Bị can hại chết cháu bé vụ 'gửi con nhận về hũ tro' đối diện nhiều tội danh

Theo luật sư, bị can làm thiệt mạng cháu bé trong vụ 'gửi con nhận về hũ tro' có thể đối diện nhiều tội danh với các hành vi đã gây ra.

Theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Lê Minh Quang (45 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, tạm trú tỉnh Lâm Đồng) và Cao Thị Thu Bích (39 tuổi, thường trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về tội Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt.

Hai người này trước đó bị ông N.H.N. (ở Thừa Thiên - Huế) tố giác liên quan việc cháu M.Q. (3 tuổi, con trai ông N.) tử vong, bị thiêu xác.

Nơi ông Quang chữa bệnh cho cháu N.L.M.Q. Ảnh: internet.

Nơi ông Quang chữa bệnh cho cháu N.L.M.Q. Ảnh: internet.

Theo nội dung vụ án, gia đình ông N. gửi con trai cho ông Quang điều trị bệnh chậm phát triển với chi phí 200 triệu đồng/tháng. Tới cuối tháng 3, gia đình nhận tin bé Q. tử vong vì Covid-19. Ông Quang khi đó cho biết đã tự thiêu cháu bé rồi bỏ tro cốt vào hũ, trao cho gia đình.

Được biết, bị can Lê Minh Quang và Cao Thị Thu Bích (đang mang thai) được tại ngoại và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TPHCM phân tích năm vấn đề liên quan vụ việc. Luật sư cho rằng, ông Lê Minh Quang có thể đối diện với nhiều tội danh trước các hành vi mà ông Quang đã gây ra cho cháu N.L.M.Q. và gia đình cháu.

Thứ nhất, bản thân bị can Quang khai nhận nói với cha mẹ bé trai là đã từng tu nghiệp ở Anh về việc điều trị bệnh chậm phát triển trí tuệ nhưng lại không có giấy tờ gì chứng minh được đã từng đi tu nghiệp cùng với việc cung cấp Chứng chỉ, Giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh xem đã đủ điều kiện, nguồn gốc hành nghề rõ ràng hay không. (Theo Điều 4 Thông tư 01/2004 hướng dẫn hành nghề y, dược tư nhân và quy định tại Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân 2003).

Luật sư Lê Bá Thường.

Luật sư Lê Bá Thường.

Thứ hai, khi bị can Quang báo rằng bé đã mất do Covid-19 nhưng lại không có chứng minh bằng kit test xét nghiệm hay giấy xác nhận xét nghiệm nhanh để làm rõ cháu bé có mắc Covid-19 hay không. Sau khi bé chết lại không có bất cứ hành vi nào để chứng tử cho bé (Quy định tại Điều 65 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009).

Thứ ba, trong trường hợp chưa có bằng chứng cụ thể để xác định nguyên nhân tử vong của bé cũng như tội trạng để bắt giữ bị can.

Cho dù đứa bé có mất do Covid-19 thì cũng cần phải thông báo đến gia đình nạn nhân và mang thi thể bé về cho gia đình để mai táng, nhưng bị can lại tự ý thiêu thi thể bé thành tro.

Hành vi này không khác gì việc xâm phạm đến thi thể của người mất, ảnh hưởng đến người đã khuất và gia đình nạn nhân. Nên việc căn cứ theo điều 319 để truy tố hai bị can về tội xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt thì tính chất hành vi phạm tội này sẽ được xét là hành vi nghiêm trọng. (Theo Điều 319 và điều 9 BLHS).

Gia đình tổ chức tang lễ cho cháu bé. Ảnh: CATPHCM.

Gia đình tổ chức tang lễ cho cháu bé. Ảnh: CATPHCM.

Thứ tư, trong khi đó, lúc nhận điều trị bị can đã không đồng ý cho người nhà bé biết nơi điều trị để thăm nom bé cũng như theo dõi được thể trạng của con mình một cách trọn vẹn nhất.

Khi bị can từ chối việc cung cấp thông tin về nơi điều trị của bé cho người nhà biết thì đã vi phạm vào Điều 22 và Điều 23 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền được sống chung, tiếp xúc với cha mẹ.

Ở đây, cháu bé mới được 2 tuổi, chưa đủ tuổi để học nói, học đi, độ tuổi còn đang cần phụ thuộc rất lớn vào gia đình, đặc biệt là người mẹ.

Vậy mà bị can lại mang bé sang một nơi khác không rõ địa chỉ ở đâu để điều trị cho cháu. Cũng như chính bậc phụ huynh cũng đã quá nóng vội, lơ là khi tin tưởng không đúng người chữa trị cho con. Dám chấp nhận để đứa con 2 tuổi của mình giao cho người dưng để rồi dẫn đến hậu quả ngbieem trọng. Chính hành vi này của cha mẹ bé cũng đã vi phạm vào các quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của cha mẹ, theo Luật Trẻ em năm 2016.

Ông Quang dự đám tang cháu N.L.M.Q. sau khi tự ý đốt xác bàn giao tro cốt cho gia đình. Ảnh: Hữu Long.

Ông Quang dự đám tang cháu N.L.M.Q. sau khi tự ý đốt xác bàn giao tro cốt cho gia đình. Ảnh: Hữu Long.

Thứ năm, luật sư Thường đặt vấn đề, với hành vi, tính chất vi phạm gây ra quả quả nghiêm trọng và dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ án này nên thiết nghĩ các bị can được cho tại ngoại thì có thật sự thỏa đáng? Bởi theo luật sư, trong trường hợp này hai bị can được cho tại ngoại là không có căn cứ hợp lý.

Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS thì ở điểm b, điểm c khoản 2 điều này bị can Quang sẽ bị tạm giam theo tội nghiêm trọng vì bị can không có nơi cư trú rõ ràng và hiện nay không tìm được, nghi ngờ rằng có dấu hiệu bỏ trốn nên cần ra quyết định tạm giam đối với bị can Quang về hành vi phạm tội của mình.

Còn đối với bị can Bích đang trong thời kì mang thai nhưng xét thấy cùng thực hiện hành vi phạm tội đối với thi thể cháu bé cùng bị can Quang, xét theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 119 BLTTHS thì tính chất phạm tội nghiêm trọng vẫn sẽ bị tạm giam khi bị can có hành vi bỏ trốn và không rõ nơi cư trú.

Phạm Hiền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-can-hai-chet-chau-be-vu-gui-con-nhan-ve-hu-tro-doi-dien-nhieu-toi-danh-post608964.html