Bị coi rẻ, phụ nữ trong cuộc chiến sinh tồn chưa rõ hồi kết

Một cựu chuyên gia kinh tế của chính phủ Anh đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục về sự định kiến của thị trường với việc để phụ nữ đảm nhiệm các vị trí cao.

Thị trường toàn cầu là một môi trường cạnh tranh tốt để tìm ra giá trị đích thực của nhiều điều. Tuy nhiên, vai trò và giá trị của phụ nữ lại chưa được đánh giá đúng mức.

Trong cuốn sách mới Women Vs Capitalism, tác giả Vicky Pryce đã đưa ra nhận định rằng: “Phụ nữ là một nguồn tài nguyên quý giá, mà giá trị thực sự của họ chưa được khám phá và phản ánh trong các giá trị của thị trường”.

Theo cây viết Rachel Reeves của tờ The Guardian, cuốn sách này giúp độc giả hiểu hơn về sự phân biệt đối xử nặng nề đối với phụ nữ trong sự phát triển của xã hội hiện đại nói chung và trong chủ nghĩa tư bản nói riêng, cùng những điều chúng ta có thể làm để cải thiện thực trạng này.

Chia sẻ về trải nghiệm của bản thân đối với vấn đề này, Rachel nhớ lại thời điểm cô là chuyên gia kinh tế cho Ngân hàng nhà nước Anh. Lúc đó, trong số 37 người làm việc chung với cô, chỉ có 6 phụ nữ. Hai thập kỷ trôi qua, ngân hàng vẫn chưa có một nữ thống đốc nào trong suốt lịch sử hơn 600 năm và chỉ một trong chín thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ là phụ nữ.

Phụ nữ Anh tổ chức mít tinh yêu cầu được đối xử công bằng với tài năng của họ. Ảnh: Shutterstock.

Phụ nữ Anh tổ chức mít tinh yêu cầu được đối xử công bằng với tài năng của họ. Ảnh: Shutterstock.

Dù nhiều điều đang thay đổi, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đang được nữ chuyên gia Kristalina Georgieva dẫn dắt hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng nằm dưới sự lãnh đạo của Janet Yellen dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, nhưng tác giả Pryce cho rằng sự tiến bộ đó rất mong manh.

Nữ giới chịu hàng loạt thiệt thòi

Tại sao phụ nữ không được đảm nhận những công việc hàng đầu? Lí giải câu hỏi này, Pryce cho rằng, so với nam giới, phụ nữ bị thiệt thòi nhiều bởi khoảng thời gian sinh và chăm sóc con cái. Khi phụ nữ nghỉ thai sản và phải san bớt thời gian làm việc cho gia đình, họ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và cơ hội để làm việc trong các dự án lớn. Sau thời kì đó, phụ nữ thường thấy các đồng nghiệp nam của họ nắm giữ được những vị trí quan trọng và họ trở thành nhân viên cho những vị sếp mới này. Tại Anh, khoảng 75% nữ nhân viên có con nhỏ bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, 54 nghìn phụ nữ mất việc do sinh con và khoảng thời gian giảm bớt lượng công việc khiến họ hầu như không được tăng lương.

Cuốn sách dự kiến được ra mắt ngày 10/11 tới. Ảnh: Amazon.

Cuốn sách dự kiến được ra mắt ngày 10/11 tới. Ảnh: Amazon.

Đạo luật trả lương công bằng năm 1970 của nước Anh chưa tìm được câu trả lời nào cho vấn đề này, mặc dù đã giảm bớt được sự phân biệt đối xử trắng trợn. Năm 1970, một công nhân nam trung bình kiếm được gấp đôi phụ nữ. Các báo cáo về chênh lệch mức lương giữa hai giới đã vạch trần sự phân chia giới tính trong thị trường lao động. Về vấn đề, theo tác giả Pryce, cho đến khi các công ty phải đưa ra được giải pháp của họ thì việc chỉ đề xuất chính sách sẽ chưa có nhiều hiệu quả.

Ngoài sự thiệt thòi từ việc làm mẹ, Pryce cũng chỉ ra nhiều thành kiến khác. Sự thật là “mọi người thường ưa thích những người giống mình”. Nếu những người đứng đầu một tổ chức đều là đàn ông, thì sẽ không ngạc nhiên khi họ thuê nhiều nam giới và chủ yếu sử dụng hình ảnh nam giới để quảng bá tổ chức.

Tác giả Vicky Pryce là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế và am hiểu nhiều điều về vị trí của phụ nữ trong nền kinh tế. Ảnh: The Guardian.

Tác giả Vicky Pryce là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế và am hiểu nhiều điều về vị trí của phụ nữ trong nền kinh tế. Ảnh: The Guardian.

Đề cập đến số lượng phụ nữ trong các hội đồng lãnh đạo, tác giả Pryce cũng chỉ ra một vấn đề về tâm lí vẫn đang hiện hữu ở nhiều phòng họp: “Nhiều phụ nữ không muốn gặp rắc rối hay phải chịu áp lực khi ngồi trong hàng ngũ lãnh đạo”.

Hướng tới hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ

Về tổng thể, sự thờ ơ đối với vấn đề này là một thất bại của thị trường lao động và khiến cho xã hội phải trả giá. Tài năng của quá nhiều phụ nữ bị lãng phí khi họ không được đánh giá đúng năng lực, không được đề bạt đúng, hoặc trong nhiều trường hợp, phải rời khỏi thị trường lao động hoàn toàn.

Một số đề xuất mà tác giả Pryce đưa ra là có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ khi họ phải lo công việc gia đình, hỗ trợ các doanh nhân nữ phát triển bằng cách giúp họ tiếp cận tài chính, chi trả minh bạch cho sự đóng góp của phụ nữ và tạo điều kiện để họ làm việc linh hoạt.

Dù vậy, cuốn sách của Pryce vẫn còn thiếu sót khi chưa nghiên cứu kĩ lưỡng về những trải nghiệm của phụ nữ ở tầng đáy thị trường lao động mà chỉ đưa ra số liệu: “61% người lao động được trả lương thấp là phụ nữ”. Ngoài việc nói rằng phụ nữ thường làm những công việc được trả lương thấp hơn, ít tiền hơn (đặc biệt là sau thời gian nghỉ thai sản), tác giả không có nhiều phân tích về lý do tại sao có một số việc thường được coi là “công việc của phụ nữ”, ví dụ như chăm sóc sức khỏe, và những việc này được trả thấp hơn so với “công việc của đàn ông”.

Tác giả cũng chưa làm rõ tại sao phụ nữ dường như thường chọn những phần việc được trả lương thấp nhất trong nền kinh tế. Những cuộc phỏng vấn mà Pryce đưa vào cuốn sách phần lớn là từ những phụ nữ ở tầng lớp trên và thiếu cái nhìn đa dạng tới tầng lớp dưới. Women Vs Capitalism sẽ là một cuốn sách tuyệt vời hơn nữa nếu cảnh đời của những phụ nữ “thấp cổ bé họng” phải nuôi sống gia đình bằng đồng lương ít ỏi của mình được chia sẻ tới độc giả.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bi-coi-re-phu-nu-trong-cuoc-chien-sinh-ton-chua-ro-hoi-ket-post1010626.html