Bị chân dài chân ngắn: có hay không sai sót phẫu thuật thay khớp háng?

Trước những lùm xùm của dư luận xã hội về hậu phẫu thuật thay khớp háng, chân bệnh nhân phẫu thuật dài hơn 4cm so với chân không phẫu thuật, Sở Y tế thành phố Hải Phòng vào cuộc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã lập hội đồng chuyên môn mời các giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ đầu ngành ở tuyến Trung ương xác định nguyên nhân, có hay không sai sót chuyên môn kỹ thuật của kip mổ và đưa ra giải pháp y khoa.

Hội đồng chuyên môn nói gì?

Trước sự việc trên, ngày 3/3/2022, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã mời các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành về xương khớp về để đánh giá nguyên nhân, xác định chuyên môn. Hội đồng chuyên môn do GS-TS-BS. Phạm Minh Thông - Phó Giám Đốc Bệnh viện Bạch Mai - Chủ tịch Hội Điện quang và Y Học Hạt nhân Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng và chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp các thành viên xác định : Bệnh nhân Trần Thị Mai A, nữ 63 tuổi, địa chỉ: Số XX Trần Nguyên Hãn, Cát Dài, Lê Chân, TP. Hải Phòng, vào viện ngày 28/01/2022 vì sau tai nạn sinh hoạt. Bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán: Gãy cổ xương đùi trái, tiên lượng nặng, Xử trí: Nhập viện xét phẫu thuật thay khớp háng trái. Ngày 29/01/2022, bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng trái.

Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo quy định, phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, không có các tai biến lớn xuất hiện như tử vong, chảy máu, nhiễm trùng. Hiện vết mổ đã được cắt chỉ. Sức khỏe bệnh nhân ổn định và bước vào thời kỳ tập phục hồi chức năng.

Với độ mở khớp háng phải ( tự nhiên) là 120,48° và khớp háng trái (nhân tạo) 132,87°, cộng với độ nghiêng của 2 khớp không đồng đều là nguyên nhân dẫn đến chân trái bị dài hơn chân phải sau phẫu thuật.

Với độ mở khớp háng phải ( tự nhiên) là 120,48° và khớp háng trái (nhân tạo) 132,87°, cộng với độ nghiêng của 2 khớp không đồng đều là nguyên nhân dẫn đến chân trái bị dài hơn chân phải sau phẫu thuật.

Tại Hội đồng ngày 3/3/2022 cũng xác định: Sau phẫu thuật, bệnh nhân tự đo thấy chân trái dài hơn chân phải 4 cm. Sau phẫu thuật, ngày 12/02/2022, Bệnh viện đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính 2 chi dưới và kết quả đo thực tế trên hình ảnh chụp CT Scanner là 1,9 cm.

Tại cuộc họp này, BSCKII. Đoàn Việt Quân - Trưởng khoa Phẫu thuật chi dưới, Phó Viện Trưởng Viện Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: Lý do chân dài là do góc ổ khớp bệnh nhân chỉ có 120,48 độ, trong khi đó góc ổ khớp nhân tạo132,87°. Do góc ổ khớp háng có sự chênh lệch về độ mở làm cho chân dài thêm 1cm.

Hướng điều trị tiếp theo: Có thể phẫu thuật thay chuôi khác hoặc cắt bớt xương đùi, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp, nguy cơ gãy xương cao, phẫu thuật năng nề. Do vậy, tốt nhất là chưa nghĩ đến phẫu thuật lại ngay mà tiếp tục tập phục hồi chức năng. Cần phối hợp giữa bệnh viện và bệnh nhân để bệnh nhân ổn định về tâm lý, tin tưởng phối hợp tập PHCN. Về phương pháp phẫu thuật cũ và mới: Mặt lâm sàng không có ảnh hưởng gì, không ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Theo khuyến cáo bệnh nhân sau thay khớp háng vẫn có thể thực hiện các động tác ngồi xổm, khoanh chân nhưng nên hạn chế.

Còn TS-BS. Mai Đắc Việt - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật khớp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bổ sung: Bệnh nhân cảm giác căng chân do góc ổ khớp nhân tạo rộng hơn do nghiêng khung chậu, co kéo phần mềm nên khớp dài hơn. Nếu thay lại, phẫu thuật lại sẽ giảm nguy cơ. Tuy nhiên đạt được nguyện vọng của bệnh nhân là rất khó khăn. Do đó giai đoạn này nên để bệnh nhân tập phục hồi chức năng.

Theo TS-BSCKII Lê Thanh Tùng - Trưởng Khoa Ngoại Chấn Thương Chỉnh Hình Và Tạo Hình - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học thể thao Việt Nam: Sau phẫu thuật có tình trạng đau do có rút cơ, hiện tại cũng chưa thể đánh giá chính xác chênh lệch là bao nhiêu. Do đó, quan trọng nhất là bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng tăng cường hơn, để đảm bảo cơ lực tốt hơn. Sau 3 tháng đánh giá lại xem khớp háng có phù hợp với bệnh nhân không và xác định chính xác độ dài chi, quyết định phương án điều trị tiếp có nên can thiệp tiếp chân trái hoặc chân phải hay không. Tập phục hồi chức năng ở đâu cũng là như nhau, bệnh viện nên mời chuyên gia đầu ngành về PHCN để hướng dẫn bệnh nhân tập tại bệnh viện.

Trước những ý kiến về chuyên môn, ông Tô Ngọc Kim là đại diện người nhà bệnh nhân cho rằng: Tâm lý bệnh nhân còn hoảng loạn, lo lắng, bệnh nhân và gia đình cũng mong muốn sau phẫu thuật bệnh nhân hồi phục ổn định. Nhờ các chuyên gia tìm kiếm phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân để hồi phục chức năng. Cùng với ý kiến của ông Kim, ông Nguyễn Thế Hà cũng là đại diện người nhà bệnh nhân đề nghị: Bệnh viện sẽ đồng hành tìm cơ sở tập PHCN đủ điều kiện để điều trị tiếp cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Trần Thị Mai A đang cung cấp thông tin cho phóng viên.

Bệnh nhân Trần Thị Mai A đang cung cấp thông tin cho phóng viên.

Cuộc họp chuyên môn kết luận: Đây là một biến cố có thể gặp trong phẫu thuật thay khớp háng. Tập phục hồi chức năng trong vòng 2-3 tháng. Hội đồng khám, đánh giá lại và đưa ra hướng điều trị.

Sở Y tế vào cuộc và Bệnh viện lý giải.

Ngày 14/04/2022, đại diện lãnh đạo sở Y tế Hải Phòng cho phóng viên VnBusiness biết: Trước những lùm xùm liên quan ca phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân nữ Trần Thị Mai A, 63 tuổi ở BVĐK quốc tế Hải Phòng gây xôn xao dư luận, Sở Y tế Hải Phòng đã ra quyết định số 380 ngày 23/3/2022 lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá về sai sót chuyên môn (nếu có). Hội đồng chuyên môn có sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ đầu ngành từ các bệnh viện tuyến Trung ương, gồm Giám đốc trung tâm Điện quang của Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng, phó khoa phẫu thuật khớp của Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Y học thể thao Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và các phòng ban quản lý chuyên môn của Sở Y tế Hải Phòng.

Quyết định của Sở Y tế Hải Phòng thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá kíp mổ.

Quyết định của Sở Y tế Hải Phòng thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá kíp mổ.

Qua kiểm tra, hội đồng chuyên môn đều đánh giá, ca mổ không có sai sót về chuyên môn kỹ thuật vì chỏm, chuôi khớp được đặt đúng vị trí, cơ đã lành, không bị nhiễm trùng… Tuy nhiên, việc sau phẫu thuật 1 chân bị lệch là sự cố y khoa ngoài ý muốn, không thành công như kỳ vọng dẫn đến gây sốc cho tâm lý người bệnh. Theo các nhà chuyên môn trong hội đồng: Trên thế giới, tỉ lệ bệnh nhân sau thay khớp háng bị lệch chi ở một số báo cáo lên tới 30%, độ lệch từ 1-7 cm. Đối với bệnh nhân Trần Thị Mai A, sau phẫu thuật, 1 chi bị lệch 2,3cm, chúng tôi đánh giá đây là sự cố y khoa ngoài ý muốn.

Các chuyên gia đầu ngành của hội đồng cũng đề nghị bệnh viện tiếp tục phối hợp với bệnh nhân duy trì tập luyện phục hồi chức năng đủ 3 tháng. Sau 3 tháng phục hồi chức năng, sẽ khám, đánh giá lại thực trạng bệnh và đưa ra hướng xử lý tiếp theo, vị đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng thông tin.

Cũng trong ngày 14/4/2022, làm việc với phóng viên VnBusiness, PGS, TS, BS Nguyễn Thanh Hồi – Giám đốc BVĐK Quốc tế Hải Phòng giải thích: Sự việc chân ngắn, chân dài sau phẫu thuật thay khớp háng là có, trên thế giới có báo cáo vẫn phải chấp nhận sự việc này khoảng từ 5- 30%.

Ông Hồi lý giải: Khớp háng của bất cứ ai là khớp háng tự nhiên, nhưng khớp háng được thay lắp là khớp háng nhân tạo, có sẵn trên thị trường, không thể sản xuất đơn chiếc theo đặt hàng từng cá thể. Trên thị trường hiện nay không thể có khớp háng nhân tạo có các thông số như: độ dài, độ mở, đường kính ống xương trùng khớp với độ mở của khớp háng tự nhiên. Cụ thể khớp háng của bệnh nhân Trần Thị Mai A chúng tôi đã chọn là một trong loại tốt nhất, do Pháp sản xuất. Nhưng do độ mở khớp háng của bệnh nhân Trần Thị Mai A là 120,48°, trong khi khớp háng nhân tạo có độ mở 132,87°. Vì độ mở khác nhau, dẫn đến chân ngắn, chân dài sau khi thay khớp háng. Tại các cuộc họp đánh giá về chuyên môn đều cho rằng: Không có sai sót về kỹ thuật chuyên môn (chuôi đặt đúng, chỏm đặt đúng, cơ, gân đã lành). Hội đồng cũng đánh giá, nếu làm đúng chuyên môn kỹ thuật mà chân vẫn lệch thì được coi là “biến cố ngoại ý”.

Trước câu hỏi của phóng viên VnBusiness: Hiện bệnh nhân rất khó vận động, chân trái phẫu thuật khó trụ được khi đứng, liệu có việc cắt gân, cắt cơ khớp háng bệnh nhân? Ông Hồi lý giải: Câu hỏi này tôi cũng đã hỏi Hội đồng chuyên môn. Theo đó, khi phẫu thuật mở để lấy khớp háng gãy ra và thay khớp háng nhân tạo vào, bác sĩ có quyền chọn phương pháp thực hiện sao có hiệu quả nhất. Để có đường vào thay khớp háng, bác sĩ bắt buộc phải “mở đường” phẫu trường thuận lợi bằng rạch qua da cơ, sau đó nối lại, việc đó đã thực hiện kinh điển hàng trăm năm nay ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Việc chân trái bệnh nhân A sau phẫu thuật khó làm chân trụ là do: Sau khi chúng tôi chụp đầu gối còn phát hiện thoái hóa khớp gối do tuổi cao, còn gân và cơ của khớp háng đã lành. Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn, hiện nay, gân và cơ của khớp háng rất khỏe, việc chân trái chưa làm trụ được không phải vì cắt gân, cơ, thay khớp háng.

Cũng theo ông Hồi, trên thị trường, chuôi khớp hiện chỉ có các cỡ 8 – 9 – 10 nhưng trên thực tế, do bệnh nhân là người nhỏ bé, ống xương nhỏ hơn so với xương ống nhân tạo của thị trường nên phần ống tủy của bệnh nhân sẽ không có các kích cỡ như phần chuôi khớp đóng vào. Do đó, trong quá trình đưa chuôi khớp nhân tạo vào ống tủy xương đùi tự nhiên của bệnh nhân, nếu cố tình đóng sâu có thể xuất hiện tình trạng vỡ xương tự nhiên.

Trước biến cố, ông Hồi cho hay: Khi vào viện phẫu thuật, bệnh nhân cũng đã được các bác sỹ tư vấn, giải thích về những rủi ro trong y khoa sau khi thay khớp háng (trong đó có ghi việc có thể gặp biến cố hai chân không bằng nhau) cũng như chất liệu thay và bệnh nhân cũng đã ký cam kết về rủi ro này.

Biên bản của Hội đồng chuyên môn, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành xương khớp.

Biên bản của Hội đồng chuyên môn, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành xương khớp.

Mong muốn của bệnh nhân liệu có đạt được ?

Tại phòng bệnh 71X, BVĐK Quốc tế Hải Phòng, bệnh nhân Trần Thị Mai A vẫn tỏ sự bức xúc, chán nản chia sẻ: Vào ngày 28/01/2022, tôi bị tai nạn sinh hoạt nên vào BVĐK Quốc tế Hải Phòng khám và làm các xét nghiệm.

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán tôi bị gẫy cổ xương đùi trái, tiên lượng nặng cần xử trí thay khớp háng sớm. Sáng 29/1/2022, tôi đã được phẫu thuật thay khớp háng. Tổng số tiền đã nộp 2 lần cho ca phẫu thuật là 140 triệu đồng. Sau phẫu thuật khoảng 4 ngày, tôi phát hiện 2 chân của mình bị lệch nhau (chân trái phẫu thuật dài hơn chân phải khoảng 4cm) nên hoảng hốt, gọi báo ngay cho bệnh viện tìm giải pháp xử lý. Nhưng họ tỏ ra rất thờ ơ, có nhiều câu nói làm tôi bức xúc. Thay vào việc phẫu thuật lại, bệnh viện đã đề nghị bà tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật và bệnh viện tổ chức họp hội đồng chuyên môn đánh giá sai sót kỹ thuật chuyên môn.

Qua kiểm tra, họ đã đánh giá ca mổ không có sai sót chuyên môn, đây là sự cố ngoài ý muốn nên giải pháp đưa ra là tập luyện vật lý trị liệu, đi giày 1 bên đế cao để khắc phục. Trước đánh giá và giải pháp họ đưa ra, tôi thực sự sốc, tuyệt vọng vì không chấp nhận được sự thật này. Giờ, tôi chỉ đề nghị phía bệnh viện làm thế nào để đôi chân của tôi đi lại được bình thường, không bị lệch, tự mình sinh hoạt cá nhân được mà không gặp khó khăn, không có sự trợ giúp của người khác. Tôi sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ để phẫu thuật lại. Nhưng tôi đã tham khảo ý kiến của một số bác sĩ, giáo sư trong và ngoài nước, họ đều nói nếu họ phẫu thuật thì phải phẫu thuật từ đầu, còn hiện tại tất cả đều không dám phẫu thuật lại cho tôi( ?!)

Vũ Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/bi-chan-dai-chan-ngan-co-hay-khong-sai-sot-phau-thuat-thay-khop-hang-1084873.html