Để tài chính-kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp Trường đại học Tài chính-Marketing, Trường đại học Tài chính-Kế toán, Trường đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 6 năm 2024 với chủ đề: 'Tài chính-Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững'.

PGS,TS Nguyễn Mạnh Thiều phát biểu đề dẫn hội thảo.

PGS,TS Nguyễn Mạnh Thiều phát biểu đề dẫn hội thảo.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức cả trực tiếp và trực tuyến, gồm hai phiên: “Tài chính và kinh tế thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân” và “Kế toán và quản trị thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân” với sự tham gia của hàng trăm đại biểu, lãnh đạo, chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội tài chính-kế toán trong nước và quốc tế (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc, Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales; Đại học Plaksha - Ấn Độ; Đại học Western Australia; Đại học Công giáo Australia; Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc và Đại diện CPA Australia, Giám đốc khu vực Miền Bắc Việt Nam); các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, đại diện nhiều sở khoa học công nghệ các tỉnh đã tập trung phân tích các vấn đề tài chính-kế toán.

Hơn 30 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đưa ra các nhận định, phân tích đánh giá, nhận diện những rào cản, cơ hội thách thức, đề xuất các chính sách và giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững nhằm đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2025-2035.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS,TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh, việc nghiên cứu, chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững….

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã từng bước khẳng định nội lực, vai trò và là động lực quan trọng của nền kinh tế nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Bộ Chính trị khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tính tới giữa năm 2024, cả nước có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động; nếu tính cả hơn 14,4 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần củng cố nội lực, sức cạnh tranh, uy tín và sức hấp dẫn của Việt Nam như là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, góp phần củng cố và ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

TS Nguyễn Minh Phong

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-tai-chinh-ke-toan-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post845143.html