Bị cáo Đỗ Thị Nhàn đề xuất dùng giải pháp kinh tế để xử lý sai phạm tại SCB
Theo HĐXX, bị cáo Đỗ Thị Nhàn thay vì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý và báo cáo cấp trên để xử lý theo quy định thì lại đề xuất xử lý bằng giải pháp kinh tế.
Ngày 11-4, TAND TP.HCM bắt đầu tuyên án vụ Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
HĐXX tiếp tục tuyên án với phần nhận định hành vi phạm tội của các thành viên trong đoàn thanh tra.
Theo đó, đối với các thành viên trong đoàn thanh tra, mặc dù kết quả thanh tra tại ngân hàng SCB là rất xấu nhưng Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc NHNN) và Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN) đã chỉ đạo các bị cáo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4, nhóm 5 đối với ba dự án: Mũi Đèn Đỏ; dự án 6A; dự án Royal Garden, với tổng dư nợ 37.900 tỉ đồng.
Các chỉ tiêu tài chính của Ngân hàng SCB đã bị thay đổi, sai lệch. Cụ thể, nợ xấu từ chiếm tỷ lệ 35,87% xuống còn 20,92%; vốn chủ sở hữu từ -19.154,130 tỉ đồng thành +2.757,443 tỉ đồng...
Với thực trạng tài chính của ngân hàng SCB, qua kết quả thanh tra có đề xuất đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, khi trình lên Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của NHNN để báo cáo Chính phủ.
Theo HĐXX, trong và sau khi thanh tra, tất cả các thành viên trong đoàn thanh tra đều nhận lợi ích vật chất từ SCB, với số tiền nhận từ 40 triệu đồng đến 390.000 USD.
Đối với các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra, HĐXX nhận định các bị cáo có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính Phủ và ra Kết luận thanh tra theo hướng: Không đưa ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế, dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của ngân hàng SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến hậu quả tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan cho vay lũy tiến nhiều năm liền dẫn đến tổng dự nợ 677.286 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.
Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, HĐXX nhận định bà Nhàn đã lợi dụng chức vụ là trưởng đoàn thanh tra, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn hai lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan để trao đổi kết quả hai lần thanh tra. Bị cáo Nhàn đã tổng cộng bốn lần nhận tiền từ Võ Tấn Hoàng Văn với số tiền 5,2 triệu USD. Lời khai của các cá nhân liên quan, tài liệu, chứng cứ đều phù hợp về thời gian, số lượng và địa điểm giao nhận tiền.
Theo HĐXX, bị cáo Đỗ Thị Nhàn là người chủ trì dự thảo kết luận thanh tra theo hướng không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Hành vi không đưa ra các kiến nghị đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt và chuyển cơ quan điều tra xử lý là phương thức để bị cáo Nhàn nhận số tiền 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan. Bản thân bị cáo là trưởng đoàn thanh tra lẽ ra khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý và báo cáo người ra quyết định thanh tra để xử lý theo quy định nhưng bị cáo lại đề xuất ưu tiên xử lý theo giải pháp kinh tế.
Hành vi nhận tiền của bị cáo Nhàn có mối quan hệ nhân quả với những báo cáo không trung thực, bao che sai phạm của bị cáo này.
"Từ đó có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội nhận hối lộ", HĐXX tuyên án.
HỮU ĐĂNG
SONG MAI