Bị côn trùng đốt, khi nào cần đi khám?

Thông thường, các loài côn trùng khi đốt người chỉ gây những tổn thương ngoài da. Tuy nhiên, với một số trường hợp nặng hơn, người bị đốt cần đi khám để có cách xử lý kịp thời.

 Các loài côn trùng xuất hiện rất nhiều xung quanh con người. Ảnh: Vets.

Các loài côn trùng xuất hiện rất nhiều xung quanh con người. Ảnh: Vets.

Hiện nay, côn trùng có rất nhiều loại, chúng xuất hiện khắp nơi xung quanh con người, như bọ chét ở chó, mèo; các loại mò, ve ở gà và chim. Ngoài ra, côn trùng còn bao gồm muỗi, ong, kiến ba khoang... Chính vì thế, việc xuất hiện tình trạng côn trùng/muỗi đốt là gần như không thể tránh khỏi.

Biểu hiện bị muỗi/côn trùng đốt

Các biểu hiện do côn trùng đốt rất đa dạng, xếp theo mức độ từ nhẹ đến nặng.

Ở mức độ nhẹ, người bị đốt sẽ xuất hiện tình trạng ngứa, nổi các sần phù, sần huyết thanh, mụn nước, sưng nề nhẹ.

Đối với các trường hợp nặng hơn sẽ có các biểu hiện bội nhiễm như sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ, sốt, nổi hạch... Một số trường hợp bệnh nhân dị ứng với côn trùng có thể gây ra các phản ứng mạnh như sốc phản vệ.

Cách xử lý khi côn trùng đốt

Sau khi bị côn trùng đốt, người dân có thể xử lý thông qua những bước sau:

Bước 1: Rửa sạch vết côn trùng đốt
Bước 2: Chườm mát lên vết đốt bằng nước mát, nước đá

Lưu ý:

Không được chà xát hoặc gãi vì việc làm này sẽ gây bể bóng nước.
Nếu có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, viêm kéo dài, người bị đốt phải đến gặp bác sĩ để có các xử lý phối hợp.
Người có tiền sử dị ứng cần đến gặp bác sĩ ngay sau khi bị côn trùng đốt.

Cách phòng ngừa muỗi, côn trùng đốt

Người dân có thể thực hiện các điều sau để hạn chế nguy cơ bị muỗi hoặc côn trùng đốt:

Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh tạo nơi cư ngụ của côn trùng.
Phun thuốc diệt côn trùng/muỗi định kỳ.
Không để nước đọng trên các đồ vật hoặc khu vực xung quanh nhà vì sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Nằm màn để tránh côn trùng/muỗi đốt.
Người thường xuyên làm việc trong rừng phải đi giày, tất và bôi thuốc diệt côn trùng.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo, chim, gà để không bị lây bọ chét, mò, ve...

Lưu ý khi sử dụng thuốc chống muỗi/ côn trùng

Hiện nay, sử dụng thuốc chống muỗi/côn trùng cũng là một biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người sử dụng thuốc cần lưu ý:

Chỉ thoa, xịt một lớp mỏng thuốc chống muỗi/côn trùng đốt lên da.
Thoa kem chống nắng trước khi dùng thuốc.
Chỉ thoa/xịt thuốc chống côn trùng lên áo và vùng da hở.
Rửa tay sau khi thoa/xịt thuốc.
Không dùng thuốc chống côn trùng có chứa DEET cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Không nên dùng vòng tay chống muỗi/côn trùng.

TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền

Bệnh viện Da liễu Trung ương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/con-trung-can-dot-khi-nao-can-gap-bac-si-da-lieu-post1500661.html