Bị Anh quốc hữu hóa công ty thép British Steel, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ

Ngày 12/4, Quốc hội Anh thông qua dự luật khẩn cấp cho phép chính phủ tiếp quản nhà máy thép British Steel thuộc sở hữu của mình, Trung Quốc cảnh báo Anh không nên 'biến hợp tác kinh tế và thương mại thành vấn đề chính trị và an ninh'.

Nhà máy thép British Steel thuộc sở hữu Trung Quốc đã bị Chính phủ Anh quốc hữu hóa. Ảnh: AFP.

Nhà máy thép British Steel thuộc sở hữu Trung Quốc đã bị Chính phủ Anh quốc hữu hóa. Ảnh: AFP.

Trang tin Anh Breitbart News ngày 14/4 đưa tin, nhà máy của British Steel ở Scunthorpe là nhà máy thép lớn cuối cùng của Vương quốc Anh. Vài giờ trước khi chính phủ Anh quốc hữu hóa nhà máy, họ đã bày tỏ lo ngại các chủ sở hữu người Trung Quốc sẽ phá hoại và buộc nhà máy phải đóng cửa.

British Steel ban đầu là một doanh nghiệp nhà nước của Anh. Công ty tuyên bố phá sản vào năm 2019 và được Jingye Group, một công ty thép tư nhân của Trung Quốc, mua lại vào năm 2020. Sau khi mua lại, công ty đã tiến hành tái cấu trúc, nhưng do chi phí năng lượng và môi trường tăng cao, công ty phải chịu khoản lỗ tới 700.000 bảng Anh (khoảng 910.000 USD) mỗi ngày.

Theo báo chí Anh, gần đây Tập đoàn Jingye đã cố tình hủy các đơn đặt hàng nhiên liệu cần thiết giúp duy trì hoạt động của lò cao. Khi lò cao ngừng hoạt động, kim loại nóng chảy sẽ đông cứng bên trong lò, khiến việc khởi động lại lò sẽ trở nên khó khăn và tốn kém. Hôm 14/4, chính phủ Anh cho biết đã ra tay giúp bảo đảm đủ nhiên liệu để các lò cao có thể giữ được nhiệt độ nóng cần thiết trong những ngày tới.

 Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Anh Angela Rayner (giữa) tới nhà máy gặp gỡ đại diện công nhân thông báo chính phủ sẽ đảm bảo nguyên liệu cho các lò cao hoạt động. Ảnh: Getty.

Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Anh Angela Rayner (giữa) tới nhà máy gặp gỡ đại diện công nhân thông báo chính phủ sẽ đảm bảo nguyên liệu cho các lò cao hoạt động. Ảnh: Getty.

Ông Gary Smith, Tổng thư ký Công đoàn Quốc gia Anh (GMB), cho biết các công nhân đã chặn cửa nhà máy để ngăn cản chủ sở hữu người Trung Quốc vào và chính phủ Anh quyết định quốc hữu hóa do lo ngại Tập đoàn Jingye sẽ có hành động phá hoại.

Theo The Guardian, ông Smith cho biết: "Chúng tôi lo nhà máy bị phá hoại và lo ngại về hành vi phá hoại tại chỗ. Thành thật mà nói, hôm qua các công nhân đã ngăn cản những chủ sở hữu người Trung Quốc vào hiện trường".

Theo The Times, nghị sĩ đảng Bảo thủ Christopher Chope cho biết các chủ sở hữu người Trung Quốc định cưỡng bức giải thể British Steel vì họ đang xây dựng một nhà máy thép mới tại Trung Quốc nhằm biến Anh thành một thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Họ đang xây dựng một cơ sở sản xuất thép mới tại Trung Quốc và họ muốn sử dụng cơ sở đó để cung cấp cho thị trường Anh", ông Chope cho biết. "Thực tế, tôi nghĩ đây chính xác là một âm mưu phá hoại ngành công nghiệp thép của Anh".

 Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Anh Jonathan Reynolds: "Tôi sẽ không cho phép các công ty Trung Quốc thọc tay vào ngành công nghiệp thép của Anh". Ảnh: AFP.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Anh Jonathan Reynolds: "Tôi sẽ không cho phép các công ty Trung Quốc thọc tay vào ngành công nghiệp thép của Anh". Ảnh: AFP.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Anh Jonathan Reynolds đã cáo buộc công ty mẹ Trung Quốc Jingye Group là "vô trách nhiệm" và cho biết chính phủ Anh nghi ngờ công ty này cố tình để nguyên liệu thô cạn kiệt và buộc nhà máy thép phải đóng cửa vĩnh viễn nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp thép của Anh và khiến Anh phụ thuộc vào việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc.

Theo các thông tin chính thức, Tập đoàn Jingye đã mua lại British Steel năm 2020 và cho đến nay đã đầu tư tổng cộng 1,2 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh yếu kém và công ty đang lỗ 700.000 bảng Anh mỗi ngày. Ông Reynolds nói vào tuần trước Tập đoàn Jingye đã từ chối chấp nhận kế hoạch viện trợ khoảng 500 triệu bảng Anh của chính phủ Anh, khiến chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trực tiếp can thiệp.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm: "Anh không nên biến hợp tác kinh tế và thương mại thành vấn đề chính trị và an ninh". Ảnh: SingTao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm: "Anh không nên biến hợp tác kinh tế và thương mại thành vấn đề chính trị và an ninh". Ảnh: SingTao.

Phản ứng từ Trung Quốc

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khi trả lời về sự việc, nói rằng: theo hiểu biết của ông, Tập đoàn Jingye là một doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc hợp tác với phía Anh dựa trên các nguyên tắc thị trường. Hai bên nên đàm phán và giải quyết những khó khăn hiện tại của British Steel trên nguyên tắc cùng có lợi. Trung Quốc hy vọng rằng chính phủ Anh sẽ đối xử công bằng và chính đáng với các công ty Trung Quốc đầu tư và hoạt động tại Anh, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ông Lâm Kiếm nói Anh cần "tránh nâng hợp tác kinh tế và thương mại thành vấn đề chính trị và an ninh để không làm tổn hại niềm tin của các công ty Trung Quốc vào hoạt động đầu tư và kinh doanh bình thường tại Anh".

Ngành công nghiệp thép của Anh, từng ở hàng đầu thế giới, hiện nay gần như đã biến mất. Ngoài việc Trung Quốc bán phá giá thép, các biện pháp do chính phủ Anh thực hiện cũng gây bất lợi cho sản xuất trong nước, chẳng hạn như đẩy giá năng lượng lên cao thông qua chương trình nghị sự xanh, cũng đã cản trở nghiêm trọng đến sản xuất thép.

Anh cũng là quốc gia có giá điện đắt nhất thế giới. Chính phủ đã cấm hoàn toàn việc khai thác than nên nhiên liệu than cần thiết cho lò cao luyện thép buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài bằng tàu biển.

Theo Sina, SingTao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bi-anh-quoc-huu-hoa-cong-ty-thep-british-steel-trung-quoc-phan-ung-manh-me-post184602.html