Bị cáo chính được án treo, đồng phạm bị tù giam

Bị cáo có vai trò chính, bị truy nã nhưng lại được TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) ưu ái cho hưởng án treo, trong khi các đồng phạm cùng vụ thì bị tù giam.

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có thông báo rút kinh nghiệm đến các VKS trong khu vực một vụ án hình sự bị cấp giám đốc thẩm hủy án do áp dụng án treo trái quy định pháp luật. Đó là vụ án do TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) xét xử về tội cố ý gây thương tích nhưng bị cáo có vai trò chính, từng bị truy nã lại cho hưởng án treo, còn các đồng phạm khác thì bị xử tù giam.

Xử án kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Theo hồ sơ, tối 19-1-2015, xuất phát từ mâu thuẫn trong khi hát karaoke, Phan Huy Thạch cùng năm người khác đánh chị Nguyễn Thị Kim Thanh gây thương tích 24%, hai người khác mỗi người 2%. Sau khi gây án, Thạch bỏ trốn. Ngày 14-3-2015, CQĐT Công an TP Nha Trang ra lệnh truy nã đối với Thạch.

Xử sơ thẩm vụ án trên hồi tháng 8-2016 (khi Thạch đang bỏ trốn), HĐXX TAND TP Nha Trang do thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiếu làm chủ tọa nhận định: Các bị cáo phạm tội có tính đồng phạm giản đơn, mang tính bột phát, không có dự mưu từ trước, do thiếu kiềm chế nên cùng tham gia hành hung người bị hại. Trong đó, thương tích nặng nhất làm cơ sở cho việc định khung tăng nặng ở khoản 2 Điều 104 BLHS là của chị Thanh nhưng vai trò chính gây thương tích đối với người bị hại này thuộc về Phan Huy Thạch đã bỏ trốn. TAND TP Nha Trang tuyên phạt năm bị cáo với mức án 17-18 tháng tù (tương đương với thời gian bị tạm giam).

Sau đó, Thạch bị bắt theo lệnh truy nã. Tại phiên tòa ngày 5-7-2017, HĐXX TAND TP Nha Trang (cũng do thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiếu làm chủ tọa) đã tuyên phạt Thạch hai năm sáu tháng án treo về tội cố ý gây thương tích.

Bản án sơ thẩm này không có kháng cáo, không bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc cho hưởng án treo như vậy là không đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Hủy bản án cho hưởng án treo trái luật

Sau gần một năm bản án sơ thẩm (xử bị cáo Thạch) có hiệu lực, ngày 2-5-2018, viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm bản án này. Theo đó, VKS đề nghị TAND cùng cấp hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại đối với Thạch theo hướng không cho bị cáo này hưởng án treo.

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, trong vụ án trên, Thạch có hành vi nguy hiểm, thể hiện tính côn đồ hung hãn. Bị cáo này đã dùng vỏ chai bia, ly thủy tinh đâm thẳng từ trên xuống mặt chị Thanh và dùng micro đánh, ném vào đầu chị Thanh, gây thương tích 24%. Kết quả giám định pháp y xác định năm vết sẹo vùng mặt ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 20%; năm vết sẹo vùng đầu, môi, sẹo liền, tỉ lệ thương tật 5%. Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 24%. VKSND TP Nha Trang quyết định truy tố Thạch theo khoản 2 Điều 104 BLHS, có khung hình phạt 2-7 năm tù là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngày 26-11-2018, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKSND cùng cấp, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.

Trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng vụ án trên có sáu bị cáo, tuy bị xét xử ở những thời điểm khác nhau nhưng cùng về tội cố ý gây thương tích. Trong đó, bị cáo Thạch là người giữ vai trò chính, khởi xướng việc đánh nhau nên thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị. Hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ, thực hiện tội phạm quyết liệt hơn các bị cáo khác. Sau khi gây án, Thạch bỏ trốn khỏi địa phương, phải truy nã, gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án. Thế nhưng khi xét xử, tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 60 BLHS 1999, xử phạt Thạch hai năm sáu tháng án treo là chưa nghiêm minh, không đúng với hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 ngày 6-11-2013 của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao áp dụng Điều 60 BLHS về án treo.

Cần xử lý trách nhiệm của thẩm phán

Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm đến các VKS trong khu vực, lãnh đạo tòa án hai cấp của tỉnh Khánh Hòa cần chấn chỉnh việc áp dụng pháp luật không đúng quy định của BLHS, không đúng nghị quyết của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng án treo. Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét trách nhiệm của thẩm phán đã ban hành bản án cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định, gây dư luận xấu. Có như vậy mới nâng cao uy tín, chất lượng xét xử của đội ngũ thẩm phán xét xử án hình sự, đặc biệt là việc xét xử các loại tội phạm cố ý gây thương tích, giết người đang có chiều hướng gia tăng trong tình hình hiện nay.

Được biết ngày 19-6-2017, chánh án TAND Tối cao từng ban hành Quyết định số 120/QĐ kèm quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND. Theo đó, trong một năm công tác, thẩm phán áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật đối với một bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc một bị cáo phạm tội khác nhưng gây dư luận xấu có thể bị xử lý bằng việc bố trí làm công việc khác. Hoặc thẩm phán này cũng có thể bị xử lý bằng hình thức chưa hay không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ, tùy mức độ vi phạm.

Có ý kiến cho rằng trong quá trình xem xét trách nhiệm của thẩm phán, nếu phát hiện việc áp dụng pháp luật có tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ, thẩm phán vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc xử lý hình sự về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

HOÀI QUỐC

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bi-cao-chinh-duoc-an-treo-dong-pham-bi-tu-giam-831172.html