Bị chó mèo cắn, người dân An Giang phải qua tỉnh khác tiêm huyết thanh kháng dại
Gần đây, người dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bị chó mèo cắn đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang tiêm ngừa huyết thanh kháng dại thì nơi đây cho biết đã hết thuốc.
Ngày 20/8, ông T. bị mèo cào trúng tay, lo sợ mèo bị bệnh dại nên ông T. chủ động đến CDC tỉnh tiêm ngừa bệnh dại. Tại đây, ông T. được các nhân viên CDC tỉnh tư vấn, do không còn huyết thanh nên chỉ ông qua CDC của Đồng Tháp, Kiên Giang hay thành phố Cần Thơ để tiêm.
Họ cũng tư vấn, khi tiêm xong huyết thanh, 1 tuần sau có thể tiêm vaccine kháng dại ở các cơ sở y tế hay bệnh viện tư nhân tại thành phố Long Xuyên vì CDC tỉnh cũng hết vaccine này. Ông T. đành phải qua Đồng Tháp tiêm ngừa huyết thanh kháng dại.
Nhiều người dân ở gần nhà ông T. biết chuyện đều lo lắng sợ bị chó, mèo cắn. Họ băn khoăn vì sao CDC tỉnh An Giang lại hết huyết thanh kháng dại trong khi các tỉnh lân cận lại có?
Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc CDC tỉnh An Giang, xác nhận, CDC tỉnh không còn huyết thanh kháng dại nên khi người dân bị chó, mèo cắn tìm đến, cán bộ, nhân viên trung tâm tư vấn, chỉ dẫn đi nơi khác tiêm cho kịp thời.
Theo ông Uy, ngay đầu năm xuất hiện dịch bệnh chó dại trên toàn quốc, CDC tỉnh An Giang chưa có huyết thanh kháng dại và vaccine nên đề xuất mua sớm trong lúc chờ đấu thầu.
CDC tỉnh An Giang tập trung mua huyết thanh ngừa bệnh dại vì kỹ thuật tiêm ngừa loại này phức tạp, các phòng mạch, bệnh viện tư ít sử dụng; còn vaccine ngừa dại tiêm bình thường nên các phòng mạch, bệnh viện tư đều có.
Nghị quyết số 04 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang có quy định mức mua sắm trang thiết bị, thuốc của CDC tỉnh không quá 100 triệu đồng nên CDC chỉ xuất được dưới 100 triệu đồng mua 245 lọ huyết thanh kháng dại, 570 lọ vaccine kháng dại.
Một cán bộ của CDC An Giang giải thích thêm, lẽ ra số huyết thanh trên có thể sử dụng tầm 6 tháng, nhưng lúc này huyện Châu Phú đang bùng dịch chó dại nên người dân đến tiêm khá đông.
Vào tháng 3, tại huyện Châu Phú có 2 con chó hoang cắn 7 người dân ở xã Ô Long Vỹ và xã Bình Thủy. Hai con chó này bị bệnh dại tử vong sau đó nên những người bị nó cắn phải tiêm huyết thanh ngừa. Ngoài 2 ổ dịch trên còn vài vụ chó cắn người ở huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu...
Theo thống kê, đến tháng 8, CDC tỉnh An Giang đã tiêm vaccine phòng dại, mũi nhắc lại và mũi dự phòng cho 6.902 trường hợp; tiêm huyết thanh kháng dại 612 trường hợp. Như vậy, mỗi ngày có hàng trăm trường hợp đi tiêm thuốc ngừa bệnh dại.
Tính từ đầu năm đến nay, An Giang có 2 ổ dịch chó dại nhưng chưa có người nào bị chó, mèo dại cắn tử vong. Theo ông Phạm Quang Quốc Uy, trường hợp nghi bị chó dại cắn phải tiêm huyết thanh kháng dại ngay trong 48 giờ, tiêm càng sớm càng tốt. Các trường hợp bị chó dại cắn nhưng chưa tiêm huyết thanh, khi phát dại khả năng sống rất thấp.
Để phòng bệnh dại, ngành y tế cho dán pano tại các trường học, công sở tuyên truyền cách xử lý vết thương khi bị chó hoặc mèo cắn. Theo đó, cần rửa vết thương ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường.
Rửa sạch vết thương bằng cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không được chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Với mức độ nguy hại do chó, mèo dại gây ra như vậy nên người dân An Giang lo lắng thiếu huyết thanh kháng dại cũng là điều dễ hiểu. Việc bị chó dại cắn phải qua tỉnh khác tiêm huyết thanh cũng kèm theo nỗi lo khi các tỉnh đó không còn huyết thanh thì sao?
Vì sao không mua dự trữ huyết thanh sớm? Ông Uy lý giải, do theo quy định, dưới 100 triệu đồng CDC tỉnh tự mua sắm thuốc, còn hợp đồng trị giá từ hơn 100 triệu đồng trở lên phải có Sở Y tế tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
CDC tỉnh đã làm thủ tục đấu thầu mua vaccine các loại trị giá hàng tỷ đồng. Vì gói thầu trị giá lớn, CDC tỉnh tự làm nên công tác tiến hành, thẩm định, thành lập tổ chuyên gia qua nhiều thủ tục nên mua vaccine chậm. CDC đang cố gắng để có thể có vaccine sớm nhất.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, thông tin, trước đó, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo CDC An Giang sớm mua sắm vaccine theo quy định của Luật Đấu thấu 2024 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện, nhưng CDC tỉnh vẫn lo sợ do số tiền 6 tỷ đồng quá lớn nên vẫn thực hiện các bước theo trình tự cũ, làm chậm trễ, thiếu hụt vaccine. Vấn đề này, Sở Y tế sẽ đốc thúc CDC tỉnh giải quyết sớm để người dân yên tâm...
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, tính đến tháng 8/2024, đã tiêm ngừa phòng bệnh dại chó, mèo nuôi được 32.561 con, đạt tỷ lệ 84% so với tổng đàn 38.764 con.
Tính đến tháng 8/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện 38/44 đợt bắt chó thả rong tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng số 169 con, phạt hành chính 7 trường hợp nuôi chó với số tiền hơn 6,5 triệu đồng.