Bị cắt điện đột ngột, doanh nghiệp ngành nhôm 'không kịp trở tay'
Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) ngành nhôm, tình trạng cắt điện liên tục và cắt điện đột ngột không báo trước từ cuối tháng 5 đến nay khiến họ 'không kịp trở tay', ảnh hưởng đến sản phẩm hàng hóa, tiến độ sản xuất kinh doanh...
Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phản ánh tình trạng thiếu điện cung ứng cho sản xuất và kiến nghị của ngành nhôm.
VAA cho biết, năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với các DN sản xuất. Nhu cầu thị trường giảm mạnh khiến các DN ngành nhôm đang hoạt động ở mức 30-40% công suất để trả những đơn hàng ít ỏi và duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đến nay, hiện tượng cắt điện xảy ra thường xuyên, liên tục gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nói chung và DN sản xuất nhôm nói riêng. Đặc biệt, do đặc thù của ngành sản xuất kim loại, việc cắt điện đột ngột ở các địa phương thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn cho các DN luyện kim và sản xuất chế tạo kim loại, trong đó có ngành nhôm.
Theo phản ánh của các DN sản xuất nhôm, hầu hết các địa phương khu vực phía Bắc đều có hiện tượng cắt điện đột ngột với lý do “quá tải, cần cắt điện để bảo đảm an toàn hệ thống...”. Việc mất điện đột ngột khiến cho các dây chuyền sản xuất dở dang bị dừng đột ngột, sản phẩm bị hư hỏng không thể khắc phục, không đáp ứng chất lượng để cung cấp ra thị trường.
Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến sản phẩm hàng hóa, tiến độ sản xuất kinh doanh mà còn gây thiệt hại lớn cho DN. DN phải đền bù do chậm đơn thậm chí bị mất đơn hàng, thiệt hại về nguyên liệu dở dang, thiệt hại do hỏng hóc máy móc thiết bị và đe dọa lớn đến an toàn lao động...
Do đặc thù của ngành sản xuất kim loại luôn cần điện cung ứng liên tục nhưng thực tế có địa phương chỉ cung ứng điện 1 buổi/ngày, không bảo đảm thời gian để sản xuất nấu luyện một mẻ hợp kim từ 4-6 tiếng tùy công nghệ, chưa tính thời gian khởi động làm nóng lò luyện kim. Do vậy, DN phải đóng lò, ngừng sản xuất để tránh thiệt hại.
Thêm vào đó, thông tin cắt điện thường được báo muộn vào chiều hoặc tối hôm trước khi cắt điện, khiến DN "không kịp trở tay", gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa của DN.
Trước thực trạng này, VAA cho rằng, để giảm thiệt hại cho sản xuất trước mắt, ngành điện cần phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn để đưa ra dự báo về thời tiết các khu vực. Từ đó có kế hoạch điều tiết điện để tránh quá tải trong ngắn hạn 3-5 ngày, tuyệt đối không cắt điện sản xuất đột ngột.
Đề nghị các đơn vị phân phối điện ưu tiên cung ứng điện cho sản xuất, đặc biệt là ngành sản xuất kim loại. Trường hợp cần giảm tải khẩn cấp thì nên trao đổi với DN, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có phương án cắt điện linh hoạt ở một số trạm điện trong DN, không nên cắt toàn bộ nguồn cung khiến DN phải dừng sản xuất.
Các đơn vị phân phối điện khi cắt điện cần có thông báo trước với khách hàng bằng tin nhắn khẩn hoặc gọi điện nhưng sau đó phải hoàn thiện lại bằng văn bản để các đơn vị cân đối điều chỉnh kế hoạch sản xuất và thông tin lý do đơn hàng chậm tới khách hàng nhằm chia sẻ rủi ro này.
Về phía các DN sản xuất, VAA kêu gọi triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý và đơn vị cung ứng điện địa phương để cân đối lịch sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Hiện tượng thiếu điện sẽ còn kéo dài, DN cần chủ động trao đổi với khách hàng để chia sẻ hài hòa những rủi ro do chậm đơn hàng, thiệt hại hàng hóa có thể xảy ra.
Tăng cường thông tin, hướng dẫn người lao động để bảo đảm an toàn sản xuất khi mất điện đột ngột xảy ra, đặc biệt tại các khu vực lò luyện kim, máy đùn, máy đúc kim loại...
VAA mong muốn Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, EVN và các cơ quan liên quan xem xét, cung ứng điện cho sản xuất hàng hóa nói chung và cho ngành nhôm nói riêng được đầy đủ, hài hòa, thuận lợi, giúp DN duy trì sản xuất, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế và an toàn sản xuất.
Mới đây, trong công văn hỏa tốc gửi tới EVN, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, 3 hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển và logistics cũng phản ánh tình trạng các DN trong ngành tại Hải Phòng gặp khó khăn, thiệt hại do thường xuyên bị mất điện do sự cố và cắt điện luân phiên.
Theo 3 hiệp hội, việc cắt điện thời gian qua đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro DN phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng. Đồng thời làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng…