Bị áp đảo bởi 'đội quân nhỏ lẻ', các chuỗi dược phẩm lớn đang phát triển ra sao?

Đứng trước sức ép từ 50.000 cơ sở bán dược phẩm nhỏ lẻ, những ông lớn như Pharmacity, Long Châu hay An Khang đang phát triển ra sao?

Những "ông lớn" bán lẻ dược phẩm vẫn tỏ ra yếu thế trước "đội quân nhỏ lẻ"

Thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng. Theo nghiên cứu thị trường của BMI, doanh thu của mảng bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam sẽ có thể tăng từ 7,7 tỷ USD tại năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Công ty chứng khoán Mirae Asset đưa ra nhận xét trong báo cáo tháng 12/2023 cho rằng mức tăng trưởng của thị trường dược phẩm Việt Nam trong 5 năm tới dự kiến đạt 6% mỗi năm nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

 Những ông lớn bán lẻ dược phẩm đang chịu sức ép không nhỏ từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (Ảnh TL)

Những ông lớn bán lẻ dược phẩm đang chịu sức ép không nhỏ từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (Ảnh TL)

Tuy nhiên, miếng bánh thị phần trong mảng dược phẩm đang có sự phân mảnh, các chuỗi nhà thuốc lớn trên thị trường như Pharmacity, Long Châu, An Khang... vẫn chưa thực sự chiếm ưu thế trước "đội quân" các nhà thuốc nhỏ lẻ.

Theo thống kê, tính đến tháng 2/2023, có tới 50.000 nhà thuốc thuộc sở hữu của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên thị trường. Tại cùng thời điểm đó, tổng số lượng cửa hàng của 3 chuỗi nhà thuốc lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang... chỉ mới đạt hơn 2.500 cửa hàng, một con số rất khiêm tốn.

Dù vậy, trong năm 2023 cũng ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của một số tên tuổi. FPT Long Châu đã gia tăng số lượng cửa hàng thêm tới 447 cửa hàng, chỉ trong năm 2023.

Đơn vị này cũng dự kiến tiếp tục duy trì mở mới 400-500 cửa hàng/năm trong ít nhất 2 năm tới. Đây được coi là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự cạnh tranh về mảng thị phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn tại Việt Nam.

An Khang, Pharmacity tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua mở rộng số lượng cửa hàng

Kể từ sau đại dịch Covid-19, tận dụng sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với việc chăm sóc sức khỏe, các chuỗi nhà thuốc lớn đã có sự bùng nổ mạnh mẽ.

Trong đó, chuỗi nhà thuốc Pharmacity vẫn luôn dẫn đầu trong giai đoạn từ 2019-2022. Ghi nhận tại cuối năm 2022, tổng số nhà thuốc trong hệ thống Pharmacity đã đạt tới con số 1.041 nhà thuốc. Nhà sáng lập của Pharmacity, Chris Blank từng tuyên bố tham vọng với 5.000 nhà thuốc, mang về doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, có vẻ như ước mơ của nhà sáng lập Pharmacity sẽ khó có thể đạt được khi chuỗi nhà thuốc này đã có dấu hiệu hụt hơi so với các đối thủ khác.

Cụ thể, tại tháng 2/2023, số lượng nhà thuốc của chuỗi Pharmacity đã sụt giảm xuống chỉ còn 936 cửa hàng. Trong khi đó, đối thủ Long Châu của FPT Retail đã tranh thủ gia tăng số lượng nhà thuốc trong hệ thống lên 1.003 cửa hàng, chính thức dẫn đầu trong cuộc đua thị phần bán lẻ dược phẩm đầu năm 2023.

 Long Châu vẫn duy trì mở mới 400-500 cửa hàng trong 2 năm tới (Ảnh TL)

Long Châu vẫn duy trì mở mới 400-500 cửa hàng trong 2 năm tới (Ảnh TL)

Về doanh thu, tại cuối Quý 3/2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng đang cho thấy ưu thế khi ghi nhận doanh thu 11.088 tỷ đồng, tăng trưởng 69% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô hệ thống của Long Châu trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận mở mới tới 447 cửa hàng, nâng tổng số nhà thuốc trong hệ thống lên con số 1.384.

Một tên tuổi khác trong mảng bán lẻ dược phẩm phải kể đến là An Khang, chuỗi nhà thuốc của CTCP Thế Giới Di Động (MWG). Đơn vị này từng có sự bùng nổ mạnh mẽ khi nâng tổng số nhà thuốc lên gần gấp đôi chỉ trong năm 2022, đạt 509 cửa hàng.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của An Khang đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2023 tương ứng với những khó khăn mà Thế Giới Di Động gặp phải. Số lượng nhà thuốc của An Khang tại tháng 11/2023 đạt 527 cửa hàng, chỉ tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.

Miếng bánh thị phần ngày càng thu hẹp

Thị phần mảng bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam được nhiều tổ chức dự báo sẽ còn nhiều thay đổi trong năm 2024 tới đây, đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị kinh doanh bán lẻ dược phẩm. Theo IQVIA thống kê, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu của thị trường sẽ đạt khoảng 8% trong giai đoạn từ 2019-2023.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2023, mảng dược phẩm đang phải đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt với kênh OTC (bán thuốc không kê đơn) dự kiến gặp nhiều khó khăn do tốc độ hồi phục của nền kinh tế vẫn còn tương đối chậm. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của các chuỗi nhà thuốc lớn trên thị trường.

Theo báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset, hoạt động mua thuốc qua kênh ETC (mua thuốc theo đơn của bác sĩ, tại cơ sở y tế, bệnh viện) sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với kênh OTC (thuốc bán không cần kê đơn, qua kênh bán lẻ của các nhà thuốc).

Sự thay đổi trên được đánh giá là kết quả của sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đạt tới 93%. Như vậy, miếng bánh thị phần của các chuỗi nhà thuốc lớn vốn đã bị cạnh tranh bởi "đội quân nhỏ lẻ" trong tương lai sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-ap-dao-boi-doi-quan-nho-le-cac-chuoi-duoc-pham-lon-dang-phat-trien-ra-sao-post278715.html