Bí ẩn xác đấu sĩ La Mã bị sư tử giết hại được hé lộ sau 2.000 năm
Một bộ xương được khai quật tại thành phố York (Anh) đã tiết lộ bi kịch kinh hoàng cách đây gần 2 thiên niên kỷ: một đấu sĩ La Mã đã bỏ mạng dưới móng vuốt của sư tử trong một trận chiến đẫm máu.
Khám phá chấn động này mang lại bằng chứng khảo cổ học đầu tiên về trận tử chiến giữa con người và thú dữ tại Anh thời La Mã cổ đại – một hình thức giải trí tàn khốc từng phổ biến khắp đế chế.
Bộ hài cốt, được phát hiện tại nghĩa trang Driffield Terrace – một trong những khu chôn cất đấu sĩ được bảo tồn tốt nhất thế giới – thuộc về một người đàn ông trong độ tuổi 26–35, có thể hình vạm vỡ và nhiều vết thương từng lành. Nhưng đáng chú ý nhất là dấu vết về vết cắn sâu ở xương hông – được xác nhận là do sư tử gây ra.

Ảnh minh họa.
"Những dấu răng này xác thực rằng người chết là đấu sĩ, không phải lính hay nô lệ như từng giả định," bà Malin Holst, chuyên gia nhân học xương tại Đại học York, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, vết thương nghiêm trọng này chưa từng lành, có khả năng là nguyên nhân trực tiếp khiến đấu sĩ tử vong. Sau cái chết, người này dường như còn bị chặt đầu – một nghi thức phổ biến trong các lễ tang đấu sĩ thời La Mã.
Để xác định chính xác thủ phạm, các chuyên gia đã so sánh dấu răng trên xương với mẫu vật từ sở thú – và đi đến kết luận rõ ràng: đó là dấu cắn của một con sư tử. Điều này cũng hé lộ rằng các buổi trình diễn đấu sĩ với thú dữ – vốn thường gắn với Đấu trường La Mã huyền thoại ở Rome – cũng từng diễn ra tại những nơi xa trung tâm như York.
"Khám phá này thay đổi cách chúng ta hiểu về văn hóa giải trí La Mã," Giáo sư Tim Thompson (Đại học Maynooth, Ireland) nhận định. "Lần đầu tiên, chúng ta có bằng chứng vật lý rõ ràng về những màn trình diễn này ngoài văn bản và tranh ảnh."
York từng là trung tâm hành chính và quân sự quan trọng của đế chế La Mã tại Anh. Thậm chí, Hoàng đế Constantine từng tự xưng hoàng đế tại đây vào năm 306. Với sự hiện diện của tầng lớp tinh hoa, nhu cầu về các hình thức giải trí xa hoa như đấu sĩ là điều dễ hiểu.
Không chỉ vậy, nơi đây còn là “nghĩa trang thể thao” của ít nhất 82 người đàn ông trẻ tuổi, phần lớn có thể hình vượt trội. Các phân tích men răng cho thấy họ đến từ nhiều vùng khác nhau trong đế chế – từ châu Âu đến Bắc Phi.
Người đấu sĩ xấu số được chôn cùng hai người khác, phía trên phủ xương ngựa. Trong suốt cuộc đời, ông từng mắc viêm phổi, viêm đùi và có dấu hiệu suy dinh dưỡng thời thơ ấu – có thể là nô lệ hoặc tình nguyện gia nhập hàng ngũ Bestiarius (đấu sĩ chiến thú), những người chiến đấu với thú dữ trong các màn trình diễn man rợ.
Điều trớ trêu là các đấu sĩ – đặc biệt là Bestiarius – được xem như “tài sản” đắt đỏ, không khác gì các ngôi sao bóng đá thời nay. Các chủ sở hữu không muốn họ chết dễ dàng – bởi mỗi trận chiến là một khoản đầu tư. Nhưng với sư tử, sai một ly có thể trả giá bằng cả mạng sống.
“Chúng ta không biết điều gì đã đưa người đàn ông này đến đấu trường, nhưng thật đáng kinh ngạc khi phát hiện này lại nằm cách xa hàng nghìn km so với Colosseum – nơi được coi là ‘sân vận động Wembley’ của thế giới cổ đại,” ông David Jennings, Giám đốc điều hành của York Archaeology, chia sẻ.
Khám phá được công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE, mở ra một chương mới trong hiểu biết về văn hóa đấu sĩ La Mã – và bi kịch đẫm máu đằng sau ánh hào quang giải trí.