Bí ẩn việc Triều Tiên sở hữu 87 trực thăng MD500 của Mỹ
Bài viết đăng tải trên National Interest mới đây đã hé lộ những góc khuất phía sau việc Triều Tiên sở hữu tới 87 chiếc trực thăng MD500 dân dụng không người lái mà người Mỹ đã chế tạo vào những năm 1960.
Trực thăng MD 500 dân dụng không người lái được trang bị từ những năm 1960. (Nguồn: Xair Forces)
Ngày 27/7/2013, khi đoàn bọc thép và xe tăng chạy qua khán đài của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong lễ kỷ niệm 60 năm kết thúc cuộc chiến đẫm máu với Mỹ, 4 chiếc trực thăng MD500E do Mỹ sản xuất, được gắn tên lửa chống tăng trên giá đỡ ở hai bên, cũng lượn trên không. Đây là xác nhận đầu tiên rằng, Bình Nhưỡng đã duy trì phi đội 87 máy bay trực thăng do Mỹ chế tạo mà nước này nhập lậu hơn một phần tư thế kỷ về trước.
Lai lịch phi đội "Trứng bay"
MD500 là phiên bản dân sự của máy bay trực thăng quan sát ánh sáng đặc biệt của Quân đội OH-6 Cayuse, có trong trang bị từ thập niên 1960. Chúng được đặt biệt danh là “Trứng bay” (Flying Egg) do thân máy bay nhỏ gọn, hình quả trứng. MD500 được sử dụng rộng rãi để sơ tán thương binh, hộ tống các máy bay trực thăng vận tải, làm nhiệm vụ trinh sát và hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng trên mặt đất bằng súng liên thanh và tên lửa.
Được bán với giá chỉ 20.000 USD/chiếc vào năm 1962, MD500 rất linh động và đủ nhỏ để hạ cánh ở những nơi mà các máy bay trực thăng khác không làm được. Tuy nhiên, chúng bị ảnh hưởng nặng nề trước hỏa lực của đối phương: 842 trong số 1.400 chiếc OH-6A đã bị bắn hạ trong chiến tranh Việt Nam. Các biến thể cải tiến MH-6 và AH-6 “Chim Con” (Little Bird) ngày nay vẫn được quân đội Mỹ sử dụng ở châu Phi và Trung Đông.
Vào những năm 1980, McDonnell Douglas đã nhận được đơn đặt hàng 102 máy bay trực thăng từ Delta-Avia Fluggarate - một công ty xuất khẩu được đăng ký tại Tây Đức dưới thời doanh nhân Kurt Behrens. Từ năm 1983 đến 1985, công ty Associated Industries của Mỹ đã chuyển 86 máy bay trực thăng MD500D và E và 1 chiếc Hughes 300 (loại nhỏ hơn máy bay hai chỗ) thông qua 6 chuyến hàng do Delta Avia xuất khẩu sang Nhật Bản, Nigeria, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Đường dẫn đến... Triều Tiên
Vào tháng 2/1985, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ rằng, họ đã phát hiện một số bất thường về công ty vận hành và một số thông tin không trung thực về các điểm đến của lô hàng. 15 máy bay trực thăng được dỡ xuống tại Rotterdam, sau đó được vận chuyển đường bộ đến chuyên cơ vận tải Prorokov của Liên Xô để đến Triều Tiên. Tương tự, một máy bay vận tải hạ cánh tại Nhật Bản đã chuyển hai máy bay trực thăng cho một chuyên cơ vận tải của Triều Tiên đậu tại Hong Kong để đến Triều Tiên.
Sau đó, vụ việc vỡ lở, anh em Semler điều hành Associated Industries là chủ sở hữu chính bí mật của Delta Avia. 87 trực thăng MD500 đã được chuyển giao, 15 chiếc còn lại đã bị tịch thu và Semlers đã bị xét xử vào năm 1987 vì vi phạm luật cấm xuất khẩu cho Triều Tiên. Fluggeratte chỉ đơn giản là một công ty trung gian vận chuyển máy bay tới Triều Tiên và được hứa hẹn trả 10 triệu USD để hoàn thành thương vụ. Điều cũng được sáng tỏ là một công ty bảo hiểm ở London đã biết và các khoản thanh toán đã được "rửa" qua các tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ.
McDonnell Douglas đã bị lừa khi vận chuyển gần 100 máy bay trực thăng trinh sát đến một quốc gia vẫn bị coi là chưa hết chiến tranh với Mỹ. Anh em nhà Semler đã bị kết án nhẹ và được cho rằng, đã bị lừa vì những chiếc trực thăng này thực chất là do Kurt Behrens đặt hàng. Họ đã trả tiền phạt thấp hơn nhiều so với giá trị số tiền họ nhận được để vận chuyển số hàng đặc biệt này. Behrens tuyên bố, MD500 không bị cấm xuất khẩu vì chúng không phải là máy bay quân sự.
Sau này, CIA đã nắm được các hoạt động của vụ buôn lậu. Vụ việc được một tùy viên Triều Tiên tại Berlin chỉ huy với sự hỗ trợ của một công ty vận tải trung gian của Liên Xô ở Tây Đức. Tuy nhiên, CIA từ chối thông báo cho các cơ quan dân sự, bởi họ không muốn tiết lộ rằng, thông tin họ có được là do nghe trộm từ Đại sứ quán Triều Tiên.
Nhưng tại sao Triều Tiên muốn sở hữu MD500 - mẫu máy bay dân sự mà chắc chắn không chứa bất kỳ công nghệ tiên tiến hoặc thiết bị quân sự chuyên dụng nào bằng mọi giá?
Trực thăng MD 500 quân sự nhỏ gọn, hình quả trứng. (Nguồn: Airliners)
Những phỏng đoán và lời giải đáp từ thực tế
Nhiều quốc gia có được cả MD500 quân sự và dân sự một cách hợp pháp, do giá rất thấp và có thể chuyển đổi chúng thành trực thăng quân sự bằng cách gắn thêm súng và tên lửa. Chẳng hạn, Korean Air của Hàn Quốc đã chuyển hơn 270 chiếc MD500 theo giấy phép cho Lục quân và Không quân nước này. Do đó, có vẻ như Triều Tiên cũng có ý đồ riêng khi mua MD500.
Triều Tiên duy trì hơn 200.000 lính đặc nhiệm trong Lực lượng tác chiến đặc biệt, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong trường hợp xảy ra xung đột với nước láng giềng phía Nam, Bình Nhưỡng sẽ triển khai hàng nghìn binh sĩ đến tuyến sau của Hàn Quốc thông qua các đường hầm, tàu ngầm, thuyền máy và máy bay trực thăng tàng hình để phá vỡ đường dây liên lạc và cung ứng. Khi biết về vụ MD500, Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan đã nổi giận với Washington vì đã vô tình tiếp tay cho đối thủ.
Bình Nhưỡng đã duy trì đội trực thăng MD500 của mình trong nhiều thập kỷ, như lời một đại tá Triều Tiên đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 1996 với tờ Der Spiegel (Đức). Việc giữ cho máy bay hoạt động và được cung cấp phụ tùng thay thế đặt ra một thách thức khá lớn. Những chiếc MD500 được nhìn thấy tại Bình Nhưỡng đã được sửa đổi để mang theo bốn tên lửa chống tăng Susong-Po.
Đây là các phiên bản Malyutka-P của Nga (định danh NATO là AT-3 Sagger-C) - một tên lửa cũ dẫn hướng bán tự động thông qua một dây điều khiển, được sản xuất tại địa phương. Điều này cho thấy, Triều Tiên đã đánh giá cao vai trò tấn công của những chiếc trực thăng nhỏ đầy tiện dụng này.
Về phần mình, Hàn Quốc có thể có kế hoạch riêng cho đội MD500 đông đảo của mình, bao gồm 50 chiếc chống tăng được trang bị tên lửa TOW ("Tube-launched, Optically tracked, Wire-guided"). Korean Air đang đề xuất biến những chú “Chim Nhỏ” này thành máy bay trực thăng không người lái. Đây có thể là một cách hữu hiệu để sử dụng các trực thăng bé nhỏ này trong vùng chiến đấu - nơi khả năng sống sót của chúng có thể không cao lắm.
Bình Nhưỡng không phải là quốc gia duy nhất cố gắng sử dụng công ty bình phong để mua vũ khí. Iran nổi tiếng với những phi vụ mua lại từ Mỹ các bộ phận cho máy bay chiến đấu F-14 Tomcat trong nhiều thập kỷ. Năm 1992, các công ty bình phong do Anh thành lập đã tổ chức mua một số xe tăng T-80 từ Nga với giá 5 triệu USD/chiếc, được cho là để sử dụng tại Morocco. Chúng được người Anh tháo rời và ngụy trang kỹ lưỡng, sau đó được gửi qua Mỹ.
Gần đây hơn, vào năm 2015, công dân Mỹ Alexander Brazhnikov đã bị bắt sau khi sử dụng các công ty bình phong ở Ireland, Latvia, Panama và 5 nước khác để buôn lậu 65 triệu USD điện tử nhạy cảm cho Bộ quốc phòng Nga, chương trình vũ khí hạt nhân và các cơ quan tình báo.
Tuy nhiên, không có tình tiết nào trong số các phi vụ này hoàn toàn giống với "chiến công" hiếm hoi của Triều Tiên trong việc tậu thành công 87 máy bay trực thăng mới nguyên từ nhà máy sản xuất của Mỹ.