Bị ảnh hưởng dịch Covid-19 có được thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ?

Do tình hình dịch Covid-19, hàng hóa của Công ty ông Cao Minh Trí (Hải Phòng) bị tồn đọng, không có doanh thu để chi trả hoạt động sản xuất cũng như trả lương cho người lao động. Ông Trí hỏi, Công ty có thể tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động được không? Làm như thế có vi phạm Bộ Luật lao động không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2012, ngoài các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) như: Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự; Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này; Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản phẩm hàng hóa tồn đọng không bán ra thị trường được, không có doanh thu, công ty không có đủ tài chính để chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả lương cho người lao động. Với tình hình thực tế đó, để giữ chân người lao động trở lại làm việc phục hồi sẩn xuất kinh doanh sau khi hết dịch bệnh, công ty và người lao động có thể thỏa thuận để tạm hoãn HĐLĐ một thời gian.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Thời gian tạm hoãn không tính vào thời gian thực hiện HĐLĐ và sẽ được cộng bù để tiếp tục thực hiện sau thời hạn kết thúc của hợp đồng.

Việc thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ trong trường hợp khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh là phù hợp và không trái với quy định tại Khoản 5 Điều 32 Bộ Luật Lao động.

Ngày 9/4/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong 7 nhóm đối tượng sẽ nhận được hỗ trợ, có nhóm đối tượng được quan tâm đầu tiên là người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bi-anh-huong-dich-covid19-co-duoc-thoa-thuan-tam-hoan-hdld/393074.vgp