Bị cáo Trần Quí Thanh và 2 con gái thừa nhận cho bị hại vay tiền
Tại phiên tòa sáng 24/4, bị cáo Trần Quí Thanh và 2 con gái thừa nhận, giao dịch giữa các bị cáo và 4 bị hại là giao dịch cho vay chứ không phải mua bán tài sản.
Ngày 24/4, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do bị cáo Trần Quí Thanh (SN 1953, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và 2 con gái là bị cáo Trần Uyên Phương (SN 1981, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và Trần Ngọc Bích (SN 1984) thực hiện.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Quí Thanh và 2 con gái cho biết, đã nhận thức được hành vi của mình và đồng ý hủy các giao dịch mua bán đất đai.
Về nguồn tiền để mua các bất động sản, dự án, bị cáo Thanh khai đó là tiền của gia đình, tiền cá nhân chứ không phải của công ty. Khi có người vay, bị cáo Thanh chỉ thẩm định tính pháp lý của giấy tờ thế chấp chứ không có thời gian để kiểm tra thực tế.
“Khi các bị hại muốn mua lại các bất động sản thì sao?”, đại diện VKS hỏi. Bị cáo Thanh nói, luôn sẵn sàng bán cho bị hại nếu họ có nhu cầu mua lại vì bị cáo là người kinh doanh tài sản, bán lại cho các bị hại thì đỡ tốn tiền môi giới".
Theo VKS, tại cơ quan điều tra, bị cáo Thanh khai mình nhận chuyển nhượng lại các bất động sản của 4 bị hại. Tuy nhiên tại tòa, căn cứ vào lời khai của những người khác, đủ cơ sở xác định giao dịch giữa bị cáo Thanh và các bị hại là giao dịch cho vay.
“Giờ bị cáo nhận thức bị cáo cho vay lấy lãi hay bị cáo vẫn cho rằng mình mua bán tài sản?”, đại diện VKS hỏi. Bị cáo Thanh đáp: “Ý thức ban đầu của bị cáo là mua bán tài sản, nhưng khi nghe HĐXX giải thích thì bị cáo nhận thức được trách nhiệm nên đồng ý với nhận định của HĐXX”.
Tương tự, bị cáo Trần Uyên Phương nói giúp bị cáo Thanh trong việc cho vay lấy lãi và thừa nhận cáo trạng quy kết là đúng.
Cũng trong phần xét hỏi, đại diện VKS nêu các yêu cầu của bị hại Đặng Thị Kim Oanh, cụ thể: Yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả một lần, đầy đủ và toàn bộ 100% cổ phần Công ty Minh Thành; toàn bộ dự án khu dân cư - dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai; Toàn bộ dự án khu dân cư Nhơn Thành tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Thuận Lợi;
Các hồ sơ, tài liệu liên quan Công ty Minh Thành, dự án Minh Thành, dự án Nhơn Thành và thiệt hại do mất “cơ hội phát triển kinh doanh” tính từ thời điểm tài sản bị chiếm đoạt cho đến khi đưa vụ án ra xét xử là 531 tỷ đồng.
Sau khi nêu, đại diện VKS hỏi bị cáo Thanh có đồng ý với yêu cầu này của bà Oanh hay không?. Bị cáo Thanh đồng ý với đề xuất của của bị hại Kim Oanh, còn về số tiền cụ thể, bị cáo đề nghị giải quyết theo pháp luật.
Kiểm sát viên: “Có thể sẽ xem xét xử lý ông Phú về hành vi khai báo gian dối”
Liên quan đến hành vi của những người môi giới, đại diện VKS hỏi ông Nguyễn Hoàng Phú (người môi giới cho ông Lâm Sơn Hoàng và bà Đặng Thị Kim Oanh gặp bị cáo Trần Quí Thanh) về việc tại sao có sự mâu thuẫn lời khai của ông Phú tại cơ quan điều tra và tại tòa.
Trả lời, ông Phú khẳng định lời khai tại tòa là chính xác. Lý giải, ông Phú cho rằng quá trình điều tra được các điều tra viên hỏi rất nhiều câu hỏi nên không thể nhớ rõ mình đã khai gì.
Không đồng tình với câu trả lời của ông Phú, kiểm sát viên dẫn ra một loạt lời khai của ông Phú tại cơ quan điều tra và cho biết, lời khai của ông Phú tại cơ quan điều tra và tại tòa khác nhau về bản chất.
Lúc này, ông Phú nói mình môi giới cho ông Lâm Sơn Hoàng và bà Đặng Thị Kim Oanh gặp bị cáo Thanh và không biết, không quan tâm đến giao dịch giữa các cá nhân này là mua bán hay vay mượn. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông mới biết đây là quan hệ vay mượn.
Trước lời khai này, đại diện VKS cho biết có thể sẽ xem xét xử lý ông Phú về hành vi khai báo gian dối.