Bị cáo Trần Duy Đông khai nhận không biết ai ở Xuyên Việt Oil
Bị cáo Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khai nhận không quen biết ai ở Công ty Xuyên Việt Oil. Việc cấp lại giấy phép do Hoàng Anh Tuấn thực hiện.
Chiều ngày 21/11, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo của các luật sư.
Trong quá trình trả lời xét hỏi, bị cáo Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khẳng định không quen biết ai ở Công ty Xuyên Việt Oil. Bị cáo chỉ gặp Nguyễn Văn Thắng (Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Xuyên Việt Oil) khi Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng) giới thiệu và nói Thắng có gửi một chút quà cho mình.
Theo bị cáo Đông, việc xem xét hồ sơ và cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil là do Hoàng Anh Tuấn thực hiện.
Tại tòa, bị cáo Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng đã nêu. Bị cáo cũng thừa nhận không kiểm tra đầy đủ các cơ sở kinh doanh của Xuyên Việt Oil.
Giải thích về việc này, bị cáo Tuấn cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, nên không thể tiến hành kiểm tra, nhưng vẫn đề xuất cấp trên cấp giấy phép cho doanh nghiệp của bà Hạnh.
Theo cáo trạng, để được Bộ Công thương cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu và che giấu các sai phạm, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) cùng đồng phạm đã đưa hối lộ tổng cộng 1,315 triệu USD (tương đương hơn 30,2 tỷ đồng) và 900 triệu đồng tiền mặt cho 8 cựu quan chức.
Trong số này, Hạnh đã đưa hối lộ cho các cựu lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước tổng cộng 315.000 USD (hơn 7,1 tỷ đồng).
Bị cáo Hạnh thông qua Nguyễn Lộc An đã liên lạc nhờ ông Đỗ Thắng Hải giúp đỡ và được giới thiệu gặp Hoàng Anh Tuấn. Tuấn sau đó báo cáo lại việc này với Trần Duy Đông, và cả hai thống nhất sẽ tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Vào ngày 17/6/2021, bà Hạnh đã đưa 10.000 USD cho Nguyễn Văn Thắng với yêu cầu chuyển số tiền này cho Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên, khi gặp nhau, Thắng chỉ đưa 5.000 USD, phần còn lại 5.000 USD được chuyển vào quỹ của Chi nhánh Hà Nội, Công ty Xuyên Việt Oil.
Một tuần sau, Thắng nộp hồ sơ của Xuyên Việt Oil, nhưng Hoàng Anh Tuấn sau đó ký thông báo về việc chưa chấp thuận cấp lại giấy phép, do hồ sơ chưa đáp ứng đủ các điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định. Vì vậy, Hạnh lại liên lạc với Tuấn để nhờ giúp đỡ và được hướng dẫn hoàn thiện thủ tục.
Sau đó, Công ty Xuyên Việt Oil mua thêm một doanh nghiệp khác để đạt đủ số lượng đại lý bán lẻ theo yêu cầu cấp phép và nộp lại hồ sơ. Đồng thời, bị cáo Hạnh đưa cho Thắng 300.000 USD để hối lộ, nhằm giúp hồ sơ được thông qua.
Tuy nhiên, bị cáo Thắng giữ lại 50.000 USD và chỉ mang 250.000 USD đến phòng làm việc của Trần Duy Đông. Sau khi Thắng rời đi, Đông và Tuấn, đã chia nhau số tiền này.
Vào tháng 11/2021, Bộ Công thương tổ chức đoàn kiểm tra do Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn để kiểm tra điều kiện cấp phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Trong lần kiểm tra này, bị cáo Hạnh đã chỉ đạo hối lộ Tuấn 10.000 USD. Nhờ vậy, Công ty Xuyên Việt Oil đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn và được cấp giấy phép kinh doanh đến năm 2026.
Về hành vi đưa hối lộ cho các quan chức, Mai Thị Hồng Hạnh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Đối với các sai phạm liên quan đến việc thất thoát tiền trong Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bà Hạnh, với vai trò là người đứng đầu công ty, cũng thừa nhận toàn bộ hành vi và trách nhiệm của mình, đồng thời từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư liên quan đến hành vi này.
Ngoài ra, về việc bồi thường thiệt hại, bị cáo Hạnh khẳng định sẽ khắc phục hậu quả về trách nhiệm của mình và cả trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Xuyên Việt Oil).