Bị cáo Đồng Xuân Thụ phủ nhận chỉ đạo phóng viên đi ép buộc doanh nghiệp
Trong phần xét hỏi, nguyên tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị phủ nhận việc chỉ đạo cho phóng viên đi ép buộc doanh nghiệp.
Chiều 23-7, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 44 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục phần xét hỏi.

Quang cảnh phiên tòa
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xét hỏi bị cáo Đồng Xuân Thụ, nguyên tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, về việc quản lý, chỉ đạo hoạt động của tạp chí.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đồng Xuân Thụ cho biết cá nhân bị cáo chỉ đạo, quán triệt chung về chuyên môn nghiệp vụ công tác báo chí, kinh tế báo chí. Trong đó, có những tin bài tích cực và phản ánh theo đúng tôn chỉ mục đích của tạp chí.
Khi được hỏi về 84 vụ cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Thụ nói bị cáo không chỉ đạo cho phóng viên đi ép buộc doanh nghiệp, chỉ đến khi có kết luận điều tra, bị cáo mới biết có nhiều vụ việc như vậy.
Nguyên tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị cũng xin nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu tạp chí, cũng như xin nhận phán quyết của tòa và xin HĐXX giảm án cho mình và các bị cáo khác.
Khi HĐXX hỏi về việc ăn chia tỉ lệ phần trăm các hợp đồng "Cây chổi vàng", "Vẽ tranh cho thiếu nhi" hoặc hợp đồng truyền thông, bị cáo Thụ khai khi có tiền về thì sẽ trích cho các ban, kế toán của tạp chí sẽ trình phương án lên cho Thụ, bị cáo sẽ xem xét quyết định chuyển về cho ban, văn phòng bao nhiêu.
HĐXX hỏi bị cáo Thụ về việc sau khi tạp chí đăng bài về vi phạm của cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thì tạp chí có làm tiếp hay không? Bị cáo Thụ khai nhận, vẫn tiếp tục làm bài và chỉ xem xét dừng không làm thêm bài khi phóng viên có báo cáo đơn vị này đã cam kết khắc phục hậu quả, hoặc đơn vị có đơn đã khắc phục hậu quả. Khi đơn vị đó tiếp tục vi phạm, cá nhân bị cáo chỉ đạo phóng viên tiếp tục viết bài để đăng.

Bị cáo Đồng Xuân Thụ tại phần xét hỏi
Bị cáo Thụ cũng cho rằng số tiền các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ là do phóng viên tạp chí trực tiếp thực hiện, khi đã ủng hộ rồi sẽ xem xét rút bài đã đăng.
Cũng tại phần xét hỏi, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị, có biết việc chia phần trăm khi người bị hại chuyển tiền đến tạp chí này không? Bị cáo Hồng khai nhận đều biết.
Theo khai nhận của bị cáo Hồng, trong 84 vụ nêu trong cáo trạng, bị cáo Hồng có tham gia gỡ hơn 10 bài viết và không nhớ duyệt đăng bao nhiêu.
Cũng tại phần xét hỏi, khi được HĐXX hỏi về việc có biết chủ trương viết bài thu tiền về cho tạp chí hay không, bị cáo Cao Thị Thu Hường, Kế toán tạp chí Môi trường và Đô thị, khai chỉ biết thu tiền và chuyển doanh thu về cho tạp chí. Khi các đơn vị chuyển tiền, nộp tiền, hoặc các phóng viên chuyển tiền thì Hường sẽ làm phiếu thu.
Cuối tháng Hường sẽ báo cáo lại với Tổng biên tập. Tỉ lệ phần trăm chia cho các ban, văn phòng đại diện sẽ do Tổng biên tập quy định và có nhiều mức chia khác nhau, nhưng phần nhiều là 50-50. Còn nếu phóng viên Ban điện tử đi làm thì chuyển trực tiếp cho phóng viên.
Hường khai nhận ngoài lương do tạp chí trả thì Hường không được hưởng bất kỳ khoản chi nào khác trong 84 vụ án nêu trong cáo trạng.

Bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng tại phần xét hỏi
Đối với bị cáo Bùi Văn Toàn, Trưởng Ban Kinh tế của tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Toàn khai nhận làm việc ở tạp chí từ năm 2020, đến năm 2021, Toàn được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh tế.
Khai nhận với HĐXX về 42 vụ nêu trong cáo trạng mà Toàn có liên quan, Toàn cho biết có những vụ việc Toàn trực tiếp tham gia, có vụ việc gián tiếp và có vụ việc bị động.
HĐXX đã nêu một số vụ việc điển hình như vụ việc của ông P.T.V. (trú huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cũ), ủng hộ chương trình "Cây chổi vàng" số tiền 200 triệu đồng, ngoài ra ông V. còn phải đưa 50 triệu đồng tiền "cảm ơn" cho nhóm của Toàn. Toàn thừa nhận có tham gia trực tiếp vụ việc này.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày. Ngày mai, tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.