dần theo thời gian, nhưng những gì đã xảy ra sau đó sẽ không tránh khỏi việc định hình cách nhìn nhận về năm 1984 - 1985.
Kasparov đã thắng trong trận tái đấu năm 1985, sau đó lại đánh bại Karpov trong cả ba Giải vô địch thế giới tiếp theo. Hiện nay, ông được biết đến như một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Có lẽ quan trọng hơn, nước Nga hiện nay đang sử dụng thể thao để quảng bá lợi ích của mình trên toàn thế giới. Trong bối cảnh các vận động viên Nga bị cấm ở nhiều giải đấu lớn, họ đang ở trong tình thế rất khó khăn và họ đang cố gắng giành lại vị thế trong cờ vua, cũng như trong thể thao nói chung.